Từ ngày 15-11 đến 15-12: Sẽ tăng cường truyền thông vì bình đẳng giới

Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, từ ngày 15-11 đến 15-12, sẽ diễn ra đợt truyền thông cao điểm về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái với chủ đề 'Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em'…

Phụ nữ còn chịu thiệt thòi

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng nhóm Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) Tổ 9 Tháp Bà (phường Vĩnh Phước - TP. Nha Trang) chia sẻ, 10 năm tham gia công tác phòng chống BLGĐ, bà từng chứng kiến nhiều cảnh BLGĐ mà người chịu khổ nhất vẫn là phụ nữ. Như trường hợp anh N.V.U và chị L.T.P trên địa bàn tổ, do hoàn cảnh nghèo khó, phải lăn lộn mưu sinh bằng nghề phụ hồ nặng nhọc nên anh U. lúc nào cũng cáu gắt, bực dọc vô cớ với vợ. Tuy không đánh nhưng anh hay mắng chửi, nhục mạ chị, nhất là trong lúc nhậu say. Chị P. bán tàu hủ, phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm mà lại bị chồng bạo hành tinh thần trong suốt thời gian nên chị chịu không nổi, tình cảm rạn nứt. May mà được chính quyền cùng các đoàn thể hòa giải kịp thời, anh U. đã nhận ra cái sai của bản thân nên không còn chửi vợ như trước, mái ấm được cứu vãn.

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng cho hay, lối sống hiện nay với các áp lực về thu nhập, chi tiêu, nhà cửa, ý thức tự do cá nhân… đã khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên của không ít gia đình không còn thực sự gắn kết như trước. Lối sống thực dụng, đề cao vật chất, lợi ích cá nhân đã tác động tiêu cực tới các giá trị truyền thống như lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau. Đặc biệt, vấn đề BLGĐ, nhất là đối với phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em gái gần đây gây bức xúc trong dư luận. Trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra hơn 31.000 vụ BLGĐ, mỗi ngày có khoảng 64 phụ nữ và 10 trẻ em bị bạo hành. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 2.455 vụ BLGĐ. Trong đó, có 2.389 phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, chiếm hơn 97,3%.

Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều bất cập trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước còn thấp. Đời sống của một bộ phận phụ nữ và trẻ em còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trên lĩnh vực kinh tế, ngành nghề, nhìn chung phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Đó là chưa kể nữ giới phải còn chịu gánh nặng kép trong việc kiếm thu nhập và việc gia đình, làm gia tăng các áp lực lên phụ nữ.

Tăng cường truyền thông

Theo thống kê, thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp có nữ làm chủ đạt 30%; tỷ lệ nữ được học tập, nâng cao trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học ngày càng tăng; 97,9% nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi được xóa mù chữ. Trong gia đình, vị trí, vai trò của phụ nữ được tôn trọng và tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng trong gia đình. Nam giới cũng dần có ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ…

Tuy nhiên, xã hội trong thời kỳ mở cửa, giao thoa văn hóa, thế hệ trẻ đề cao tự do cá nhân, yêu đương cũng tự do hơn. Tình trạng sống chung như vợ chồng khi chưa đăng ký kết hôn và ly hôn sau hôn nhân ngày càng tăng. Tội phạm xã hội xâm nhập vào gia đình và tội phạm trẻ em có nguyên nhân buông lỏng từ gia đình ngày càng nhiều… Đó là những nguyên nhân chủ yếu làm xói mòn các giá trị đạo đức gia đình, dẫn đến gia đình tan vỡ, bạo lực gia tăng. Trong khi đó, phần lớn các gia đình đều coi BLGĐ là chuyện “nhà ai nấy tỏ” nên làm ngơ, không can thiệp.

Chính vì vậy, triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể sẽ tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này. Cụ thể, sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều hoạt động được tổ chức như: các diễn đàn đối thoại, cuộc thi, tọa đàm, hội thảo, đề xuất chính sách... liên quan đến chủ đề của tháng hành động; gặp mặt, biểu dương những điển hình tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; sản xuất và phát hành rộng rãi các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là truyền thông cộng đồng; huy động các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị… “Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu giảm mạnh BLGĐ bình quân hàng năm từ 10% đến 15% số vụ. Đại diện lực lượng phụ nữ toàn tỉnh, tôi kêu gọi tất cả cán bộ, hội viên, phụ nữ trên toàn tỉnh có nhiều hoạt động cụ thể hơn nữa để hưởng ứng tháng hành động, quyết tâm cùng chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, bà Lê Thị Mai Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu.

Tại buổi lễ phát động vào ngày 8-11, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã truyền đi một thông điệp rất cụ thể, đó là mỗi người cần quyết liệt lên án những hành vi vi phạm và kìm hãm việc thực hiện bình đẳng giới. Các ngành, các cấp và địa phương, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh cần có những hành động thiết thực xóa bỏ định kiến về giới để bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống.

LƯU KHÁNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201811/tu-ngay-15-11-den-15-12-se-tang-cuong-truyen-thong-vi-binh-dang-gioi-8096227/