Tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Lợi ích lan tỏa từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn, nhiều mã hàng, việc khai báo hải quan thường gặp những sai sót không đáng có. Điều này gây nhiều phiền toái, làm mất thời gian, chi phí kiểm tra hàng hóa trước và sau thông quan. Cũng bởi vậy, Tổng cục Hải quan đã đưa ra Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để giảm bớt những 'phiền toái' này cho cả 2 bên.

Công khai mức độ tuân thủ của doanh nghiệp

Công tác quản lý rủi ro nói chung và quản lý tuân thủ của doanh nghiệp (DN) nói riêng của ngành Hải quan ngày càng được chú trọng, mở rộng về phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ, áp dụng trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.

Thời gian qua, cơ quan hải quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng đến khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để đảm bảo tạo sự cân bằng trong việc tạo thuận lợi cho các DN tuân thủ tốt và kiểm soát chặt chẽ đối với những DN không tuân thủ. Cơ quan hải quan ban hành Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin hàng năm, trong đó phân công nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin cho 35 cục hải quan các tỉnh, thành phố; phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin hồ sơ DN với cơ quan thuế và các cơ quan liên quan.

Tuân thủ pháp luật hải quan sẽ giúp doanh nghiệp tránh được phát sinh việc hàng hóa rơi vào luồng Đỏ. Ảnh: Phong Nhân

Tuân thủ pháp luật hải quan sẽ giúp doanh nghiệp tránh được phát sinh việc hàng hóa rơi vào luồng Đỏ. Ảnh: Phong Nhân

Kể từ 1/1/2021, cơ quan hải quan đã công khai mức độ tuân thủ của DN trên Cổng thông tin điện tử Hải quan và hướng dẫn DN tra cứu mức độ tuân thủ, kịp thời giải đáp các thắc mắc của DN về mức độ tuân thủ.

Những kết quả này là tiền đề để ngành Hải quan triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan một cách bài bản, thống nhất.

Theo ông Nguyễn Nhất Kha - Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Đây là Chương trình mà khi DN tham gia sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí tất cả các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh.

Mục tiêu của Chương trình nhằm đạt được kết quả với trên 80% DN tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao và trên 80% DN tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan.

Tuyên dương cũng như nhắc nhở kịp thời

Với mục tiêu như trên, Chương trình thí điểm sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho DN. Theo bà Nguyễn Thúy Lan – Giám đốc kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, Công ty COKYVINA, Chương trình tự nguyện tuân thủ giúp cho DN có cơ hội nâng hạng trong quản lý rủi ro của cơ quan hải quan, tiết kiệm chi phí liên quan. Vì vậy, đây là một chương trình rất hữu ích và có lợi cho DN nếu triển khai thành công, nhất là giúp DN tránh được phát sinh việc hàng hóa rơi vào luồng Đỏ.

Với cơ quan quản lý cũng rất có lợi. Theo ông Lê Thành Trung – Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro, Cục Hải quan Hà Nội, Chương trình giúp việc thực hiện chức năng quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn.

Để triển khai suôn sẻ chương trình này, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho hay, đơn vị đã chủ trì, điều phối cũng như phối hợp chặt chẽ với cục hải quan các tỉnh, thành phố trong toàn bộ các khâu thực hiện.

Phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia không bị xử lý vi phạm pháp luật hải quan

Chương trình hướng đến sau 2 năm triển khai, 100% doanh nghiệp tham gia không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị hải quan địa phương và các tổ chức, hiệp hội DN tổ chức hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Chương trình; thực hiện các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, đăng tải hoạt động, kết quả của Chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan (như: http://customs.gov.vn) và Tạp chí Hải quan (http://haiquanonline.com.vn). Rà soát, đánh giá, lựa chọn DN tham gia; xây dựng các nội dung biên bản ghi nhớ, ghi nhận tư cách thành viên tham gia Chương trình” – ông Nguyễn Nhất Kha cho biết.

Bên cạnh đó, phía hải quan đã thiết lập danh sách cán bộ đầu mối tại hải quan các cấp, thông qua việc thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình gồm 123 thành viên là các cán bộ công chức thuộc Cục Quản lý rủi ro, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và 35 cục hải quan các tỉnh, thành phố. Nhóm chuyên trách có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ toàn ngành về tư vấn, giải quyết vướng mắc theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với DN tham gia Chương trình khi có yêu cầu.

Để nâng cao hiệu quả của Chương trình, Cục Quản lý rủi ro đã phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo dõi, đánh giá quá trình các hoạt động trong khuôn khổ và báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan tổ chức tuyên dương, khen thưởng các DN tuân thủ tốt, có đóng góp tích cực, cũng như cảnh báo, nhắc nhở, thu hồi tư cách thành viên đối với DN không thực hiện hoặc vi phạm cam kết.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tu-nguyen-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-loi-ich-lan-toa-tu-cac-chuong-trinh-ho-tro-doanh-nghiep-113536.html