Tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ kích điện

Ðể góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản, Hội Nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh phối hợp Ban Chỉ huy Công an xã tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ kích điện để đánh bắt cá.

Theo ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã, hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay là sử dụng xung điện và cào điện. Thực tế, việc sử dụng xung điện để bắt cá ở vùng nông thôn diễn ra rất phổ biến, đa số là nông dân tận dụng thời gian nhàn rỗi hay lúc không có việc làm đi bắt cá kiếm thêm thu nhập, thực phẩm cho gia đình.

Ông Trần Rô Y cho biết, thực hiện theo kế hoạch chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện, của Ðảng ủy, UBND xã về việc cấm dùng xung điện đánh bắt thủy sản để khôi phục nguồn lợi cá đồng trên địa bàn, ngày 4/1/2024 vừa qua, Hội Nông dân xã phối hợp Ban Chỉ huy Công an xã, MTTQ và các đoàn thể vận động 5 hộ giao nộp bộ công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Hiện nay, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tự giác giao nộp.

Ông Trần Rô Y (thứ 3 từ trái sang), Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, trao giấy khen của Chủ tịch UBND xã cho ông Đinh Văn Thừa (thứ 3 từ phải sang), Ấp 12 về ý thức giao nộp bộ dụng cụ kích điện đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt.

Ý thức được tác hại của việc sử dụng bộ công cụ kích điện để bắt cá, ông Ðinh Văn Thừa, Ấp 12, xã Khánh Thuận đã tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ kích điện có giá trị 12 triệu đồng. Ðể ghi nhận tinh thần tự giác trên, Chủ tịch UBND xã đã tặng giấy khen đột xuất cho hộ ông Ðinh Văn Thừa.

Cùng với ông Thừa, 4 hộ dân trong Ấp 12 cũng tự giác giao nộp bộ công cụ kích điện, gồm: ông Trịnh Trọng Thảo, ông Nguyễn Văn Thoảng, ông Nguyễn Quốc Khâm và ông Phùng Thế Giới. Chính quyền địa phương cũng đang đề xuất Chủ tịch UBND xã khen thưởng các hộ này.

Ông Trịnh Trọng Thảo (thứ 2 từ phải sang) tự nguyện giao nộp bộ dụng cụ kích điện đánh bắt thủy sản.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm 2005 đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc quy, 1.137 kích điện, 4.454 m dây điện. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính, từ các tang vật thu nộp ngân sách trên 5,72 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng, công an còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2 ngàn trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản cả trên biển và trong nội đồng.

Trước thực trạng trên, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn. Nội dung chỉ thị nêu rõ, việc sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước tự nhiên. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện, dòng điện, chất độc, chất nổ còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, thậm chí dẫn đến chết người. Thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Tác hại từ việc sử dụng bộ xiệc điện để đánh bắt cá vô cùng lớn. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì rất cần sự tự giác của mỗi người dân. Cụ thể, tuyệt đối không sản xuất, buôn bán, sử dụng điện để khai thác thủy sản; đi đôi với khai thác, đánh bắt là phải bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản./.

Trung Ðỉnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tu-nguyen-giao-nop-bo-dung-cu-kich-dien-a30833.html