Từ Singapore tới Hà Nội: Con đường ngoại giao trắc trở của lãnh đạo Mỹ-Triều

Đã gần một năm kể từ khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu gặp mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore, con đường mà cả hai nhà lãnh đạo đã trải qua kể từ đó vẫn còn gập ghềnh và nhiều chướng ngại cần được giải quyết dứt điểm trong lần gặp mặt tới tại Hà Nội.

Khi hai nhà lãnh đạo chuẩn bị gặp nhau tại Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, có một kỳ vọng ngày càng tăng rằng trong lần này họ cần phải đưa ra một thỏa thuận cụ thể hơn so với lần gặp mặt đầu tiên.

Bình Nhưỡng vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân và Washington chỉ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nên vẫn tồn tại rủi ro lớn đối với cả hai nhà lãnh đạo - mặc cho lời hứa sẽ bước qua các mâu thuẫn đã tồn tại hàng thập kỷ căng thẳng và xung đột giữa hai nước.

Thỏa thuận Singapore

Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ ngồi cùng bàn đàm phán với một nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng những tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp vẫn còn hết sức hạn chế và thay vào đó là tập trung vào 4 cam kết chung:

Hai nước sẽ thiết lập mối quan hệ mới, vì sự hòa bình và thịnh vượng.

Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nhau xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên cam kết thực hiện nhiệm vụ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Hai nước sẽ phục hồi và trao trả hài cốt của những người lính thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Những điều đã xảy ra tại Singapore

Ngay trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu diễn ra, Bình Nhưỡng đã phá hủy một số đường hầm và tòa nhà tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, sự kiện được các nhà báo quốc tế quan sát nhưng có sự hiện diện của các thanh tra chuyên gia.

Ngay sau cuộc gặp với ông Kim, Tổng thống Trump đã đưa ra một thông báo bất ngờ rằng Mỹ sẽ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, động thái vốn thường bị Triều Tiên chỉ trích là cuộc diễn tập cho chiến tranh.

Triều Tiên đã nhanh chóng chuyển 55 hộp chứa hài cốt của binh lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Vào tháng 7, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ một số cơ sở tại Trạm phóng vệ tinh Sohae, nhưng các báo cáo sau đó của các nhà quan sát chỉ ra rằng không có thêm các động thái quyết liệt từ phía Triều Tiên.

Trong năm 2018, hai miền Triều Tiên đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh và thực hiện các bước nhằm làm giảm căng thẳng quân sự dọc theo biên giới chung hai nước bằng cách đóng cửa một số đồn quan sát, loại bỏ các bãi chôn bom mìn.

Các kế hoạch liên Triều khác phụ thuộc rất nhiều vào sự sẵn sàng của phía Washington để nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn hầu hết các nỗ lực cải thiện nền kinh tế của Triều Tiên.

Năm vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới thăm Bình Nhưỡng nhiều lần, lần đầu tiên bị Triều Tiên lên án vì đưa ra yêu cầu "giống như băng đảng xã hội đen" về việc Triều Tiên phải hoàn toàn phi hạt nhân hóa, chuyến thăm tiếp theo đó lại nhận được sự hài lòng của Chủ tịch Kim Jong-un.

Tổng thống Trump, trong khi đó đã tiếp đón các quan chức cấp cao của Triều Tiên tại Nhà Trắng và tuyên bố rằng ông và Chủ tịch Kim vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp bằng cách trao đổi thư từ.

Trong bài phát biểu năm mới, Chủ tịch Kim nói rằng ông vẫn sẵn sàng gặp lại Tổng thống Trump, nhưng cảnh báo về một con đường mới đầy tiềm năng, ngầm cảnh báo sẽ trở lại với các dự án vũ khí hạt nhân nếu ông không hài lòng với các cuộc đàm phán.

Một loạt các cuộc đàm phán vào đầu tháng 1 vừa qua đã dẫn đến việc ông Trump tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối tháng này.

Những điều chưa xảy ra

Trong suốt tất cả các cuộc đàm phán này, cũng như các cuộc đàm phán hậu trường khác, không bên nào tuyên bố các bước tiến mới về tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt hay thiết lập một nền hòa bình mới trên Bán đảo Triều Tiên.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã phàn nàn về sự cứng rắn của phía Washington trong việc chấp nhận ký kết một tuyên bố hòa bình hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt, chỉ khi Bình Nhưỡng cho thấy các động thái phi hạt nhân hóa cứng rắn.

Trong khi đó, các quan chức tình báo và quốc phòng của Mỹ cho rằng Triều Tiên đã tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này, nhận định nước này khó có thể từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Kim vào tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Triều Tiên sẵn sàng tháo dỡ vĩnh viễn tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cho phép các quan sát viên quốc tế tiến vào kiểm tra một số địa điểm tên lửa nếu Mỹ nhượng bộ.

Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có các hoạt động thanh tra và bất kỳ sự nhượng bộ nào tới từ phía Mỹ.

Những gì có thể xảy ra tại Hà Nội

Các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã rất kín tiếng về thỏa thuận nào có thể đến từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, nhưng các nhà phân tích cho rằng phía Washington cần phải cởi mở để thực hiện các bước tạm thời cho bất kỳ thỏa thuận nào có thể xảy ra.

Stephen Biegun - đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nói với các nhà lập pháp Hàn Quốc rằng hầu hết các cuộc thảo luận gần đây với Bình Nhưỡng đều xoay quanh vấn đề hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh và cần nhiều cuộc đàm phán hơn để giải quyết các vấn đề quan trọng.

Nhưng ông Biegun cho biết đã có những vấn đề được thảo luận và Triều Tiên đã kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt, khởi động lại một số dự án kinh tế liên Triều, mở văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng và ký tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Các động thái khác có thể bao gồm nới lỏng lệnh cấm đối với người Mỹ đi du lịch tới Triều Tiên hoặc cung cấp thêm viện trợ song phương.

Để giành được một số nhượng bộ từ Washington, Bình Nhưỡng có thể thông qua việc đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cũng như hủy bỏ các cơ sở thử nghiệm tên lửa quan trọng trước sự chứng kiến của các chuyên gia nước ngoài, các quan chức Hàn Quốc cho biết.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào tháng 12 nằm ngoái rằng cam kết của Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa cũng bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng không nêu ra các bước cụ thể mà Washington nên thực hiện.

Trong khi một số nhà lập pháp và phân tích của Mỹ đã suy đoán ông Trump có thể đồng ý giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, các quan chức ở Seoul và Washington đã nói rằng các cấp độ quân đội vẫn chưa thể đàm phán.

Huy Vũ

Theo Reuters

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/the-gioi/tu-singapore-toi-ha-noi-con-duong-ngoai-giao-trac-tro-cua-lanh-dao-mytrieu-139811.html