Từ tháng 10 nhiều bệnh viện tăng viện phí với người không có thẻ bảo hiểm y tế

Từ ngày 1/10, các bệnh viện, cơ sở công lập tại TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức điều chỉnh tăng viện phí với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, bắt đầu từ ngày 1/10, tất cả bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn TPHCM sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới dành cho người không có thẻ BHYT theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.

Theo đó, người đi khám, chữa bệnh không có BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh. Cụ thể, phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.

Các bệnh viện điều chỉnh tăng viện phí với các bệnh nhân không có thẻ BHYT. Ảnh: báo VietnamNet

Báo VOV thông tin thêm, mức giá khám chữa bệnh gồm: Chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư y tế, điện, nước, duy tu bảo dưỡng…) và tiền lương (tiền lương ngạch bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp, đóng góp; phụ cấp thường trực, phẫu thuật, thủ thuật).

Như vậy, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả. Các bệnh viện công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí.

Theo báo Thanh niên, từ ngày 1/8/2017, đã có 12 bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần trên địa bàn thành phố cũng đã được phép áp dụng điều chỉnh giá viện phí mới.

Báo VietnamNet cho hay, theo các chuyên gia, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định.

Nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 - 70% ; khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ/ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo...

Hiện cả nước hiện còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT. Tuy nhiên, đối với các đối tượng chưa có thẻ BHYT, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức quá lớn khi không may ốm đau bệnh tật là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện điều chỉnh viện phí đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.

Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy được lợi ích của thẻ BHYT để họ thấy cần phải tham gia BHYT nhằm đề phòng không may khi ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả 100% từ tiền túi khi khám chữa bệnh.

(Tổng hợp)

Duy Ngọc

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/tp-ho-chi-minh-tang-vien-phi-voi-nguoi-khong-co-the-bao-hiem-y-te-a203716.html