Tự sự của chủ cà phê bẩn: Những điểm mờ khó hiểu

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan - chủ cơ sở sản xuất 'cà phê bẩn' đã có những chia sẻ về công việc làm ăn của mình.

Những ngày qua, sự việc cà phê nhuộm pin được phát hiện tại Đắk Nông đã khiến cho dư luận rất phẫn nộ.

Với những phản ứng gắt gao của dư luận, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) - chủ cơ sở sản xuất "cà phê bẩn" đã có những chia sẻ về công việc làm ăn của mình.

Bà Loan cho biết, bà làm nghề mua tiêu bụi, cà phê bụi (những tạp chất của cà phê và tiêu sau quá trình sàng lọc gồm bụi, đất đá, hẹt lép, hạt vỡ - PV) từ năm 13 tuổi về sàng lọc những hạt cà phê, tiêu nhỏ, vỡ về bán kiếm lời - Báo Tiền Phong thông tin.

Cuối năm 2016, bà có đăng ký kinh doanh thu mua nông sản. Việc đăng ký kinh doanh cũng chỉ với mục đích để vay mượn ngân hàng lấy vốn làm ăn chứ nghề mua các tạp chất này cũng không cần đăng ký kinh doanh làm gì.

Vợ chồng bà Loan chia sẻ về việc sản xuất của mình

Do chưa vay được vốn nên từ Tết đến nay, gia đình bà cũng không mua bán gì mà toàn bộ là hàng tồn từ những năm trước.

Báo Người Lao Động cũng dẫn lời bà Loan, mấy tháng trước, có một phụ nữ hỏi mua chất thải loại của gia đình phơi trước cửa với giá 3.000 đồng/kg. Sau đó, gia đình bà đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen như chất thải loại trước. Tuy nhiên, bà Loan lại phân trần là không có số điện thoại của người phụ nữ này vì... bị mất điện thoại.

Còn theo ông Bảo - chồng bà Loan, ông dùng than pin nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen.

Ông thu gom pin từ các tiệm tạp hóa hết 3 triệu đồng về nhuộm được khoảng 3 tấn thì bị công an thu giữ.

Phế phẩm cà phê trộn pin tại cơ sở của bà Loan

Còn 3 tấn tạp chất mà công an nói đã bán ra thị trường với giá 9 triệu đồng thì "chưa được nhuộm". Ông Bảo cũng không có địa chỉ người mua.

Một điểm khó hiểu khác, trả lời câu hỏi của phóng viên gia đình không làm gì mờ ám thì tại sao phải gắn tới 6 camera an ninh, bà Loan giải thích: "Gia đình đã bị mất trộm và tôi rất quan tâm đến con nên lắp các camera với mục đích bảo đảm an ninh".

Trong một diễn biến có liên quan, chiều 19/4, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra mục đích của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm phế phẩm cà phê với than pin.

"Vụ việc xuất hiện nhiều tình thiết mới, công an tỉnh đang điều tra" - đại tá Quy nói.

Tại cuộc họp báo về sự việc mới đây, Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông thông tin, cơ sở của bà Loan có hành vi sử dụng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm nhuộm đen phế phẩm cà phê.

Phế phẩm cà phê bao gồm cà phê nhân nát vụn và vỏ càphê. Tại hiện trường, đoàn liên ngành đã lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn cà phê bẩn đã được đóng bao bì.

“Chúng tôi đang làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở… Quá trình làm việc với công an, bà Loan khai báo quanh co nên chúng tôi cần thời gian đấu tranh làm rõ” - đại tá Quy nói.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tu-su-cua-chu-ca-phe-ban-nhung-diem-mo-kho-hieu-3356747/