Từ phương lược biên phòng thời Lê Sơ đến Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, triều Lê Sơ là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Công cuộc biên phòng thời Lê Sơ được xây dựng khá nhất quán, hoàn chỉnh và toàn diện, thể hiện trên cả mặt tư tưởng và tổ chức các hoạt động bảo vệ biên giới (BVBG). Ngày nay, tư tưởng ấy được Đảng, Nhà nước ta kế thừa sâu sắc. Đặc biệt, phương lược biên phòng từ thế kỷ XV đã được kế thừa linh hoạt trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược BVBG quốc gia.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP quán triệt Nghị quyết 33-NQ/TW tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Viết Nhân

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP quán triệt Nghị quyết 33-NQ/TW tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Viết Nhân

Chế độ phong kiến thời Lê Sơ phát triển đã tạo nền tảng cho sự thành công và phát triển của công cuộc biên phòng. Nhà nước phong kiến Lê Sơ đã gắn việc tổ chức quản lý chặt chẽ lãnh thổ ven biên giới với quá trình tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương; gắn việc tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ biên phòng và quá trình tiến hành BVBG với quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của đất nước. Chủ trương kế sách biên phòng không tách khỏi thế nước hùng cường, tất cả tạo thành một thể thống nhất, dưới sự quan tâm chỉ đạo của triều đình. Nhờ sự định hướng có tính chiến lược đúng đắn, có sách lược và phương lược kiên quyết, khéo léo mà lãnh thổ biên giới Đại Việt ở phía Bắc được giữ vững, biên giới phía Tây Nam ngày càng ổn định, công cuộc biên phòng đã đạt tới sức mạnh to lớn.

Dưới triều Lê Sơ, vua Lê Thánh Tông rất chăm lo cho phương lược biên phòng, luôn thấu hiểu và tôn trọng giá trị của từng thước núi, tấc sông mà cha ông để lại. Chủ trương kế sách bao giờ cũng được đi với hành động, bởi thế mà đất nước đã đạt đến đỉnh cao của thịnh trị. Phương lược quan trọng nhất luôn được vua tôi dự trù, đó là dựa vào sức mạnh của nhân dân, coi “sức dân như sức nước” vừa là phương lược trị nước, vừa là kế sách “sâu gốc, bền rễ” lâu dài. Lịch sử đã chứng minh, tư tưởng mang tính chiến lược do vua Lê Thái Tổ và vua Lê Thánh Tông đề ra không những có ý nghĩa thực tiễn về công tác biên phòng thời bấy giờ, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử sau này của dân tộc. Dưới triều Lê, Đại Việt khá cường thịnh, nhân dân các miền biên viễn no đủ, quân sự phát triển toàn diện, chính trị xã hội ổn định, đây chính là nền móng quan trọng để phát triển và xây dựng biên cương.

Ngày nay, tư tưởng ấy được Đảng, Nhà nước ta kế thừa có những quyết sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp, đem lại hiệu quả cao trong xây dựng và quản lý, BVBG quốc gia. Kế thừa một phần sự nghiệp BVBG của ông cha ta trong lịch sử, đặc biệt là phương lược biên phòng thời Lê Sơ, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược BVBG quốc gia. Nghị quyết đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ BVBG. Việc ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW đã khẳng định ý chí sắt thép của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của nhân dân đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng BVBG đã có trước đó và tình hình thực tiễn trên các tuyến công tác của BĐBP, Nghị quyết 33-NQ/TW tiếp tục khẳng định nhiệm vụ BVBG quốc gia hướng tới mục tiêu “bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Đồng thời, xác định rõ phương châm chỉ đạo đối với nhiệm vụ này phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Tích cực chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy tổng hợp mọi nguồn lực hướng đến mục tiêu hàng đầu vì cuộc sống của đồng bào khu vực biên giới. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng với lực lượng “chuyên trách” và “nòng cốt” bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ rõ đó là phương thức BVBG. Nghị quyết 33-NQ/TW xác định, BVBG quốc gia bằng “tổng thể các biện pháp”, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp công tác để xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Các biện pháp đều có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Lấy xây dựng là trung tâm, quản lý và BVBG là nhiệm vụ then chốt, được tiến hành thường xuyên và liên tục.

Xuất phát từ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, sử dụng công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới; từ thực tiễn công tác của BĐBP và tư duy của Đảng ta về Chiến lược Quân sự Việt Nam, phương thức bảo vệ biên giới được đặt ra đó là: Dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân và của cả hệ thống chính trị; BVBG quốc gia là sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân”; lấy tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính...

Từ những quan điểm trên cho thấy, vấn đề BVBG quốc gia trong tình hình mới cần phải được xem xét toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực, phải biết phát huy sức mạnh tại chỗ, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong nhiệm vụ BVBG; tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” và tiềm lực biên phòng. Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt làm tiền đề vững chắc, giữ vững ổn định chính trị lâu dài, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Nghị quyết 33-NQ/TW xác định, xây dựng lực lượng BĐBP “có chất lượng tổng hợp cao”, là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại. Điều đó đòi hỏi yêu cầu cao từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng năng lực cho lực lượng BVBG. Phải nâng cao năng lực của BĐBP ngang tầm nhiệm vụ, luôn vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, biết kế thừa lịch sử, kinh nghiệm công tác của các thế hệ đi trước. Đặc biệt, tiếp cận kịp thời sự phát triển của công nghệ thông tin và hệ thống trang thiết bị hiện đại được trang cấp vào trong từng nhiệm vụ.

Thông suốt tư tưởng “lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách” theo tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW, điều đó phải hiểu sâu sắc rằng, BVBG quốc gia là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang giữ vai trò “nòng cốt”. Quan điểm trên đã thể hiện sự phát triển về tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng, phòng khi biên giới có tình huống xảy ra, sẽ vận dụng tốt phương châm “bốn tại chỗ” mà nghị quyết đã chỉ rõ.

Đảng ta luôn đề cao sự cần thiết, quan trọng của hệ thống luật pháp BVBG quốc gia. Do đó, Nghị quyết 33-NQ/TW nêu bật việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là nội dung quan trọng và phải được thực hiện sớm. Bởi lẽ, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và Luật Biên phòng Việt Nam nói riêng sẽ tạo hành lang pháp lý cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Những giá trị trường tồn rút ra từ phương lược biên phòng thời Lê Sơ và những tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị luôn là hành trang, là “thanh bảo kiếm” để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là lực lượng BĐBP nỗ lực, cố gắng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Viết Nhân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tu-phuong-luoc-bien-phong-thoi-le-so-den-nghi-quyet-so-33-cua-bo-chinh-tri/