Từ sông ra biển

Sóng trầm biển dựng (NXB Lao động, 2018) là tập trường ca đầu tay của Thượng úy, nhà thơ Đoàn Văn Mật (Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội), một thành quả lao động sáng tạo miệt mài sau chuyến đi thực tế Trường Sa cách đây không lâu.

Viết về Trường Sa luôn là niềm đau đáu, là “món nợ” ân tình đối với bất kỳ người cầm bút nào, nhất là đối với những nhà văn, nhà thơ quân đội. Với Sóng trầm biển dựng, tôi tin Đoàn Văn Mật đã giải tỏa được phần nào nỗi niềm đau đáu đó. Và với một “siêu đề tài” được nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ sáng tác như Trường Sa, điều cần thiết và cũng là quan trọng nhất với Đoàn Văn Mật là phải tìm cho tác phẩm của mình những điểm nhấn thích hợp, tránh trùng lặp với người đi trước.

Điểm quan trọng nhất, nằm ở cái tứ cấu thành trường ca. Viết về Trường Sa, các nhà thơ đa phần triển khai tác phẩm theo mô hình với tâm là hình tượng người lính hải quân, xung quanh là các cụm hình tượng có tình chất “tương hỗ” được cấu tạo theo bốn trục chính gồm trục gia đình (các hình tượng người mẹ, người vợ, người cha, người con); trục không gian (các hình tượng biển, đảo, sóng, san hô…); trục chiến đấu (đồng đội, chỉ huy, giặc, vũ khí…); trục thời gian (ngày, đêm, tháng, năm, hiện tại, quá khứ…). Sự vận động giữa tâm và các trục sẽ làm nổi bật lên ý nghĩa thiêng liêng Trường Sa-Tổ quốc-Dân tộc. Điểm khác biệt giữa họ chỉ nằm ở tứ thơ vận động tâm và các trục ấy. Trong trường ca Hạ thủy những giấc mơ, hình tượng Trường Sa được nhà thơ Nguyễn Hữu Quý xây dựng trên cái tứ “từ làng ra biển” theo như phân tích của nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên. Nguyễn Trọng Văn lại xây dựng Trường Sa theo tứ “lịch sử nhìn từ biển” trong trường ca Tổ quốc đường chân trời. Còn Đoàn Văn Mật, theo tôi anh xây dựng Trường Sa của mình theo tứ “từ sông ra biển”. Đây là tứ thơ hay, phù hợp với tiến trình phát triển của dân tộc. Trên đất nước Việt Nam, sông suối trải đều suốt ba miền Bắc, Trung, Nam. Từ thời xa xưa, người Việt đã bám sông mà sinh sống, hình thành nên những vùng văn hóa lớn như Đồng bằng sông Hồng. Mọi con sông đều chảy về biển và người Việt Nam theo sông ra với biển. Để triển khai tứ thơ đó, Đoàn Văn Mật đã cho hình ảnh những dòng sông xuất hiện với mật độ dày đặc, xuyên suốt trong Sóng trầm biển dựng. Mở đầu trường ca là hình ảnh sông Hồng; giữa trường ca, các dòng sông Mã, sông Lam, sông Nhật Lệ, Thu Bồn, Vu Gia, Đồng Nai, Cửu Long… cùng nhau xuất hiện dồn dập, liên tục. Và ở cuối bản trường ca là hình ảnh sông Bạch Đằng lịch sử. Sông được Đoàn Văn Mật cấu tứ theo ba tầng ý nghĩa. Sông là truyền thống, là điểm tựa lịch sử, văn hóa, văn vật ngàn năm, tạo “tiền đề” ban đầu cho dân tộc hướng ra biển: Men theo sông Hồng/ thao thao dòng nước đỏ/ phù sa bồi lở/ lắng lòng châu thổ/…/ Đàn chim Lạc cũng bay/ dang đôi cánh chập chờn mặt sóng. Sông là “hậu phương” vững chắc, nơi cung cấp nguồn nhân lực, tài nguyên vô hạn cho người Việt tiến ra biển, làm chủ biển: Sông Hồng vạn năm/ mang vóc dáng tảo tần/ gánh cát sông Lô ra biển/ gánh theo sông Cầu, sông Thương, sông Đà núi Tản/ dựng nên đảo nổi, đảo chìm/ Như tin sông Mã, sông Lam, Nhật Lệ, sông Gianh, Vu Gia, Thu Bồn…/ đục đá Trường Sơn/ kê cao Hoàng Sa, Trường Sa/ Như tin Cửu Long, Đồng Nai, sông Ba…/ vượt thác ghềnh/ mang phù sa ra biển. Sau cùng, sông là ý chí, là niềm tự hào, và hơn hết là niềm tin vào chiến thắng sau cùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng: Tôi đến cửa sông…/ Không mũi kiếm nào nhọn hơn cọc gỗ Bạch Đằng/ Trong mơ một người chợt nói/ Niềm kiêu hãnh lan ra chói ngời.

Điểm đáng chú ý khác nằm ở thi pháp. Sóng trầm biển dựng được viết theo lối cổ điển như nhận xét của nhà thơ Anh Ngọc. Cá nhân tôi rất thích những đoạn thơ như thế này: Đất nước ngàn năm thổn thức triệu câu thơ/ những tục ngữ, ca dao/ những hò, vè, bát, cú/ được làm ra từ những người không biết chữ/ nhưng biết yêu dân tộc của mình/ Những câu thơ lấm láp giữa đất bùn/ cất lên đêm làm vầng trăng tỏ mãi/ Những câu thơ khiến triệu người đứng dậy/ cầm cuốc, cày… đánh đuổi xâm lăng. Rất bình dị mà gợi cảm, nêu lên được căn cốt ngàn đời của người Việt và sứ mệnh chân chính, thiêng liêng của thơ ca, nghệ thuật. Tuy nhiên, trong nhiều câu thơ, đoạn thơ tác giả không ngại ngần cách tân một cách hợp lý. Nhiều đoạn thơ văn xuôi trong tập trường ca khá hay và phần mở đầu tập thơ là một sáng tạo khi kết hợp giữa yếu tố vô thức với lời con trẻ để nói lên rằng chủ quyền biển, đảo đã ngấm vào tầng sâu nhất của con người Việt Nam: Con tôi chơi trò xếp hình/ lấy vỏ trứng rồi bảo đây là đảo/…/ Tôi không dạy con/…/ là con tự nghĩ ra/…/ Chỉ ngẫu nhiên vậy thôi/ trẻ yêu nước là do người lớn/ nhưng vô thức giống nòi/ nhưng ấu thơ nòi giống/ chảy trong máu trẻ tự bao giờ.

Bằng ấy, có lẽ cũng là thành công của Đoàn Văn Mật với một đề tài lớn-Trường Sa.

ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tu-song-ra-bien-553426