Tự sự một người điên trong cơn ác mộng cuộc đời

Bệnh trầm cảm không kết liễu nhân vật Esther Greenwood trong tiểu thuyết 'Quả chuông ác mộng' nhưng lại đưa tác giả của nó, Sylvia Plath, đến điểm cuối cuộc đời.

Cuộc đời của Esther Greenwood trong Quả chuông ác mộng (tên gốc: The Bell Jar) khởi đầu như một giấc mơ và kết thúc bằng một cơn ác mộng. Trong cái tiết nhịp chậm rãi đều đều, tác giả Sylvia Plath mở ra một thế giới điên rồ, rải sỏi giúp độc giả đi qua những vùng biên, tới những giới hạn của một người trầm cảm.

Khi nghiệt ngã ập đến

Esther Greenwood, 19 tuổi, giỏi giang, tài năng, một trong 12 cô gái được mời làm thực tập tại một tạp chí nổi tiếng tại New York. Một học bổng toàn phần được trao tặng từ một nữ nhà văn nổi tiếng càng làm cho cuộc đời của cô rộng mở hơn. Nhưng sớm thôi, độc giả sẽ biết được rằng, đó là một giấc mơ được làm giả một cách tinh vi bởi Esther đang “không biết làm gì ở New York” trong khi đó, tràn ngập trên đài và báo chí là những bản tin về Rosenberg lên ghế điện hành hình.

Có thể nói, ngày từ đầu, Esther đã có những dấu hiệu không bình thường. Cô tỏ ra khác lạ so với những người bạn đồng lứa nhưng được ngụy tạo với những vấn đề tâm lý thông thường. Và khi cái mùa hè bỏng rát đi qua, lúc cô trở về nhà, mọi bi kịch mới thực sự bắt đầu.

Sách Quả chuông ác mộng.

Sách Quả chuông ác mộng.

Sự khắc nghiệt ập đến với Esther bắt đầu từ việc phát hiện người bạn trai Buddy chỉ là một kẻ đạo đức giả, một kẻ hai mặt sẵn sàng lên giường với cô phục vụ bàn, hết lần này lượt khác. Tiếp theo đó, Esther biết được rằng chẳng có suất học bổng nào cả và những dự định ở tương lai gần của cô vỡ vụn ngay dưới chân. Cộng với những áp lực, sự cô độc đã sẵn có, Esther - nhanh chóng rơi vào cơn tuyệt vọng không thể nào vãn hồi.

Ban đầu là không thể ăn, mất ngủ, không thể đọc… Esther nhích dần đến những giới hạn của bệnh trầm cảm với những ý nghĩ điên rồ. Từ suy nghĩ, Esther tiến dần đến những hành động. Cô tìm cách tự tử hết lần này đến lần khác, trườn đến cái hố chôn mình đã được đào sẵn.

Sau lần tự tử bất thành, Esther được kết luận là bị tâm thần - như tự cô và bác sĩ kết luận trước đó. Cô được chuyển qua lần lượt các bệnh viện tâm thần này đến trại thương điên khác. Cô được chữa trị bằng cách tiêm Isulin, bằng sốc điện và các trị liệu tâm lý khác.

Tất nhiên, đoạn cuối đường hầm đó là một tia sáng le lói với Esther. Tác giả Sylvia Plath ném cho Esther một chiếc phao, liệu cô có bám víu để trở về thế giới bình thường hay không? Liệu cô có thể vượt qua? Liệu cuộc sống của khả quan hơn khi tâm trí cô nhằng nhịt những tổn thương, với những thói quen rong chơi những góc tối vực sâu?

Một giọng nữ yếu ớt, cô đơn

Đã bao giờ bạn sống trong cảm giác luôn bị một quả chuông ác mộng lơ lửng trên đầu chờ đổ ụp xuống kết liễu cuộc đời bạn? Đã bao giờ bạn tưởng tượng thế giới đang vận hành một cách điên loạn, bị gắn đủ quy chuẩn cũng như các loại nhãn dán lên người? Bạn bị xã hội từ chối không chỉ bởi bạn muốn phát điên mà chính thế giới đang “bốc mùi” điên rồ?

Thế giới của Esther (và rất nhiều người phụ nữ khác trong Quả chuông ác mộng) là như thế, không có đường thoái lui. Xinh đẹp không giúp được gì; tài năng và sự giỏi giang cũng chẳng cứu được. Phải chăng đó là bản án cho tất cả những người phụ nữ, khi họ sống trong một thế giới được nhìn và cư xử theo kiểu của đàn ông? Vì thế, Quả chuông ác mộng là một tiếng nói nữ quyền yếu ớt của Sylvia Plath. Họ nương nhờ nhau, yếu ớt chống chọi rồi tự hủy hoại mình trong thế giới đó.

Trong khi phụ nữ yếu ớt, bị kìm kẹp giam hãm thì đàn ông lại khác. Đàn ông xuất hiện như những kẻ đạo đức giả, những kẻ qua đường, khát khao dục tính, bóc bánh trả tiền, thiếu trách nhiệm nhưng mang cái uy quyền được làm mọi thứ mà họ muốn. Họ nắm giữ được cái uy quyền và cho phép mình được làm mọi thứ mà họ muốn.

Một trong những lý do khiến Quả chuông ác mộng ám ảnh người đọc chính là ở giọng nữ của Sylvia, cùng lối kể truyện đầy chất thơ trong cảm thức đẹp và buồn. Có thể nói, đây là một tự sự của người mắc chứng trầm cảm, một người điên không hề màu mè, phóng đại mà chân thực và ám ảnh người đọc. Nó giống như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa của một căn phòng tối của tâm hồn, nơi chỉ có tiếng thì thầm về những nỗi đau, tuyệt vọng, cô đơn.

Hình ảnh trong phim tiểu sử Sylvia (2003) do Christine Jeffs đạo diễn.

Bên cạnh đó Quả chuông ác mộng cũng được xem như là một cuốn bán tự truyện về cuộc đời của nữ tác giả Sylvia Plath. Nhân vật nữ chính - Esther là hiện thân của chính Sylvia, mang trong mình cái não trạng “khốn đốn” của một người nhạy cảm, bị tổn thương, mắc chứng trầm cảm trong một thời gian dài.

Như đã nói ở trên, Sylvia đã mở một cánh hé một cánh cửa hẹp, với màu sáng để cho Esther bước vào. Tuy nhiên, tác giả lại không may mắn hay làm được như vậy. Bệnh trầm cảm không kết liễu nhân vật Esther Greenwood trong tiểu thuyết Quả chuông ác mộng nhưng là đưa tác giả của nó, Sylvia Plath đến điểm cuối cuộc đời.

Nhã Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-su-mot-nguoi-dien-trong-con-ac-mong-cuoc-doi-post979312.html