Từ nông trại đến bàn ăn: Chìa khóa khởi tạo chăn nuôi bền vững

Hình thành chuỗi cung cấp các sản phẩm thịt heo an toàn từ 'trang trại' đến 'bàn ăn' sẽ giúp giải quyết những bất cập tồn tại của ngành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Những mô hình tiên phong

Giữa tâm bão dịch tả heo châu Phi, nhưng thịt sạch thương hiệu Meat Deli của Tập đoàn Masan được người tiêu dùng Hà Nội đón nhận. Thậm chí doanh thu của Tập đoàn ở phân khúc mảng thịt heo mát Meat Deli tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi có dịch. Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ từ châu Âu - công nghệ có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, khiến người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

 Kiểm định chất lượng thịt.

Kiểm định chất lượng thịt.

Trước khi đầu tư nhà máy giết mổ, chế biến heo tại Hà Nam, Tập đoàn Masan đã đầu tư trại nuôi heo quy mô công nghiệp 10.000 con tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Heo tại đây được nuôi theo quy trình tiên tiến, khép kín, đảm bảo sạch.

Tổ hợp Chế biến thịt Meat Hà Nam chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi tích hợp 3F (feed – farm – food).

Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn GLOBAL GAP, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC. Toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát đảm bảo thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng tươi, ngon, sạch.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - cho biết, thông qua nhà máy, Masan có thể hiện thực hóa mục tiêu mang lại thực phẩm sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Đồng thời hứa hẹn tạo ra xu hướng tiêu dùng mới.

Là một trong những đơn vị phân phối sản phẩm thịt mát Meat Deli, đại diện Vinmart Royal City VinEco cho hay, khi dịch bệnh tả heo châu Phi diễn ra, trong khi việc tiêu thụ tại các chợ dân sinh gặp khó khăn thì tại hệ thống chuỗi cửa hàng của VinEco, sản phẩm này có lượng bán tăng từ 20 - 30% so với thời điểm trước đó.

Còn theo ông Nguyễn Thiều Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan, hiện mỗi ngày Masan cung cấp ra thị trường khoảng 300 con heo. Đặc biệt, Masan cam kết sản phẩm thịt Meat Deli sẽ không tăng giá.

Lọc thịt mát nhằm đóng gói chân không.

Với quy mô nhỏ hơn, hệ thống chăn nuôi được đầu tư hiện đại, nguồn gốc con giống, thức ăn rõ ràng, trang trại chăn nuôi heo của Công ty cổ phầm trang trại Bảo Châu (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) ứng dụng chăn nuôi và chế biến heo hữu cơ theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản, được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận VietGAP.

Bảo Châu cũng đã đầu tư một khu giết mổ hiện đại, dùng máy chích điện gây ngất vật nuôi. Sau khi mổ và làm sạch, thịt heo được đóng gói hút chân không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có tem nhãn chứng nhận của cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Khách hàng có thể truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

Những sản phẩm thịt đóng gói sẽ được doanh nghiệp chuyển thẳng đến chuỗi cửa hàng của mình cũng như các hệ thống siêu thị. Việc áp dụng mô hình khép kín từ từ trang trại đến bàn ăn, hiện trang trại Bảo Châu xuất khoảng 30 - 50 con heo thịt/ngày, cung ứng cho các siêu thị lớn ở Hà Nội như chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Vinagap… thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Đáng chú ý, việc sản xuất theo mô hình 3F vừa giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt dịch bệnh đồng thời không chịu những tác động bất lợi bởi các biến động của thị trường.

… Và ở phía đối diện

Thái Bình là tỉnh có số đàn heo đứng thứ 4 cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là 1 trong 2 địa phương đầu tiên phát hiện dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Nghiên - Quyền cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Thái Bình - thông tin, sản phẩm chăn nuôi heo của Thái Bình chủ yếu là sản phẩm heo sống nguyên con, sản phẩm chế biến và sơ chế rất ít. 40% sản lượng sản xuất ra sẽ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, 60% còn lại sẽ được xuất bán. Từ khi dịch bệnh tả heo châu Phi xảy ra đến nay, thực hiện quy định về chống dịch, nhiều địa phương đã triển khai yêu cầu tạm dừng giết mổ heo tại vùng dịch, vùng uy hiếp, điều này gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Lãnh đạo tỉnh cho hay, hiện, Thái Bình đang còn tồn đọng số lượng lớn thịt đến tuổi xuất chuồng (250 ngàn con, tương đương 26.500 tấn), số lượng này chưa bao gồm đàn heo nái tiếp tục sinh sản, heo choai phát triển sinh trưởng tiếp theo thời gian. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT thì việc tiêu thụ heo đến tuổi xuất chuồng của Thái Bình sẽ gặp khó khăn.

Có thể khẳng định, việc thực hiện chuỗi tích hợp từ trang trại đến bàn ăn mang lại những hiệu quả rõ nét. Bởi lẽ, mặc dù Bộ Y tế đã khuyến cáo đến người dân về dịch tả heo châu Phi không lây sang người, nhưng người dân tại nhiều địa phương vẫn tỏ ra nghi ngại, thậm chí quay lưng với sản phẩm thịt heo.

Tình trạng buôn bán ế ẩm đã diễn ra nhiều ngày nay tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội gây khó khăn cho bà con tiểu thương cũng như người chăn nuôi heo. Nhiều người tiêu dùng thay vì trước kia mua ở các chợ dân sinh, thì nay chuyển sang lựa chọn vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để yên tâm một phần nào về nguồn gốc, xuất xứ. Đây là nguyên nhân lý giải doanh thu mặt hàng này tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lên.

Rõ ràng, chăn nuôi là một ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam, tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành hàng này thời gian qua đó là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa heo từ cuối năm 2016 tới đầu năm 2017 một cách nghiêm trọng. Và trong đợt dịch bệnh tả heo châu Phi đang diễn ra lần này, ngành chăn nuôi rơi vào khủng hoảng kép. Vừa phải lo đối phó với khả năng xâm nhiễm của dịch bệnh, vừa lo khâu tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với các hiệp định thương mại đã được ký kết, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang được xếp vào hàng có nhiều yếu thế. Để củng cố ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi heo, không còn cách nào khác là phải tập trung cải thiện đối với hai khâu yếu nhất là chế biến và phân phối lưu thông. Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết là vấn đề được đặt ra.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/tu-nong-trai-den-ban-an-chia-khoa-khoi-tao-chan-nuoi-ben-vung-162050.html