Từ sự khởi đầu hiệu quả

Đã qua 10 ngày kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) có hiệu lực. Hàng nghìn trường hợp người tham gia giao thông có vi phạm về quy định nồng độ cồn trong hơi thở và máu khi điều khiển các phương tiện giao thông đã bị các lực lượng chức năng xử phạt.

Nhẹ là người điều khiển xe đạp khi đã uống rượu bia, nặng là những lái xe ô tô. Mức phạt rất nặng, đến 30 - 40 triệu đồng, nhưng đáng nói hơn là việc giam phương tiện, tước bằng lái đến 23 tháng. Có thể nói đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhất những ngày qua.

Hầu như không ngày nào là không có những tin, bài về vấn đề này trên các mặt báo: Những cái tít như: Ngày đầu thực hiện Nghị định 100: Nhiều trường hợp vi phạm, thêm tài xế vi phạm nồng độ cồn bị phạt 35 triệu, tước GPLX 23 tháng, tài xế xe máy bị xử phạt 7 triệu đồng vì... 2 chén rượu, đã có 1.518 lái xe bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn… đã cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận và công luận đến vấn đề này.

Nhìn chung có thể thấy, dù còn một vài thắc mắc, bỡ ngỡ ban đầu nhưng người dân về cơ bản là ủng hộ việc thực hiện những quy định về xử phạt nghiêm khắc của Nghị định 100. Các lực lượng chức năng cũng đã thực thi công vụ một cách nghiêm túc, quyết liệt, bước đầu tạo sự răn đe, nhắc nhở đối với người tham gia giao thông thực hiện nghiêm phương châm: Đã uống rượu bia không lái xe. Đó là sự khởi đầu hiệu quả.

Tuy nhiên, từ thực tế 10 ngày qua cũng nổi lên một vấn đề đáng lưu ý. Đó là không ít người vi phạm khi bị xử lý vẫn còn khá bỡ ngỡ, thậm chí bất ngờ trước mức xử phạt nghiêm khắc, đặc biệt là thời hạn giữ giấy phép lái xe theo quy định của Nghị định 100. Có người chỉ uống 2 chén rượu trước lúc điều khiển xe máy tham gia giao thông, đã bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe gần 2 năm.

Một người khác uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020. Có người bị phạt tới 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Có thể thấy mức phạt như trên là thích đáng, nếu chúng ta biết rằng từ phân tích kết quả tổng hợp của các cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ người lái xe máy gây ra các vụ TNGT do uống rượu, bia lái xe chiếm từ 70 - 90% số vụ (trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80 - 90%).

Cũng cần nói thêm rằng, sở dĩ có sự bỡ ngỡ, bất ngờ trên là do lâu nay người dân vẫn có thói quen “nhờn luật”. Mặc dù các cơ quan thông tin đại chúng đã tuyên truyền trước nhiều ngày về thời điểm 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sẽ chính thức có hiệu lực kèm theo đó là việc các lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm với mức phạt rất nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia, bất kể với nồng độ cồn là bao nhiêu trong hơi thở cũng như trong máu. Vậy mà chiều 2/1, tổ công tác của Đội CSGT số 1 làm nhiệm vụ tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tiến hành dừng 4 xe máy thì cả 4 tài xế đều vi phạm nồng độ cồn. Có thể có những người vẫn nghĩ rằng, mọi chuyện sẽ như nhiều lần trước, lực lượng chức năng sẽ giơ cao đánh khẽ, mọi việc rồi sẽ lại “vũ như cẫn”…

Thực tế trên khẳng định sự cần thiết của việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông đi đôi với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng tinh thần Nghị định 100. Việc tiếp tục xử phạt nghiêm, kết hợp với tuyên truyền giáo dục không chỉ có tác dụng răn đe, làm giảm các hành vi vi phạm, mà về lâu dài sẽ tạo ra sự tự điều chỉnh của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong việc sử dụng rượu bia.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tu-su-khoi-dau-hieu-qua-362260.html