Tự tạo cơ hội: Kiếm tiền từ cây nấm

Là kỹ sư điện, nhưng nghề trồng nấm đang giúp anh Châu Trọng Hữu ở Cần Thơ có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Anh Hữu bên chậu kiểng nấm linh chi - Ảnh: Nguyên Đạt

Năm 2010, khi học xong cao đẳng chuyên ngành điện, anh Châu Trọng Hữu (28 tuổi, ngụ ấp Trường Tây, xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) được giữ lại trường giảng dạy nhưng anh quyết định ra bên ngoài làm rồi học liên thông lên đại học. Về cơ duyên đến với cây nấm, anh kể: “Trong lần đi làm công trình tại Tiền Giang, tôi đến tham quan trại nấm linh chi, thấy người ta làm bài bản, quy mô, nấm trồng lên rất đẹp nên mê và quyết định học hỏi. Tuy nhiên, để nắm rõ hơn về cây nấm, tôi phải đi lên cơ sở của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại Bình Phước học thêm kỹ thuật”.

Năm 2012, khi đã nắm được kỹ thuật cơ bản, anh Hữu thuê thêm một phòng trọ rộng 32 m2 để trồng thí điểm 3.000 bọc nấm linh chi và 500 bọc nấm bào ngư. “Trong quá trình trồng nấm mới thấy kỹ thuật học được trong thời gian qua cũng chỉ là lý thuyết. Nhiều lúc tôi làm theo cảm tính nhưng khi thu hoạch bán được 33 triệu đồng nên rất phấn khởi. Từ đó, tôi càng thêm mê cây nấm và thuê thêm mảnh đất rộng 400 m2 gần chỗ trọ, dựng lên khu trại rộng khoảng 200 m2, rồi tìm liên kết với đầu mối ở các tỉnh để có nguồn cung cấp giống chất lượng cho quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nấm”, anh Hữu nói.

Lần “nở nồi” này, anh Hữu đã trồng xoay vòng cũng với 2 loại nấm linh chi và bào ngư. Số nấm bào ngư sản xuất ra bỏ mối ở các chợ, còn nấm linh chi thì anh phơi khô đóng gói bán dần và mỗi tháng anh có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Riêng tết 2016, anh đã nghiên cứu làm được hàng trăm chậu kiểng nấm linh chi với giá bán từ 150.000 đến 1,5 triệu đồng, có thêm thu nhập đáng kể. Anh Hữu nói: “Trồng nấm không khó nhưng cũng không dễ bởi cây nấm rất nhạy cảm với thời tiết, khí hậu. Những gì học được ở nơi khác chưa chắc áp dụng được tại nơi mình làm nên phải tính toán kỹ, tích lũy kinh nghiệm mới trồng đạt hiệu quả”.

Theo anh Hữu, khi trồng nấm cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật như: nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, trang bị hệ thống tưới tự động, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng để đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển. Xung quanh nhà trồng cần bao lưới ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Đặc biệt không được sử dụng phân, thuốc. Sau khi thu hoạch, nấm phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 - 45°C.

Sau gần 4 năm bén duyên với cây nấm và đã nắm khá vững kỹ thuật cũng như có mối liên kết để bảo đảm từ đầu vào đến đầu ra, cuối năm 2015, anh Hữu một lần nữa quyết định mở rộng quy mô sản xuất khi đến P.Long Hòa (Q.Bình Thủy) thuê 2.000 m2 đất đầu tư mở thêm 4 trại. “Với diện tích này, tôi tiếp tục xoay vòng 2 loại nấm linh chi và bào ngư để có nguồn nấm bán quanh năm không sợ cảnh lúc thừa lúc thiếu”, anh Hữu chia sẻ.

Theo anh Hữu, mô hình trồng nấm thích hợp để những gia đình có diện tích đất nhỏ cải thiện thu nhập. Ngoài ra, mỗi vụ trồng xong, bọc phôi có thể được tận dụng để ủ làm nấm rơm, sau khi thu hoạch nấm rơm có thể tận dụng để trồng gừng, bón cho rau, cây ăn trái... rất tốt. “Từ những kinh nghiệm được rút kết, khu mới này có diện tích rộng nên tôi sẽ xây dựng một trại nấm khép kín để tận dụng triệt để những nguyên vật liệu dùng sản xuất nấm. Ngoài ra, tôi đã đi Đà Lạt tìm hiểu và sẽ tận dụng phụ phẩm làm nấm để nuôi trùn quế”, anh Hữu cho biết.

Hiện anh Hữu đang kết nối với một người chuyên ngành công nghệ thực phẩm để hợp tác làm trà nấm linh chi, đồng thời xúc tiến thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Nguyên Đạt

Nguyên Đạt

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-tao-co-hoi-kiem-tien-tu-cay-nam-729346.html