Từ thành công bóng đá, ngẫm chuyện giáo dục STEM

Trong hơn một năm vừa qua, HLV Park Hang-seo và các học trò của ông đã làm cho nền bóng đá Việt Nam như bừng tỉnh với liên tiếp những thành tích đầy bất ngờ tầm cỡ châu lục. Với giáo dục STEM, chúng ta có thể làm được vậy?

Đội tuyển quốc gia dưới thời của ông Park đã làm cho người hâm mộ Việt Nam và giới chuyên môn luôn cảm thấy phấn khích và tự hào ngay cả khi thắng lẫn lúc thua. Tâm thế nhập cuộc và tinh thần thi đấu hết mình của đội tuyển Việt Nam khiến người hâm mộ trong nước và bạn bè quốc tế nể phục.

Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên nền bóng đá Việt Nam được các châu Á nhắc đến nhiều như thế với những lời ngợi khen.

Những kỳ tích của đội tuyển bóng đá quốc gia dưới thời huấn luyện viên người Hàn Quốc khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Đâu là sự khác biệt?

Khác biệt lớn nhất của ông Park với những người tiền nhiệm có lẽ chính là sự hiểu biết về bóng đá ở tầm châu lục và thế giới thông qua trực tiếp trải nghiệm của bản thân ông. Khi còn là cầu thủ, ông Park đã từng tham gia đội tuyển quốc gia và sau này khi trở thành huấn luyện viên ông đã từng là trợ lý huấn luyện trưởng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc đạt thành tích thứ tư thế giới năm 2002.

Chính cái hơn về trải nghiệm và hiểu biết “tầm châu lục” so với những người tiền nhiệm đã giúp cho ông Park nhìn thấy rõ những yếu điểm của đội tuyển Việt Nam khi phải đá với các đối thủ mạnh ở châu lục, đặc biệt là vấn đề thể lực.

Lần đầu tiên người Việt thấy chúng ta có thể tự tin về thể lực của các cầu thủ khi phải đọ sức mạnh ở các giải đấu với các đội bóng vốn thường hơn chúng ta về kỹ thuật và thể lực với một cường độ liên tục.

Cùng đó là cự ly đội hình, chiến thuật hợp lý với thể lực của các cầu thủ Việt Nam.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh yếu tố thực sự hiểu các giải đấu châu lục ở tầm cao thông qua thực sự trải nghiệm là thứ mà Việt Nam ta bị thiếu trước thời ông Park.

Cũng phải kể đến, các cầu thủ của chúng ta đa số đều xuất thân nghèo khó từ các vùng nông thôn. Chính những ông bố bà mẹ đã dám dũng cảm và tin tưởng trao con mình cho các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, tấm lòng của những người gây dựng bóng đá trẻ đã tạo ra thực lực của bóng đá Việt Nam hôm nay và ông Park đã kịp thêm vào cái thực lực đó hiểu biết tầm châu lục của ông để tạo nên một thế hệ vàng.

Thành công của bóng đá gợi cho chúng ta nhiều bài học, trong đó có nhiều vấn đề mang tính giáo dục con người, đặc biệt là làm sao để từng con người và cả tập thể có sự được bền bỉ và tự tin, đặc biệt không cảm thấy run sợ trước bất kỳ đối thủ nào.

Từ bóng đá ngẫm câu chuyện về giáo dục STEM. Câu hỏi đặt ra là trong lĩnh vực giáo dục phổ thông thời 4.0, có cách gì để có thể khiến cho các học sinh từ các trường làng của Việt Nam có thực lực hiểu biết và sự tự tin ở tầm quốc tế khi mà nhiều nơi trên thế giới đã đưa giáo dục STEM và việc xóa mù lập trình vào trường phổ thông ngay từ bậc tiểu học. Liệu những điều đó có khả thi ở những trường làng rất eo hẹp về ngân sách nhưng lại có ví trí chiến lược trong giáo dục phổ thông vì đó là nơi học tập của gần 70% học sinh?

Giáo dục STEM là một cách tiếp cận tích hợp liên môn học thông qua trải nghiệm thực làm gắn với đời sống của các môn học trong các lĩnh vực (theo viết tắt của tiếng Anh): (S) Khoa học; (T) Công nghệ; (E) Kỹ thuật và (M) Toán học.

Giáo dục STEM là một định hướng quan trọng trong giáo dục thời 4.0 ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Anh, Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được Chính phủ chỉ đạo trong Chỉ thị 16 về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0). Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố, giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới trong nội dung nhiều môn khoa học tự nhiên, toán học, tin học và công nghệ,...

Thực tế, điều thú vị ở Ngày hội STEM 2018 được tổ chức cách đây ít tháng với sự tham gia của nhiều trường học vùng nông thôn của các tỉnh thành Hưng Yên, Nghệ An, Hải Phòng,... là 2 thầy giáo trường làng của huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã tự tin đứng lớp hướng dẫn học sinh Hà Nội và các tỉnh trải nghiệm lập trình cho robot trong các tiết học 45'. Đó được đánh giá là một trong những nội dung hấp dẫn của Ngày hội STEM 2018.

Xa hơn, ở huyện nghèo của tỉnh Nghệ An này đã có gần 100 thầy cô giáo ở 30/81 trường tiểu học và THCS đã tự dạy được cho học sinh và đồng nghiệp trải nghiệm lập trình robot trong các câu lạc bộ STEM trường làng, nơi có khoảng 15 máy in 3D và 150 con robot.

Trong dịp hè năm 2018, có tới 24 trường học của huyện Thanh Chương tham gia cuộc thi lập trình robot bơi rất đặc sắc với tên gọi "Chinh phục đảo chè" lần đầu tiên do huyện tổ chức. Nói đặc sắc bởi hầu như trên thế giới, các cuộc thi lập trình thường chỉ dùng robot đi trên cạn, còn ở Thanh Chương việc lập trình cho robot bơi bằng guồng nước và dò đường bằng các cảm biến siêu âm tạo nên thách thức khó hơn.

Trong Ngày hội Toán học mở 2018 do Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán tổ chức mới đây, nhiều thầy cô giáo và học sinh Hà Nội cũng như các tỉnh cũng cảm thấy rất thách thức khi lần đầu được thử trải nghiệm lập trình trên sàn thi đấu robot bơi của các trường học huyện Thanh Chương.

Vậy họ đã làm như thế nào để cả 81 trường học đều có câu lạc bộ STEM với 30 trường có robot trong điều kiện chưa có ngân sách cho STEM?

Đầu năm 2017, UBND huyện Thanh Chương và Phòng GD-ĐT đã bàn bạc với các cựu học sinh và những người Thanh Chương xa quê để kêu gọi những tấm lòng yêu quê hương và các nhà hảo tâm quyên góp được quỹ 1,2 tỷ đồng đợt 1 để mua hơn 500 tủ sách tặng cho hơn 500 lớp học. Ngay lập tức, vấn đề thiếu nghiêm trọng sách đọc thêm ở hơn một nửa số lớp học được đẩy lùi.

Trong quá trình bàn giao các tủ sách lớp học, các cựu học sinh Thanh Chương đã góp ý lãnh đạo huyện này nên khởi động triển khai giáo dục STEM ở các trường làng bằng việc tập huấn giáo dục STEM cho giáo viên vào dịp hè 2017.

Tham gia tập huấn phổ cập kiến thức về Cách mạng 4.0 và giáo dục STEM lần đầu có hơn 30 người gồm một số lãnh đạo của UBND huyện, Phòng GD-ĐT và một số hiệu trưởng trường THPT và THCS.

Sau 5 tiết học, trong đó có tiết học thực hành lập trình robot theo công nghệ KÉO - THẢ, vị phó chủ tịch huyện này nhận thấy STEM thực tế rất gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận và rất thiết thực. Đặc biệt chi phí thấp nên dễ xã hội hóa.

Ngay sau đó là những chỉ đạo đến phòng GD-ĐT lên kế hoạch lâu dài để tập huấn giáo viên theo nhiều đợt để phổ cập STEM tới tất cả các trường học, giáo viên và học sinh trên địa bàn.

Sau vài tuần, huyện này đã mời TS Đặng Văn Sơn cùng ThS Hoàng Vân Đông và 16 thầy cô giáo của Liên minh STEM về tập huấn cho gần 400 giáo viên và các hiệu trưởng của cả 88 trường, trong đó gần 300 giáo viên được tập huấn chuyên sâu hơn trong 15 tiết học nâng cao (chủ yếu là thực hành làm các sản phẩm theo bài học và thực hành viết giáo án) để bước đầu tiếp cận 3 trụ cột của giáo dục STEM là: STEM theo các chủ đề sách giáo khoa; STEM sử dụng vật liệu tái chế; STEM dùng robot.

Lần đầu tiên trong đời, các thầy cô được tự tay lập trình cho robot chạy theo ý của mình và thấy không có gì quá phức tạp. Cùng đó giá của robot dùng bo mạch mở Arduino và phần mềm mở SCRATCH (không phải trả bản quyền) chỉ khoảng gần 2 triệu đồng, trong khi mỗi phòng lab chỉ cần 3 con robot với tổng chi phí khoảng 5 triệu đồng là có thể mở CLB STEM robot.

Sau tập huấn, mỗi trường có 3 người có thể dạy được STEM và các câu lạc bộ STEM bắt đầu được thành lập và việc dạy học STEM trên diện rộng của toàn huyện từ đó được bắt đầu. Cuối năm 2017, 100% giáo viên của toàn huyện, tức hơn 2500 thầy cô giáo đã được tập huấn phổ cập giáo dục STEM theo cách dùng vật liệu tái chế.

Hệ sinh thái giáo dục STEM đã bước đầu được hình thành như vậy ở huyện nghèo, trường làng, nhờ nỗ lực của rất nhiều thành phần trong xã hội và ngành giáo dục.

Điều khá thú vị là TS Đặng Văn Sơn - nhà khoa học trẻ nhưng đã có tới 37 bài đăng tạp chí khoa học theo tiêu chuẩn ISI, người được Thanh Chương mời về tập huấn giáo viên cũng từng học thạc sỹ ở Hàn Quốc. Và Hàn Quốc cũng chính là bệ phóng của TS Sơn cho 8 năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở châu Âu sau đó.

Hiện, nhóm của TS Đặng Văn Sơn đã tập huấn giáo viên và góp phần gây dựng hàng trăm câu lạc bộ STEM ở các trường làng tại nhiều tỉnh thành khác nhau như Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng. Hàng vạn học sinh trường làng đã được tiếp cận với giáo dục STEM, rất nhiều em đã được tham gia thi các cuộc thi lập trình robot, nhiều học sinh và giáo viên cảm thấy tự tin và không cảm thấy thời 4.0 có vẻ huyền bí, khó hiểu và xa vời.

Sau một thời gian giúp các trường làng triển khai giáo dục STEM, nhóm của TS Đặng Văn Sơn đã về lại các trường làng để học hỏi kinh nghiệm thực tế từ chính các thầy cô giáo để tiếp tục nâng cấp các chủ đề dạy học STEM bám theo chương trình SGK. Những chủ đề dạy học STEM hay nhất cũng được tiến hành xuất khẩu ngược sang... Hàn Quốc.

Để thấy nếu quyết tâm và có sự quan tâm một cách thực chất, giáo dục STEM cũng có thể phát triển thần kỳ như bóng đá nước nhà.

Đỗ Hoàng Sơn

(Nguyên thành viên ban giám khảo Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia - ViSEF 2012)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/tu-thanh-cong-bong-da-ngam-chuyen-giao-duc-stem-506343.html