Từ than đá tới năng lượng tái tạo: Sự chuyển mình của Philippines trong thu hút FDI vào năng lượng xanh

Để đảm bảo ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh trong những năm tới, mục tiêu của chính phủ Philippines là thu hút FDI nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này.

Philippines là một trong những quốc đảo được cho là dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Với nguồn dầu mỏ và than đá hạn chế, nhưng lại dồi dào năng lượng gió, mặt trời và nước, quốc gia này đang coi đầu tư vốn vào năng lượng tái tạo là nước đi cần thiết và mang tính chiến lược trong những năm tới.

Cối xay gió của AC Energy ở Bangui. Ilocos Norte ở miền bắc Philippines. Nguồn: Forbes

Cối xay gió của AC Energy ở Bangui. Ilocos Norte ở miền bắc Philippines. Nguồn: Forbes

Ước tính, Philippines hiện có khoảng 246.000 megawatt (MW) năng lượng tái tạo chưa được khai thác. Nước này có công suất địa nhiệt lớn thứ ba thế giới với 1.900 MW, đứng thứ hai là Indonesia và đứng đầu là Mỹ.

Cụ thể hơn, theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), tại Philippines, năng lượng tái tạo chiếm 21% sản lượng điện của quốc gia này, năng lượng gió và mặt trời chiếm 2%, trong khi địa nhiệt, thủy điện và năng lượng sinh học chiếm phần còn lại.

Cải cách chính sách: Động lực của sự phát triển

Để khai thác hết tiềm năng hiện có, từ năm 2022, Philippines đã có một loạt các sửa đổi trong chính sách nhằm thu thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực năng lượng xanh.

Ngày 15/11/2022, Bộ Năng lượng Philippines (DOE) đã ban hành Luật sửa đổi Đạo luật Năng lượng Tái tạo năm 2008 nhằm loại bỏ các quy định yêu cầu quyền sở hữu của nước này đối với một số nguồn năng lượng tái tạo.

The đó, các nhà đầu tư nước ngoài giờ đây có thể nắm giữ 100% vốn cổ phần trong hoạt động thăm dò, phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và đại dương, thủy triều, thay vì 40% như quy định cũ. (Trước đây, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được giới hạn ở mức 40% trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm viễn thông năng lượng, hàng không và vận chuyển).

Trong Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia 2020-2040, Philippines đã vạch ra mục tiêu đầy tham vọng là 35% năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của nước này vào năm 2030 và 50% vào năm 2040, trong khi nước này dự báo rằng tỷ trọng than đá - nguồn sản xuất điện chủ yếu hiện nay của nước này - sẽ giảm xuống 24% vào năm 2040.

Bảng quy hoạch năng lượng tính theo phần trăm giai đoạn 2021-2040 của Philippines. Nguồn: National Renewable Energy Program, 2021-2040

Chính phủ cũng tìm cách giảm chi phí cho các dự án năng lượng tái tạo và có các giải pháp giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn năng lượng mới này. Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2008 sau khi sửa đổi đã đưa ra nhiều khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, trong Kế hoạch ưu tiên đầu tư chiến lược năm 2022, Chính phủ Philippines đã đưa ra nhiều đãi ngộ mới cho các công ty năng lượng xanh và các doanh nghiệp phát triển theo hướng này. Các biện pháp này bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cường khấu trừ và thuế suất ưu đãi cho các ngành như lắp ráp xe điện (EV), sản xuất các bộ phận EV, năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, tái chế và các ngành kinh tế xanh khác.

Philippines kỳ vọng việc cho phép nước ngoài sở hữu các dự án cũng như những đãi ngộ đặc biệt trên sẽ tạo động lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của quốc gia, qua đó giúp nước này đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Những tín hiệu khả quan ban đầu

Từ khi Philippines công bố nới lỏng các hạn chế về FDI trong lĩnh vực năng lượng xanh, nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài đang lên kế hoạch tiến vào thị trường đầu tư đầy hấp dẫn này, trong số đó có các nhà đầu tư Trung Quốc.

Đầu năm 2023, Chính phủ Philippines cho biết, 9 công ty năng lượng Trung Quốc đang chuẩn bị đến Philippines với tổng số vốn đầu tư là 13,7 tỷ USD. Các công ty này bao gồm Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước và nhà sản xuất tuabin gió Mingyang Wind Power.

9 công ty này sẽ tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng và hệ thống điện ngoài lưới.

Philippines là đối tác quen thuộc với các nhà đầu tư Trung Quốc. Hơn thế, đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á cũng được cho là ít rủi ro hơn cho quốc gia tỷ dân so với việc đầu tư vào các nước châu Âu. Trung Quốc hiện là một cường quốc năng lượng tái tạo và thống trị chuỗi cung ứng pin quang điện mặt trời, nhờ đó cung cấp các tấm pin với giá cạnh tranh hơn.

Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Philippines. Nguồn FDI

Cuối tháng 1 vừa qua, Công ty Năng lượng tái tạo Đan Mạch Copenhagen Energy A/S (CE) và PetroGreen Energy Corp đã quyết định đầu tư vào BuhaWind Energy, một dự án điện gió ngoài khơi ở vùng Ilocos Norte của Philippines với trị giá 360 tỷ PHP (khoảng 6,5 tỷ USD). Hội đồng Đầu tư Philippines (BOI) cho biết, dự án sẽ tập trung vào phát triển các máy phát điện tua-bin gió ngoài khơi với công suất từ 15 đến 20 megawatt mỗi chiếc và dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp điện vào năm 2028.

Mới đây, ngày 10/2/2023, Citicore Renewable Energy Corp, một trong những nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất của Philippines cũng cho hay đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu ra thị trường trong năm nay nhằm tài trợ cho khoản đầu tư 4 tỷ USD vào các dự án năng lượng mặt trời mới trong vòng 5 năm tới.

Theo Reuters, trong quý hai năm nay, Citicore sẽ nộp hồ sơ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường và hoàn thành việc niêm yết trong năm.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Citicore Oliver Tan cho biết, quy mô của đợt phát hành này đủ lớn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ông cũng cho biết thêm là nguồn vốn mới từ việc niêm yết sẽ cho phép Citicore đầu tư 800 triệu USD trong năm nay để tăng sản lượng lên 1 gigawatt (GW) và khoảng 4 tỷ USD để đạt 5 GW trong vòng 5 năm tới.

FDI: tiềm năng và thách thức đối với ngành năng lượng xanh tại Philippines

Việc sản xuất, lưu trữ và phân phối điện thông qua sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (RES) và các hệ thống thông minh đã trở thành thỏi nam châm thu hút FDI toàn cầu. Các hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) đã dần thay thế cho các nhà máy than và khí đốt tự nhiên. Xe điện (EV) đang thay thế động cơ đốt trong truyền thống (ICE). Ngay cả các công ty dầu khí cũng đã bắt đầu phân bổ ngân sách nhiều tỷ đô la cho việc phát triển năng lượng tái tạo.

Năm 2019, lần đầu tiên đầu tư FDI vào năng lượng tái tạo vượt qua nhiên liệu hóa thạch, đạt mốc 116,6 tỷ USD, thu về 115,5 tỷ USD trong cùng năm đó. Trong 2 năm dịch bệnh, FDI vào năng lượng tái tạo vẫn ở mức 96,7 tỷ USD (2020) và 90,8 tỷ USD (2021). Tuy con số này thấp hơn mức cao kỷ lục đạt được vào năm 2019, nhưng cao hơn mức trung bình hàng năm 66,6 tỷ USD của những năm 2010. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào than, dầu và khí đốt giảm mạnh xuống còn 47,5 tỷ USD vào năm 2020 và chạm mức thấp kỷ lục mới là 16,2 tỷ USD vào năm 2021.

Một tác động tích cực khác của năng lượng tái tạo chính là việc làm. Năm 2020, đầu tư FDI vào năng lượng tái tạo tạo ra gấp đôi số việc làm so với FDI vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và gấp năm lần vào năm 2021.

Theo IRENA (Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế), tổng số việc làm đang hoạt động trong chuỗi giá trị RES đã tăng lên 12 triệu vào năm 2020, tăng 40% so với 7,3 triệu vào năm 2012.

Tại Philippines, theo báo cáo của Manila Bulletin, ngành năng lượng tái tạo và các lĩnh vực liên quan khác dự kiến sẽ thu hút khoảng 1 nghìn tỷ PHP (khoảng 18,2 tỷ USD) từ nguốn vốn FDI. Dòng vốn này đến từ trong và ngoài châu Á, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của thị trường năng lượng tái tạo của Philippines và xa hơn là thúc đẩy nền kinh tế Philippines.

Mặc dù có nhiều tiềm năng thu hút FDI, nhưng không phải là không có những thách thức. Theo YCP Solidiance - một công ty tư vấn chiến lược tại thị trường châu Á, việc chú trọng nhiều vào các khoản đầu tư nước ngoài có thể làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các công ty trong nước, đặc biệt là khi các công ty nước ngoài thường có nhiều khả năng tiếp cận với các nguồn lực lớn. Về lâu dài, không chỉ một vài ngành mà cả nền kinh tế có thể sẽ bị phụ thuộc quá mức vào các khoản đầu tư nước ngoài.

Theo đó, để tránh những vấn đề này, khuyến nghị chính sách vẫn là khu vực tư nhân và nhà nước của Philippines cần hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng khi khai thác các cơ hội đầu tư liên quan đến năng lượng tái tạo. Làm như vậy sẽ giúp đảm bảo sự phát triển đồng bộ, toàn diện của ngành năng lượng tái tạo, trong đó có thể giảm thiểu những rủi ro và thách thức mà FDI có thể gây ra.

Một số khuyến khích đầu tư quy định tại Đạo luật Năng lượng tái tạo sửa đổi:

+ Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bảy năm;

+ Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10 phần trăm khi hết thời gian miễn thuế;

+ Miễn thuế cho các khoản tín dụng carbon được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo;

+ Mức trần thuế bất động sản 1,5 phần trăm đối với chi phí ban đầu của thiết bị và phương tiện được sử dụng để sản xuất năng lượng tái tạo;

+ Miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc mua, nối lưới và truyền tải điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Nga Cao

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-than-da-toi-nang-luong-tai-tao-su-chuyen-minh-cua-philippines-trong-thu-hut-fdi-vao-nang-luong-xanh-d184263.html