Từ phản ánh của dân, TP.HCM mỗi tháng xử lý 10 đảng viên, 11 cán bộ

Thông tin được Nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết khi đề cập tới khả năng giám sát, đảm bảo dân chủ của mô hình chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận và phường.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM).

Đề xuất có thể áp dụng ngay, không thí điểm

Chiều 26/10 Quốc hội dành khoảng 1h thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thảo luận nội dung này, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, song còn băn khoăn về quyền đại diện, quyền dân chủ của nhân dân khi cấp quận và cấp phường không còn HĐND.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, 1 trong 2 thành phố lớn nhất cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của phía nam, là đầu tàu động lực kinh tế cả nước, là thành phố mang nhiều dáng vẻ một đô thị của quốc gia với rất nhiều đơn vị hành chính trực thuộc. Việc cho phép thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo đại biểu, là hợp lý, cần thiết.

Vị đại biểu Đồng Tháp cũng đồng tình việc không tổ chức thí điểm mà thông qua nghị quyết thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị với một cấp chính quyền đầy đủ (gồm HĐND và UBND) và 2 cấp hành chính tại quận, phường. Bởi, từ 2002, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 6 năm thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên cả 21 đơn vị hành chính cấp quận, đã có tổng kết cho kết quả tích cực. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng được cho là “chín” tại Hà Nội, Đà Nẵng. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó, cũng được sửa đổi, bổ sung cho thích hợp. Do đó, TPHCM không cần tiếp tục thí điểm mà triển khai luôn mô hình này.

Vấn đề nữa, theo đại biểu Hòa là cần tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố để giám sát ở quận, phường, nơi không tổ chức HĐND.

Các vấn đề như thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản đã được HĐND cấp trên quyết định nên cần nâng cao vai trò giám sát để đảm bảo quyền của dân, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu.

Vị đại biểu này cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố lớn nhất cả nước, thông qua theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp của Quốc hội để đề án có thể có hiệu lực thực thi ngay từ 1/7/2021.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cũng bày tỏ băn khoăn nhiều nhất là quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát quyền lực, khi đã không còn kênh HĐND cấp quận, phường, trong khi thời gian qua vẫn để xảy ra những sự việc quan trọng mà Thành phố đang phải giải quyết.

Ông Vân đề nghị trước mắt chỉ không tổ chức HĐND quận, còn ở phường vẫn giữ HĐND vì đây là cấp gần dân nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) góp ý, cần nghiên cứu mô hình đổi mới hoạt động của HĐND Thành phố để đảm bảo đủ chức năng nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều khi cơ quan này phải “gánh” cả phần việc của toàn bộ 21 quận huyện, hàng trăm xã, phường cộng lại.

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì với mật độ dân số rất lớn, một quận, huyện có thể đến 500.000, gần 800.000 dân thì các vấn đề phát sinh lớn và đòi hỏi phải xử lý nhanh.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị để giúp cho quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường và nếu cơ chế không đáp ứng thì việc thay thế người này do Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng thành phố thực hiện sẽ nhanh hơn, ông Nhân nói.

Vẫn đảm bảo hiệu quả giám sát

Hồi âm những băn khoăn của đại biểu về công tác giám sát khi không có HĐND cấp quận và phường, ông Nhân nói Thành phố đã có hơn 6 năm thí điểm không có HĐND của cả 24 quận và huyện, 259 phường, xã, không phát sinh vấn đề lớn và có đầy đủ khả năng khắc phục vấn đề đại biểu nêu.

Ông Nhân cũng cho biết, để đảm bảo dân chủ của dân thì hiện nay có tới 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát, trong đó có Quyết định 137 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo...

"Thực tế bằng quy định này, chúng tôi trong 33 tháng đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân và xử lý kịp thời gian 96%, tức là bình quân mỗi một tháng chúng tôi tiếp nhận 239 ý kiến, mỗi một ngày từ 8-9 ý kiến, qua đó chúng tôi phải xử lý cán bộ, mặc dù điều này không muốn làm. Trong 33 tháng vừa qua, bình quân một tháng chúng tôi phải xử lý 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện" - ông Nhân cho biết.

Trước khi thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ có thêm một phiên thảo luận nữa về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-phan-anh-cua-dan-tphcm-moi-thang-xu-ly-10-dang-vien-11-can-bo-d132110.html