Từ phạt đến buộc thôi việc: Dư luận không chấp nhận xử lí xuê xoa với hành vi quấy rối tình dục

Vụ nam chuyên viên sàm sỡ nữ đồng nghiệp tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đi đến hồi kết: Từ việc chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng, ông Tr. cuối cùng cũng bị xử lí khai trừ Đảng, sau đó bị buộc thôi việc.

Nữ chuyên viên bị đối tượng Tr hôn bầm môi. Ảnh: NVCC.

Hành vi của ông Tr. bị cho rằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trong khi phía nạn nhân thì tố ông này cưỡng bức nhưng không thành. Việc kết luận như thế nào phụ thuộc vào cơ quan chức năng và các chứng cứ thu thập được cũng như lí lẽ từ mỗi bên đưa ra. Tuy nhiên về mặt xử lí ông Tr. lại cho thấy một điều: Nếu dư luận và các tổ chức bảo vệ quyền lợi nữ giới không lên tiếng, vụ việc này có thể đã bị “xuê xoa”.

Thói thường chẳng mấy người vi phạm đứng trước khả năng bị kỉ luật mất đi nhiều thứ lại thừa nhận ngay lỗi lầm của mình. Sự chống chế hay chối tội/lỗi là tình trạng thường xảy ra, đặc biệt là đối với những loại hành vi sàm sỡ hay quấy rối tình dục nơi công sở. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các nạn nhân còn ngại lên tiếng.

Vụ việc ông Tr. sàm sỡ chị L.A là đã rõ. Sự tranh cãi ở đây là hành vi đó đã đủ cơ sở để kết luận là cưỡng bức hay chưa? Cuối cùng, cơ quan công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông này 200.000 đồng. Nếu chỉ cần nhìn dưới góc độ đó là hành vi sàm sỡ thôi, và với kết luận từ cơ quan công an là ông Tr. “xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”, nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng, thì chẳng khác nào “giơ cao đánh khẽ”, “xuê xoa” cho qua.

Tất nhiên dư luận đã tiếp tục lên tiếng không đồng tình với mức xử lí như vậy, từ đó mới dẫn đến các hình thức xử lí về mặt đảng và chính quyền (cơ quan ông Tr. đang công tác) đối với ông Tr.

Một lần nữa, dư luận đã khẳng định thái độ kiên quyết, rõ ràng và dứt khoát đối với loại hành vi sàm sở, quấy rối tình dục nói chung tại công sở chứ không phải chỉ là việc chạy theo phong trào “Me Too” đang lan tràn ở một số nước. Đây là loại hành vi xưa nay tại các xã hội Á Đông dễ bị xem nhẹ và bỏ qua vì những lập luận “chỉ là đùa giỡn”. Nhưng thực chất, đó lại là chiêu bài nhằm lạm dụng thân thể người khác trong không ít tình huống/trường hợp.

Qua trường hợp xử lí ông Tr. cũng cảnh báo rằng, các hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm thân thể người khác cho dù ban đầu chỉ bị xử lí nhẹ, xuê xoa hoặc thậm chí được bao che, nhưng dư luận sẽ không bao giờ chấp nhận cách xử lí như vậy và trước sau cũng thúc đẩy vụ việc đến mức xử lí nghiêm minh.

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/tu-phat-den-buoc-thoi-viec-du-luan-khong-chap-nhan-xu-li-xue-xoa-voi-hanh-vi-quay-roi-tinh-duc-625481.ldo