Từ 'Palao' nghĩ về sân khấu du lịch cho TP HCM

Tác phẩm nghệ thuật hướng đến du khách không chỉ là nội dung, hình thức thể hiện hấp dẫn mà còn mang tính đặc thù của vùng miền. Điều này nhiều năm qua TP HCM vẫn chưa làm được

Khán giả yêu sân khấu khi đến Hội An (Quảng Nam) thật sự choáng ngợp trước vở múa đương đại "Palao" diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An. Đây là sô diễn do Công ty CP Lune Production cùng các cộng sự nỗ lực thực hiện nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước tác phẩm múa đương đại đậm văn hóa dân tộc Chăm.

Hình thức thể hiện cuốn hút

Sau những vở kịch xiếc rất thành công: "Làng tôi", "À ố show", "Teh Dar", nhóm tác giả gồm những nghệ sĩ và biên đạo hàng đầu của Lune Production (Nguyễn Nhất Lý - giám đốc nghệ thuật, đạo diễn Tuấn Lê và biên đạo múa Ngô Thanh Phương) đã xây dựng thành công dự án mới, đó là vở múa đương đại về văn hóa Chăm mang tên "Palao". Theo tiếng Chăm nghĩa là "buông", vở mang ý nghĩa là sự tri ân những đóng góp của văn hóa dân tộc Chăm trong tổng thể nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam. "Buông" hoặc "tiễn đưa" ẩn dụ một con thuyền quá khứ, sẵn sàng hướng về chân trời tương lai. Chính vì thế, vở diễn tái hiện đời sống văn hóa dân tộc Chăm qua góc nhìn nghệ thuật và âm nhạc đương đại độc đáo. Ngoài việc tạo không gian văn hóa Chăm đậm chất vùng miền, hình thức biểu diễn của vở "Palao" chạm đến trái tim người xem bởi các nghệ sĩ tham gia vở diễn vừa múa, hát vừa trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm.

Các diễn viên múa của vở “Palao” giao lưu với khán giả sau suất diễn

Các diễn viên múa của vở “Palao” giao lưu với khán giả sau suất diễn

Được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại gồm múa và âm nhạc Chăm, "Palao" được dựng nên bởi 10 diễn viên (8 diễn viên người Chăm). Họ miệt mài tập luyện, chuyển tải những áng thơ trong kịch bản "Palao" bằng chuyển động của hình thể đầy cảm xúc. Tác phẩm đã đưa người xem đến gần hơn với nét đẹp văn hóa Chăm, di sản văn hóa không thể tách rời trong nền văn hóa Việt Nam.

Nghệ sĩ Ba Chinh - diễn viên của vở - cho biết "Palao" không chỉ truyền tải giá trị nghệ thuật đương đại mà còn giá trị nhân văn sâu sắc giữa thiện - ác, giá trị chung sống giữa con người với con người, hướng đến thái độ sống tích cực và ý nghĩa. Chính sự kết hợp thú vị giữa các nhạc cụ truyền thống: gi-năng, bara-nưng, saranai, kanhi, shankha và những dụng cụ trong đời sống hằng ngày của người Chăm, đó là những chiếc chum, tạo ra bầu không khí rất Chăm, mới lạ, độc đáo.

Không gian đủ chuẩn

Quan sát khán giả đủ các quốc tịch có mặt tại suất diễn vở "Palao", chúng tôi nhận thấy sự hài lòng của họ khi xem tác phẩm này. Trước hết, đó là không gian một nhà hát được xây dựng đúng như thiết kế của vở múa đương đại này. Điều này, TP HCM nhiều năm qua không làm được dẫn đến việc không có rạp diễn đúng chuẩn cho loại hình sân khấu du lịch. Không gian này giúp khán giả và du khách có thể hòa nhập vào đời sống, văn hóa người bản địa trước khi bước vào thưởng thức vở diễn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - sân khấu IDECAF - thốt lên: "Tôi thèm có một không gian, một rạp hát như vậy tại TP HCM nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ đi thuê những hội trường, những rạp hát chật hẹp xuống cấp để diễn. Mà nói đến sân khấu du lịch thì cần không gian, nhà hát đúng chuẩn chứ không thể chắp vá dựng sàn diễn trên những gì đã có sẵn".

Để có được những suất diễn đầy ắp khán giả tại Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An, những người thực hiện chương trình đã nghĩ đến việc tạo không gian riêng biệt cho văn hóa Chăm. Khán giả du khách thích thú khi nhìn thấy sự xuất hiện của những chiếc chum hiện diện trong chương trình dưới nhiều hình thức. Diễn viên lấy chum làm đạo cụ, phương tiện diễn xuất. Trang trí của vở và trang phục đều màu trắng đặc trưng văn hóa bản sắc của dân tộc Chăm.

Cách tiếp thị của những người thực hiện vở diễn này cũng đáng để TP HCM học hỏi khi liên kết với các công ty lữ hành, lắng nghe và chia sẻ để bên cạnh sự thỏa mãn sáng tạo còn phải gắn kết thực tiễn. Người xem là du khách Việt hoặc các nước cảm thấy thích thú bởi chính không gian đúng chuẩn của "Palao" đưa họ đến gần hơn với văn hóa và con người của dân tộc Chăm, để được tìm hiểu về cội nguồn văn hóa nghệ thuật của dân tộc này.

Sau mỗi suất diễn, tất cả diễn viên ngồi lại với khán giả để nghe họ trình bày cảm xúc. Anh Inra Jaka, diễn viên của vở, làm cầu nối với vai trò thông dịch để khán giả dù ở quốc gia nào cũng có thể hiểu được những giá trị sáng tạo mà "Palao" mang đến. "Làm sân khấu du lịch chính là tìm kiếm sự đồng cảm về văn hóa vùng miền. Bám vào đó khai thác tối đa những giá trị nghệ thuật để du khách sau khi rời đi vẫn đọng lại trong lòng ký ức đẹp về "Palao", đó là điều chúng tôi đã và đang làm" - quản lý điều hành của sô diễn Nguyễn Đức Sinh bày tỏ.

Hội An làm được, TP HCM thì không?

Vì sao Hội An làm được và đạt hiệu quả, còn TP HCM thì chưa? Cách đây nhiều năm, nhiều sân khấu du lịch tại TP HCM đã ra đời với sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa. Rất nhiều chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, từ hát bội, cải lương, đờn ca tài tử đến trình diễn áo dài... đã ra mắt nhưng do khó khăn không có rạp diễn cố định nên không tạo được không gian riêng biệt cho từng sô diễn. Du khách không đến đồng nghĩa với việc "phá sản".

TP HCM hiện nay chỉ còn "À ố show", diễn tại Nhà hát TP và múa rối nước ở Nhà hát Rồng Vàng tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM là thành công và "trụ" được ổn định.

Tuy vậy, nỗi buồn chung của người dân TP HCM, một trung tâm văn hóa du lịch lớn nhất nước vẫn chưa có một sân khấu du lịch với những vở diễn đủ tầm quảng bá di sản văn hóa nghệ thuật vùng miền nói riêng, của cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tu-palao-nghi-ve-san-khau-du-lich-cho-tp-hcm-20190407220158166.htm