Từ ngày 20/4, không được nhận xét vào tờ khai lý lịch cá nhân: Hết nạn 'bút phê' dở khóc, dở cười!

Từ 20/4, cơ quan chức năng không được nhận xét vào tờ khai lý lịch cá nhân là nội dung đang nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của người dân. Một số ý kiến còn cho rằng, cần phải tinh gọn hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước về 'lý lịch công dân', đặc biệt là kết hợp với việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, thay bằng 'sổ hộ khẩu online', cấp mã số định danh... mà cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc.

Những kiểu xác minh lý lịch như thế này sẽ không còn nữa?

Những kiểu xác minh lý lịch như thế này sẽ không còn nữa?

Những tình huống oái oăm

Trước đây, khi người dân tiến hành khai lý lịch và đi xác nhận thì UBND cấp xã/phường hoặc những nơi xác nhận sơ yếu lý lịch thường xác nhận nội dung, dẫn tới nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Bên cạnh đó thì có hàng loạt câu nhận xét khiến nhiều người khác "không thể tin nổi", thậm chí, dù đã có quy định chỉ xác nhận chữ ký, tuy nhiên, theo yều cầu từ đơn vị/cơ quan mà người đi "xin" xác nhận lý lịch cũng bị "hành". Bởi, từ năm 2014, cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực quy định: UBND xã/phường/thị trấn thực hiện chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch và người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.

Điển hình như trường hợp tại Hà Nội cách đây chưa lâu, khi anh Ngô Việt A. ngụ tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì đi xác minh lý lịch để làm hồ sơ nhập học thì "được" ông Nguyễn Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND xã này ký xác nhận với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương".

Hay như trường hợp như ở xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương khi ông Phó Chủ tịch xã này đã bút phê vào bản khai sơ yếu lý lịch của một cô gái vừa tốt nghiệp đại học để làm hồ sơ xin việc rằng: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương".

Thậm chí, một số vụ việc, người dân còn kiện đến tòa án nhằm đòi công lý. Trường hợp của ông Nguyễn Văn V. (ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị xác nhận trong lý lịch với nội dung: "Bà Nguyễn Thị T., SN 1981 (chị gái ông V.) trong thời gian cư trú tại địa phương, bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương (một số khoản đóng góp)".

Theo bà T. vì nội dung xác nhận này mà anh V. không đủ điều kiện để tuyển vào lực lượng công an. Ngay sau đó, bà vợ chồng bà T. đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông Lý Minh Tư, Phó trưởng Công an xã và ông Đỗ Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồ đòi bồi thường thiệt hại, do xâm phạm đến "danh dự, nhân phẩm, uy tín" của gia đình bà.

Những vụ việc như nêu trên không phải là phổ biến, chỉ số ít xảy ở nơi này nơi kia, tuy nhiên, nó cũng phản ánh một thực tế rằng một số cán bộ/công chức, đặc biệt cấp xã/phường coi việc xác nhận lý lịch như một "lợi thế", để ràng buộc hoặc ép người khác vào những yêu sách mà họ mong muốn, bất chấp các quy định hành chính của Nhà nước.

Bàn về vấn đề này, LS. Nguyễn Thu Yến (TP.HCM) cho rằng: "Đây là các vụ việc hết sức đáng tiếc, do nhiều lý do khác nhau. Rõ ràng, chủ trương, chính sách của Đảng hay pháp luật của Nhà nước hoàn toàn không có có yêu cầu hay quy định nào bắt buộc phải xác nhận như trên.

Mặt khác, điều này cũng cho thấy, chính quyền ở một số nơi, đặc biệt là các khu vực chưa phát triển còn có tình trạng ràng buộc người dân vào những "khoản đóng góp". Đây cũng là cách để ép người dân phải đóng các khoản này mà phần nhiều là không hợp lý, mỗi khi thực hiện "xin" ký hoặc cấp các loại giấy tờ khác".

Chỉ cần gõ bàn phím?

Cũng theo LS. Yến: "Thực trạng này cũng cho thấy, xác nhận nội dung trong tờ khai lý lịch là bất hợp lý, vì vậy loại bỏ là điều tất yếu, để hướng đến những điều tốt đẹp và thuận lợi cho người dân. Thực ra mà nói, bản chất của Nhà nước ta là hướng đến và phục vụ người dân, vì vậy, cái gì đi ngược lại hay phiền nhiễu thì loại bỏ là điều hợp lý.

Hơn nữa, việc này còn nhằm thống nhất được từ trên xuống dưới và trên phạm vi cả nước. Trừ những trường hợp có luật chuyên ngành quy định thì mới thực hiện, như vậy sẽ hợp lý và tạo ra sự bình đẳng cho mọi công dân ở tất cả mọi nơi, dù đó là nông thôn hay thành thị".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Huân, nguyên cán bộ hộ pháp, hộ tịch ở TP.HCM cho biết: "Trước đây, theo các quy định của từng đơn vị/cơ quan mà có mẫu xác minh lý lịch khác nhau. Ví dụ như mẫu cũ của bộ Giáo dục và Đào tạo thì yêu cầu "xác nhận hộ khẩu thường trú". Tuy nhiên, điều này là bất hợp lý, bởi, chỉ cần nộp số khẩu photo thì đã rõ nội dung này, cần gì phải xác minh hộ khẩu thường trú.

Cũng là mẫu này còn yêu cầu xác nhận "việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh/sinh viên tại địa phương". Có nơi bắt xác nhận "khai đúng sự thật"... Do đó, việc bỏ các yêu cầu xác nhận này là hoàn toàn hợp lý, để có cách xác nhận thống nhất trong tờ khai lý lịch đồng loạt cho cả nước. Điều này cũng tránh tình trạng mạnh ai nấy xác nhận và loại bỏ được chuyện cậy quyền, cậy thế hoặc "bôi xấu" lý lịch nhằm chèn ép người dân".

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Hồng, đại học Văn hóa TP.HCM cũng cho rằng: "Việc không xác nhận nội dung trong lý lịch cũng loại bỏ được kiểu làm việc hành chính công nhưng lại quyết việc cá nhân, ghi vào những điều bất lợi cho công dân".

Từ lâu, bằng việc chỉ xác nhận sơ yếu lý lịch chỉ là xác nhận chữ ký của người yêu cầu, vì vậy, người dân có thể đến bất kỳ cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận chữ ký để xác minh lý lịch (UBND cấp xã/phường; văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng; phòng tư pháp thuộc quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh) mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú hay nơi đăng ký tạm trú.

Từ quy định này, người dân cảm thấy vô cùng thoải mái. Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Mới đây, tôi phải xác minh lý lịch để nộp hồ sơ chuyển công tác. Cơ quan tôi ở quận 1 nên vào UBND phường Cầu Kho để xác minh lý lịch và họ chỉ ghi là chữ ký của tôi là đúng. Việc xác nhận này cũng rất nhanh, không bất tiện và mất nhiều thời gian như trước đây. Đây là việc rất tốt.

Do đó, tôi cho rằng, việc áp dụng chỉ xác nhận chữ ký thống nhất trên tờ khai lý lịch cá nhân là điều hoàn toàn hợp lý. Bởi, nó tránh gây ra những trường hợp không đáng có giống như thời gian trước. Đồng thời, nó cũng thể hiện chúng ta đang xây dựng chính quyền hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn".

Trong khi đó, một số ý kiến còn cho rằng, cần phải tinh gọn hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước về "lý lịch công dân", đặc biệt là kết hợp với việc bỏ sổ hộ khẩu, thay bằng "sổ hộ khẩu online", cấp mã số định danh... mà Chính phủ đang triển khai thực hiện.

TS. Hồng phân tích thêm: "Tôi cho rằng, cơ quan Nhà nước cần phải tính tới đến chuyện làm sao để có một nền hành chính mà trong đó, lý lịch cá nhân thật tiện lợi. Nhất là chúng ta đang triển khai trong bối cảnh mà cuộc cách mạng công nghệ số đã phát triển mạnh mẽ thì nên học hỏi các quốc gia tiên tiến, xem họ đang quản lý người dân về lý lịch như thế nào?

Hơn nữa, chúng ta đang tiến tới loại bỏ sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan để xây dựng sổ hộ khẩu điện tử, cấp mã số định danh... thì liệu tờ khai lý lịch có còn phù hợp, khi mà các đơn vị tuyển dụng hay cơ quan chức năng quản lý Nhà nước chỉ cần nhập mã số định danh thì sẽ biết được lý lịch người đó như thế nào?".

Đây cũng là điều nên bàn trong thời điểm này, dù rằng, việc bỏ xác nhận nội dung trong lý lịch là điều rất đáng hoan nghênh rồi. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hướng đến điều gọn nhẹ hơn, để có một nền hành chính thực sự phát triển, tạo thuận lợi cho người dân cũng như chính cơ quan chức năng/đơn vị khi cần đến tờ khia lý lịch cá nhân. Điều này cũng phù hợp với xu thế cải cách hành chính cũng như việc xây dựng Chính phủ điện tử mà mà Chính phủ đang tập trung nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện", TS. Hồng nói thêm.

Chí Thanh

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 11

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tu-ngay-204-khong-duoc-nhan-xet-vao-to-khai-ly-lich-ca-nhan-het-nan-but-phe-do-khoc-do-cuoi-a316208.html