Từ phong trào trở thành ngày hội lớn

13 năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đã phát huy hiệu quả tích cực, qua đó đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến...

13 năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trên cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng đã phát huy hiệu quả tích cực, qua đó đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý người lầm lỗi tại cộng đồng... Xuất phát điểm từ một phong trào, đến nay, nhiệm vụ BVANTQ đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân...

“Đội dân phòng Cơ động nữ” P. Khuê Mỹ đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía lãnh đạo CATP. Trong ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - nguyên Giám đốc CATP Đà Nẵng (nay là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) thăm, động viên Đội dân phòng lúc mới thành lập.

Một trong những mô hình đã thu hút sự quan tâm của cả nước được triển khai trên địa bàn Đà Nẵng thời gian qua là mô hình “Đội dân phòng Cơ động nữ” của P. Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn). Được thành lập năm 2011 gồm 20 thành viên, với tuổi đời từ 30 đến 60, hàng chục năm qua, những người phụ nữ thường được nhìn nhận là đội ngũ “chân yếu tay mềm” này đã không quản ngại nắng mưa, đêm hôm khuya khoắt đi tuần tra, hòa giải, giải quyết các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) trong khu dân cư. Không những vậy, các chị còn nắm bắt và phát hiện hàng trăm thông tin có liên quan đến tội phạm,tệ nạn xã hội để kịp thời báo cáo cho cơ quan Công an, giúp khám phá hàng chục vụ án, đối tượng phạm pháp hình sự, góp phần rất lớn vào công tác đảm bảo ANTT tại địa phương.

Mô hình “Tiếng loa an ninh” của Ban bảo vệ dân phố P. Thanh Bình (Q. Hải Châu) triển khai thực hiện năm 2012 đến nay cũng là một trong những điểm sáng. Với phương châm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đến tận người dân... “Tiếng loa an ninh” của Ban bảo vệ dân phố P. Thanh Bình đều đặn mỗi ngày đi vào các ngõ, hẻm ở các khu dân cư, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, các quy định của địa phương cũng như ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Mô hình đã được Bộ Công an kiểm chứng, thẩm định và cho đây là cách làm sáng tạo, có tác dụng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Ban Bảo vệ dân phố phường đã tặng bộ thiết bị phục vụ mô hình cho Bảo tàng Bộ Công an để CA toàn quốc học hỏi và nhân rộng.

Là người có sáng kiến đề xuất với chính quyền P. An Khê (Q. Thanh Khê) xây dựng mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” từ năm 2011, ông Nguyễn Văn Mười (bí thư chi bộ 3- Phần Lăng, P. An Khê) không ngờ ý tưởng của mình đã đem lại hiệu quả tích cực như thế. Ban đầu từ tổ dân phố nơi ông sinh sống, đến nay, mô hình đã được triển khai và nhân rộng trên toàn địa bàn phường với 36/36 khu dân cư. Thông qua mô hình đã có 163 lượt báo động, giúp người dân và cơ quan chức năng bắt 3 vụ/5 đối tượng trộm cắp, ngăn chặn kịp thời 32 vụ đánh nhau, gây rối, đẩy đuổi 17 vụ thanh niên tụ tập chuẩn bị đánh nhau. Ngoài ra, thông qua hệ thống loa của mô hình đã phát khoảng 1.500 lượt truyền thanh để tuyên truyền về phong trào TDBVANTQ. Chính vì hiệu quả đem lại mà mô hình “Tiếng còi báo động vây bắt tội phạm” đã được Cục Phong Trào (Bộ Công an) kiểm chứng, thẩm định và cho đây là mô hình sáng tạo có tác dụng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, Bộ Công an đề nghị P. An Khê tặng cho Bảo tàng của Bộ một bộ kích hoạt báo động để CA toàn quốc tìm hiểu và nhân rộng...

Trên đây chỉ là 3 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả tích cực, giúp cho phong trào TDBVANTQ trên địa bàn Đà Nẵng được khơi dậy với nhiều khởi sắc. Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền - Trưởng phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ CATP, hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 173 mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT đang phát huy hiệu quả, riêng trong năm 2017, CA các đơn vị, địa phương đã xây dựng mới 13 mô hình. Phân loại chất lượng có gần 78% đạt loại khá, tốt đang phát huy tác dụng, 1,55% đạt loại trung bình, số còn lại hoạt động kém hiệu quả.

Nói về tác dụng của việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, Đại tá Lê Quốc Dân- Phó Giám đốc CATP cho biết, các mô hình, điển hình được xây dựng, phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, các vùng, miền và ở tất cả các địa bàn trong toàn thành phố. Có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, điểm sáng, gương sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở, có tính xã hội cao được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trong thành phố, được nhân dân đón nhận, tích cực tham gia và đem lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là các mô hình như “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT”, “Xây dựng tổ dân phố, thôn, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn về ANTT”, “Xây dựng Tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”...

Cũng theo Đại tá Lê Quốc Dân, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng thông qua việc liên kết, phối hợp giữa Công an với các ngành, đoàn thể, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ như: “Đội thanh niên xung kích ANTT”, “Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin”, “Thanh thiếu niên nói không với ma túy”, mô hình “Loa tuyên truyền ATGT” được gắn tại các chốt đèn giao thông trên toàn địa bàn thành phố; mô hình “Barie đường sắt an toàn”; mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình” do Đoàn Thanh niên các cấp xây dựng; “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội” do Hội Phụ nữ các cấp xây dựng; “Tuổi cao gương sáng”, “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” do Hội Người cao tuổi xây dựng...

Khó có thể thống kê hết tất cả các mô hình, điển hình đang phát huy hiệu quả, chỉ biết rằng, qua công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được Bộ Công an, UBND TP và các cấp tặng danh hiệu là “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào TDBVANTQ”, trong đó có nhiều đơn vị giành “Lá cờ đầu” nhiều năm và có hàng chục quần chúng tiêu biểu, xuất sắc, dũng cảm, mưu trí, không sợ gian khổ, hy sinh trong tấn công truy bắt tội phạm.

“Các mô hình, điển hình tiên tiến có tác dụng hết sức to lớn, phát huy được vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong phòng ngừa tội phạm. Đây cũng là cơ sở để đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo về công tác bảo vệ ANTT; qua đó xây dựng củng cố thế trận ANND và nền ANND vững chắc. Đây cũng là cơ sở để củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ ANTT ở cơ sở; phục vụ hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước”, Đại tá Lê Quốc Dân khẳng định.

Có thể thấy, công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến là con đường ngắn nhất thúc đẩy phong trào TDBVANTQ phát triển với chất lượng cao. Thực tế đã chứng minh ở nơi nào, địa phương nào làm tốt công tác xây dựng mô hình, nhân điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ thì ở đó, nơi đó tập hợp, thu hút, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao năng lực hoạt động của đông đảo nhân dân vào việc giải quyết những yêu cầu bảo vệ ANTT.

DOÃN HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_193965_tu-phong-trao-tro-thanh-ngay-hoi-lon.aspx