Tụ tập đông người, phản đối Công ty CP Đức Mạnh tại Big C Đà Nẵng

Chiều ngày 7/7, hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại tòa nhà Siêu thị Big C Đà Nẵng tụ tập với băng-rôn “khẩn thiết đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng can thiệp giải quyết về sự vi phạm không tôn trọng pháp luật của Công ty CP Đức Mạnh (DMC) gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Trung tâm Thương mại Big C Đà Nẵng”. Sự việc đã bị làm náo loạn căng thẳng hơn khi nhiều bảo vệ của tòa nhà Vĩnh Trung Plaza xô xát với lực lượng an ninh của Big C.

Biểu tình phản đối của các tiểu thương và Big C Đà Nẵng làm rung động cả Đà Nẵng.

Tòa nhà Siêu thị Big C Đà Nẵng thuộc khu phức hợp Vĩnh Trung Plaza, do Công ty CP Đức Mạnh làm chủ. Big C là đơn vị thuê lại tòa nhà để kinh doanh siêu thị và thương mại.

Ngay từ mới khánh thành, khu phức hợp Vĩnh Trung Plaza, Big C là đơn vị đầu tiên thuê tòa nhà này để mở siêu thị và cho thuê lại một số mặt bằng kinh doanh cho các tiểu thương nhỏ khác. Được biết tại Đà Nẵng, Big C là siêu thị có lượng khách hàng đông nhất và cũng là siêu thị lớn nhất tại đây.

Theo hợp đồng cho thuê mặt bằng được ký kết với thời hạn cho thuê là 40 năm, thời gian thuê từ ngày 01/3/2006. Theo hợp đồng được ký kết thì 10 năm hai bên sẽ tiến hành ký kết lại hợp đồng. Trong hơn 10 năm liên tục kể từ khi bắt đầu cho đến nay mà không có bất kỳ gián đoạn nào. Phía Big C Đà Nẵng luôn thanh toán tiền thuê đúng với cam kết đã được ký kết. Số tiền thanh toán theo từng năm và được chuyển vào tháng đầu tiên kể từ ngày được ký kết. Big C Đà Nẵng thuê từ tầng hầm cho đến tầng 4 của tòa nhà.

Chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa chủ và người thuê ở các trung tâm thương mại là chuyện thường ngày bởi nhiều nguyên nhân. Thường thì người đi thuê luôn bị yếu thế hơn và hay bị thiệt thòi hơn. Mặt bằng thuê thời điểm giá thấp không ai thuê, đến khi người thuê kinh doanh tốt, thị trường tốt thì người cho thuê muốn lấy lại để cho đơn vị khác thuê với giá cao hơn. Muốn lấy lại mặt bằng, người cho thuê làm đủ chiêu trò để đẩy khách hàng đi… Dù nguyên nhân hay lý do nào thì cũng nên hành xử với nhau cho đúng luật và đúng đạo lý kinh doanh.

Ảnh hưởng đến kinh doanh, hàng trăm tiểu thương phản đối Công ty DMC, khẩn cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giải quyết. Chỉ trong thời gian ngắn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có mặt tại nơi xảy ra vụ việc.

Trở lại câu chuyện giữa DMC và Big C Đà Nẵng, theo thông tin từ Big C cho biết: Sau 10 năm thuê mặt bằng kinh doanh ổn định của DMC, ngày 26/11/2015 vừa qua, DMC đột ngột gửi một thông báo chấm dứt Hợp đồng thuê trái pháp luật cho Big C Đà Nẵng với lập luận rằng “Hợp đồng thuê bị vô hiệu”. Theo đó, DMC yêu cầu Big C Đà Nẵng trả lại khu vực thuê cho DMC muộn nhất vào ngày 31/12/2015. Big C Đà Nẵng đã bác bỏ yêu cầu trái pháp trên của DMC.

Ngày 9/6/2016 vừa qua, bà Nguyễn Thị Chi, Tổng Giám đốc Công ty DMC đã gửi công văn đến Cảnh sát PCCC Đà Nẵng về việc không quan hệ, giao dịch với Công ty Big C Hải Phòng (Đơn vị thuê mặt bằng mở siêu thị Big C tại Đà Nẵng). Theo công văn thì DMC chỉ ký hợp đồng với Công ty Vinde’mia của Pháp và cho Công ty này thuê mặt bằng từ tầng hầm đến tầng 4 của tòa nhà Vĩnh Trung Plaza chứ không cho Công ty Big C Hải Phòng thuê mặt bằng mở siêu thị Big C tại Đà Nẵng.

Lấy lý do trên, Công ty DMC đã cho rằng Công ty Big C Hải Phòng chiếm hữu và sử dụng trái phép tài sản của Công ty. Khách quan mà nói, trường hợp Công ty DMC cho Công ty Vinde’mia của Pháp thuê mặt bằng, Công ty này không kinh doanh mà cho đơn vị khác thuê lại và thực hiện đúng với hợp đồng ký kết với DMC thì không lý gì nói đơn vị đó lại chiếm hữu và sử dụng trái phép tài sản của Công ty DMC. Ở một góc độ khác, thế thì 10 năm nay, Big C Đà Nẵng ở “trong nhà” của DMC trái phép mà đến giờ DMC mới biết hay sao? Khi khánh thành tòa nhà Vĩnh Trung, lãnh đạo Công ty DMC cũng đã phát biểu “hùng hồn” trước truyền thông và quan khách rằng nơi đây sẽ mở siêu thị Big C lần đầu tiên có mặt tại miền Trung và là “niềm tự hào” của người dân Đà Nẵng!?.

Trước Tết Nguyên đán 2016, DMC đã thực hiện một số hành động chuẩn bị cho việc thực hiện lời đe dọa thu hồi khu vực thuê như lắp đặt rào chắn lối ra vào siêu thị của Big C Đà Nẵng.

Về phía Công ty DMC, ông Đàm Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho rằng: Big C Đà Nẵng đã không chấp hành theo hợp đồng cho thuê. Trong quá trình sử dụng khu vực thuê, Big C Đà Nẵng đã không trang bị đầy đủ thiết bị đảm bảo an toàn về cháy nổ lại còn cố tình vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ của tòa nhà. Big C Đà Nẵng bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống cống của thành phố.

“Đối với các khoản tiền thuê hàng năm Big C Đà Nẵng luôn thanh toán đúng hẹn theo từng năm. Đối với năm 2016, Big C Đà Nẵng đã chuyển thanh toán cho DMC nhưng phía DMC không nhận và yêu cầu chấm dứt hợp đồng” - Ông Đàm Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc DMC cho biết thêm.

Trước những thông tin trên, Big C Đà Nẵng cho rằng: DMC đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm các quy định pháp luật. Cụ thể, van của đường ống nối bể phốt chứa nước thải cho Big C Đà Nẵng với hệ thống xử lý nước thải chung đã bị cố tình khóa lại. Ngoài ra, ngày 08/6/2016, hệ thống cấp nước cho Big C Đà Nẵng cũng đã bị ngắt. Đến này 14/6/2016, việc cấp nước được khôi phục lại. Ngày 17/6/2016, việc cấp nước tiếp tục bị ngắt. Hiện tại, việc cung cấp nước chỉ diễn ra 1-2 giờ mỗi ngày.

Vào hồi 22h45’ ngày 8/6/2016, nhân viên bảo vệ của DMC đã ngăn chặn không cho 02 xe chở hàng đông lạnh của Big C Đà Nẵng được nhập hàng tại khu giao nhận của Big C Đà Nẵng, khiến cho 01 xe chở hàng đông lạnh không thể nhập hàng và buộc phải dời đi lúc 00h20’ ngày 9/6/2016. Chiếc xe còn lại cũng chỉ có thể rời khu vực giao hàng của Big C Đà Nẵng lúc 01h10’ ngày 9/6/2016 sau khi nhân viên bảo vệ của DMC mở cửa barrie chắn và giải phóng xe.

Theo thông tin từ Big C Đà Nẵng cho biết: Ngày 19/2/2016, Công ty mẹ của Big C Đà Nẵng đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) và Hội đồng trọng tài VIAC đã ra phán quyết tuyên rằng: DMC không có quyền đơn phương chấm dứt việc thực hiện Hợp đồng thuê. Hợp đồng thuê vẫn có hiệu lực và DMC phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Big C Đà Nẵng theo hợp đồng.

Đồng thời ngày 26/2/2016, Công ty Big C Hải Phòng đã nộp đơn lên TAND TP Đà Nẵng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với DMC, buộc DMC phải tuân thủ Hợp đồng thuê cho đến khi có phán quyết cuối cùng của VIAC. Ngày 3/3/2016, TAND Đà Nẵng ban hành quyết định số 01/2016/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng khẩn cấp tạm thời đối với DMC, buộc DMC chấm dứt mọi hành vi có thể gây cản trở đến hoạt động kinh doanh của Big C Đà Nẵng.

Các tiểu thương phản đối DMC, yêu cầu hành xử cho xứng đáng là đơn vị tại thành phố đáng sống.

Ngày 4/3/2016, trên cơ sở Quyết định số 01/2016/QĐ-BPKCTT của TAND Đà Nẵng nêu trên, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 19/QĐ-CTHADS buộc DMC chấm dứt mọi hành vi có thể gây cản trở hoạt động kinh doanh của Big C Đà Nẵng. Thủ tục trọng tài VIAC giải quyết tranh chấp giữa Công ty CP Thương mại Quốc tế và Dịch vụ Đại siêu thị Big C Hải Phòng và DMC hiện đang được tiến hành.

Thế nhưng ngày 7/7/2016, DMC gửi công văn cho các khách hàng thuê lại mặt bằng của Big C Đà Nẵng thông báo về việc thu hồi mặt bằng một cách trái pháp luật. Trước đó, DMC cũng đã từng gửi công văn này tới các khách thuê của Big C Đà Nẵng. Đồng thời DMC đã chắn barrie lối vào và lối ra khiến khách hàng của Big C Đà Nẵng không thể qua lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Big C Đà Nẵng.

Nguyễn Nam

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tu-tap-dong-nguoi-phan-doi-cong-ty-cp-duc-manh-tai-big-c-da-nang.html