Từ SBC huyền thoại đến Cảnh sát hình sự hôm nay

Từ khi ra đời cho đến nay, với cái tên SBC (săn bắt cướp) huyền thoại những năm đầu sau giải phóng cho tới Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hồ Chí Minh hiện nay, lực lượng này luôn là chủ công trong công tác phòng, chống tội phạm, phát huy vai trò nòng cốt, 'quả đấm thép' xuyên suốt, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chủ động tấn công, triệt phá nhiều chuyên án lớn, truy bắt nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, lập nên những chiến công xuất sắc, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu…

Chủ công trên mặt trận phòng, chống tội phạm

TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng, tình hình ANTT vô cùng rối ren và hỗn loạn. Tàn dư tội phạm và tệ nạn xã hội của chế độ cũ vẫn chưa bị triệt hết, những băng trộm cướp hung hãn, nhóm xã hội đen có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, giết người không ghê tay…

Cảnh sát hình Công an TP Hồ Chí Minh sự cùng các đơn vị liên quan phối hợp điều tra, khám phá nhiều công ty thu hồi nợ biến tướng.

Cảnh sát hình Công an TP Hồ Chí Minh sự cùng các đơn vị liên quan phối hợp điều tra, khám phá nhiều công ty thu hồi nợ biến tướng.

Trước tình hình đó, tháng 3/1978, Đội SBC thuộc Phòng CSHS (tên gọi ban đầu là Phòng Trị an - Hình sự, giai đoạn 1975- 1977) - Công an TP Hồ Chí Minh chính thức được thành lập. Tại các quận nội thành và các địa bàn phức tạp đều được thành lập thành lập một chi đội SBC.

Thời điểm đó, “Ông 5T” - tức “Trung tá Trịnh Thanh Thiệp” làm Trưởng phòng (sau này là Thiếu tướng Trịnh Thanh Thiệp, Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Cảnh sát) và chính ông đứng ra tổ chức, tuyển chọn những trinh sát tuổi đời không quá 30 vào Đội SBC này. Sau các phần thi như võ thuật, bắn súng, chạy xe..., “Ông 5T” đã tuyển được 58 người xuất sắc, trong đó có những tên tuổi về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân thành phố như Đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn...

Sự xuất hiện đúng lúc của những chiến sĩ SBC chạy xe điệu nghệ, võ thuật cao cường, bắn súng điêu luyện; bám trụ đường phố để luôn có mặt truy đuổi tội phạm... đã giúp cho ANTT của thành phố nhanh chóng được lập lại.

Đồng thời, lực lượng SBC đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, phá thành công nhiều vụ án phức tạp từng gây hoang mang dư luận như vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga ngay trước cửa nhà… Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, năm 1989 Đội SBC được chuyển thành Đội trinh sát đặc nhiệm.

Đại tá Phạm Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, lúc ấy là Đội phó Đội Trọng án - SBC cho biết: “Trước khi thành lập Đội SBC thì đã có Đội Trọng án rồi. Sau khi Đội SBC hoạt động một thời gian, để có thêm chiều sâu nghiệp vụ, đánh án có ban có nhóm nhằm “đào tận gốc trốc tận rễ” các băng nhóm tội phạm nên Đội Trọng án được ghép với Đội SBC thành Đội Trọng án - SBC”.

Theo Đại tá Trần Văn Hiếu - Trưởng phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh, trải qua hành trình 48 năm (tính từ 1975-2023), dù tên gọi trong các giai đoạn có khác nhau nhưng nhiệm vụ cơ bản của đơn vị vẫn không thay đổi và lực lượng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, kể cả về lực lượng lẫn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Và lực lượng CSHS nhiều thế hệ luôn là chủ công trong công tác phòng, chống tội phạm, phát huy vai trò nòng cốt, “quả đấm thép” xuyên suốt, không quản ngại gian khổ, hy sinh, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chủ động tấn công, triệt phá nhiều chuyên án lớn, truy bắt nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, lập nên những chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu…

Với nỗ lực đó, tập thể Phòng CSHS Công an thành phố đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1996.

Những năm sau này, lực lượng CSHS Công an thành phố đã tham gia phá nhiều vụ án nổi cộm như: Vụ Trương Văn Cam và đồng bọn; vụ giết người, cướp tiệm vàng Ngọc Hà ở quận Tân Bình, tiệm vàng Anh Sang ở huyện Nhà Bè; vụ án giết người, cướp tài sản do Huỳnh Văn Hòa cầm đầu; vụ giết 5 người trong một gia đình ở quận Bình Tân do Nguyễn Hữu Tình thực hiện; triệt phá băng nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với 17 đối tượng bị khởi tố; thu 1.400 con dấu, 1.300 tài liệu giả, hơn 200 biển số xe giả...

Bảo đảm ANTT, an toàn, môi trường lành mạnh luôn cần lực lượng Công an xông pha tuyến đầu. Trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh với nhiều hậu quả kinh hoàng, biết bao giọt mồ hôi, thậm chí là cả xương máu đánh đổi cả tính mạng của những CBCS Công an TP Hồ Chí Minh, trong đó có các CBCS CSHS, phối hợp cùng các lực lượng khác thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, vừa bảo đảm ANTT trên địa bàn phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Và trong những chiến công mới đây, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh vẫn là đơn vị chủ công trên các mặt trận. Từ việc bắt những đối tượng tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản… đến những chuyên án lớn như: Triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng lớn nhất từ trước tới nay, bắt giữ 59 đối tượng cùng hàng loạt tang vật giá trị. Số tiền đánh bạc qua đường dây này cực lớn, lên đến gần 88.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,8 tỷ USD; chuyên án liên quan đến các sai phạm trên trong ngành đăng kiểm; chuyên án khám xét, khởi tố các công ty thu hồi nợ biến tướng…

Phát huy truyền thống Anh hùng vẻ vang của lực lượng CSHS

Đại tá Trần Văn Hiếu cho biết, hiện nay tội phạm đường phố luôn chiếm tỷ lệ cao (hơn 66%) trong cơ cấu tội phạm hình sự. Thời gian qua, Công an thành phố đã tập trung giải quyết, xử lý rốt ráo các loại tội phạm như: Cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; trong đó lực lượng CSHS đặc nhiệm đóng vai trò chủ công trong việc tấn công, trấn áp tội phạm đường phố. Nếu xử lý hiệu quả các loại tội phạm này thì các loại tội phạm khác được kéo giảm theo.

Bên cạnh đó, lực lượng CSHS Công an thành phố cũng tiếp tục đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sản xuất, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ, tội phạm bảo kê, “tín dụng đen”, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có…; đấu tranh, xử lý, không để tội phạm và tệ nạn xã hội hoạt động trên địa bàn các khu dân cư và không gian mạng; phối hợp với các lực lượng ở các địa bàn giáp ranh để quản lý, xử lý các đối tượng hoạt động lưu động ở những địa bàn này…

Theo Đại úy Võ Quốc Quân, Đội CSHS đặc nhiệm Phòng CSHS, Công an TP Hồ Chí Minh, với đặc thù công việc của một trinh sát CSHS đặc nhiệm, hàng ngày anh đều phải cùng tổ trinh sát đi tuần tra địa bàn, có kế hoạch tuần tra theo khu theo cụm, thấy có đối tượng khả nghi sẽ theo dõi, có biện pháp xử lý, lập hồ sơ ban đầu, rà soát đối tượng… Và trong quá trình tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn và trấn áp tội phạm đường phố, lực lượng CSHS đặc nhiệm đã phát hiện ra nhiều manh mối khi kiểm tra những người nghi vấn, góp phần mở rộng, khám phá thành công nhiều vụ án.

Ngoài là lực lượng chủ công đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường phố luôn có mặt trên đường, các điểm nóng, phức tạp của thành phố, CSHS đặc nhiệm còn cùng các Đội CSHS Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp hỗ trợ, cùng nhau tác chiến, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, Đội CSHS đặc nhiệm còn phối hợp với các đơn vị, các tỉnh giáp ranh và Cục CSHS quản lý, theo dõi nắm bắt tình hình, đồng thời phối hợp phòng ngừa đấu tranh với các băng nhóm tội phạm gây án liên tỉnh, liên quận huyện, liên tuyến giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam…

Nhằm củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT, Công an thành phố đã thành lập 10 Tổ công tác 363, gồm cán bộ, chiến sĩ đến từ nhiều lực lượng như CSHS, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động thuộc Công an thành phố.

Các Tổ công tác 363 có chức năng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, tuyến, địa bàn phức tạp về ANTT; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung các loại tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố (cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản...), tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và các hành vi gây mất trật tự nơi công cộng…

Từ khi Công an TP Hồ Chí Minh triển khai thành lập các tổ tuần tra hỗn hợp -Tổ công tác 363 cấp thành phố cũng như các Tổ 363 thuộc Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã trở thành “'quả đấm thép” khác trong phòng, chống tội phạm trên đường phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc vi phạm ANTT, giữ gìn bình yên trên những tuyến đường và cuộc sống an toàn, yên vui của người dân. Lực lượng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thật sự là một trong những lực lượng chủ công bảo vệ, giữ vững ANTT.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Công an thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, Công an thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, xuyên suốt từ các phòng nghiệp vụ (chủ công là Phòng CSHS) đến Công an cấp xã với quan điểm “Coi trọng phòng ngừa là chính, chủ động tấn công trấn áp tội phạm”, từng bước kiểm soát, kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/-tu-sbc-huyen-thoai-den-canh-sat-hinh-su-hom-nay-i691451/