Từ Singapore đến HN: Đường gập ghềnh sau cuộc gặp Trump - Kim lần đầu

Đã 8 tháng trôi qua kể từ cuộc gặp lịch sử lần đầu giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết và nhiều kỳ vọng cho cuộc gặp lần 2 ở Hà Nội.

Tám tháng sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore, mặc dù căng thẳng đã giảm nhưng có sự thật là Triều Tiên vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân, còn những biện pháp trừng phạt của Mỹ với nước này chưa có chiều hướng giảm đáng kể.

Theo Reuters, những kỳ vọng cho cuộc gặp lần 2 ở Hà Nội là rất lớn, nhưng có nhiều vấn đề cần phải giải quyết để hai nhà lãnh đạo có thể thực hiện lời hứa hòa bình, vượt qua hàng thập kỷ đối đầu căng thẳng giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore vào tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore vào tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Những điều diễn ra kể từ Singapore

Ngay trước thềm cuộc gặp tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở khu thử hạt nhân Punggye-ri vào tháng 5. Các phóng viên quốc tế được mời tham dự sự kiện này nhưng thiếu những quan sát viên chuyên gia.

Ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore, ông Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ tạm ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từng bị Triều Tiên chỉ trích là hành động chuẩn bị cho chiến tranh. Những cuộc tập trận lớn đã bị hủy bỏ nhưng các hoạt động diễn tập nhỏ vẫn tiếp tục.

Bình Nhưỡng nhanh chóng trao trả 55 bộ quách được cho là chứa hài cốt của lính Mỹ bị giết trong chiến tranh Triều Tiên.

Đến tháng 7, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ một số cơ sở xây dựng tại bãi phóng vệ tinh Sohae.

Triều Tiên và Hàn Quốc cũng có những bước đi hòa giải của riêng họ với ba hội nghị thượng đỉnh và có những bước cụ thể để giảm thiểu căng thẳng quân sự dọc đường biên giới chung. Một số đài quan sát đã được dỡ bỏ, một vài khu vực được tháo dỡ bom mìn và vùng cấm bay chung đã được hai nước thiết lập.

Các kế hoạch liên Triều khác phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng của Washington trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng. Những lệnh trừng phạt này ngăn chặn gần như toàn bộ cam kết kinh tế với Triều Tiên.

Nửa sau năm 2018 chứng kiến một loạt cuộc gặp gỡ cấp cao, và cả những chuyến đi bị hủy bỏ giữa quan chức Mỹ và Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng nhiều lần, từng bị Triều Tiên chỉ trích vì có "các yêu cầu như xã hội đen" đối với quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của nước này. Tuy nhiên sau đó nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là đã "hài lòng" với ông Pompeo trong một cuộc gặp khác.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp đón Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol tại thủ đô Washington vào tháng 1/2019. Ảnh: AFP.

Trong khi đó Tổng thống Donald Trump đón tiếp các quan chức cấp cao của Triều Tiên đến Nhà Trắng và tuyên bố rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên "yêu mến nhau" sau khi trao đổi những bức thư.

Trong bài phát biểu mừng năm mới, ông Kim cho biết sẵn lòng gặp gỡ ông Trump, nhưng cảnh báo về "hướng đi mới" nếu như ông không hài lòng với các thỏa thuận.

Một loạt các cuộc gặp ngoại giao giữa các nước liên quan trong tháng 1/2019 là tiền đề cho việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội vào cuối tháng 2.

Những điều chưa diễn ra

Trong tất cả những cuộc gặp này, cũng như những đàm phán diễn ra sau cánh gà, cả hai bên chưa tuyên bố bước tiến lớn nào dẫn tới quá trình phi hạt nhân hóa, nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc thiết lập một "chế độ hòa bình" trên bán đảo Triều Tiên.

Các tuyên bố chính thức của truyền hình nhà nước Triều Tiên phàn nàn về việc Washington không chịu ký tuyên bố hòa bình hoặc giảm thiểu các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng tiến thêm các bước tới quá trình phi hạt nhân hóa.

Cùng lúc đó, tình báo Mỹ và các quan chức quốc phòng cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và kho tên lửa của họ, bất chấp việc tự cam kết không thử nghiệm, cho rằng rất khó để nước này từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân.

Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng "tháo dỡ vĩnh viễn" tổ hợp hạt nhân chính của họ là Yongbyon và cho phép các quan sát viên quốc tế đến các cơ sở tên lửa của nước này, nếu Mỹ chấp nhận nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Nhưng cũng như các quan sát viên quốc tế, những nhượng bộ của Mỹ chưa xuất hiện.

Những gì có thể xảy ra ở Việt Nam

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên tỏ ra rất kín tiếng về những thỏa thuận có thể được thực hiện ở cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần hai, nhưng các chuyên gia cho rằng để bất cứ thỏa thuận nào diễn ra, Washington cần phải cởi mở thực hiện những nhượng bộ tạm thời thời.

Ông Stephen Biegun, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, chia sẻ với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng những cuộc gặp gần đây ở Bình Nhưỡng chủ yếu bàn luận về các yếu tố hậu cần cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, và cần có thêm nhiều cuộc đàm phán để giải quyết những vấn đề thực chất.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã tới Seoul vào ngày 9/2, hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha về cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần hai tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: AFP.

Nhưng ông Biegun cũng cho biết khoảng "một tá" các vấn đề trong chương trình nghị sự đã được thảo luận, và Triều Tiên đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt, tái khởi động các dự án kinh tế liên Triều, và ký kết một hiệp định chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh từ cuộc xung đột 1950-1953.

Một số bước đi khác bao gồm việc nới lỏng lệnh cấm người Mỹ du lịch Triều Tiên và cung cấp thêm viện trợ song phương.

Theo các quan chức Hàn Quốc, để có được những nhượng bộ từ Washington, Triều Tiên cần phải thực hiện đầy đủ quá trình đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cùng với đó là việc tháo dỡ những cơ sở tên lửa quan trọng dưới sự quan sát của các chuyên gia.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái đã tuyên bố những cam kết "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên" phải bao gồm việc "loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ", nhưng không nói rõ những bước đi mà Washington cần thực hiện.

Trong khi một số nhà lập pháp Mỹ và các chuyên gia dự báo việc Tổng thống Donald Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, các quan chức ở Seoul và Washington đã tuyên bố vấn đề này không nằm trong chương trình đàm phán.

Quốc Thăng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tu-singapore-den-hn-duong-gap-ghenh-sau-cuoc-gap-trump-kim-lan-dau-post916532.html