Từ 'thành phố ma' đến 'núi' nợ

Những biệt thự sang trọng, các tòa chung cư cao ngất ngưởng, hồ nước, công viên, hệ thống giao thông quy hoạch đẹp đẽ... các 'thành phố ma' ở Trung Quốc đều có cả. Chúng chỉ thiếu duy nhất một yếu tố quan trọng: người ở.

Một góc “thành phố ma” Kinh Tân

Hơn 64 triệu căn hộ bị bỏ trống?

Trong số những “thành phố ma” của Trung Quốc có thể kể đến Kinh Tân. Được xây mới hoàn toàn từ năm 2003, thành phố Kinh Tân cách thủ đô Bắc Kinh 120km, trên đường đến cảng biển Thiên Tân, sở hữu một tổ hợp biệt thự được coi là lớn nhất châu Á với khoảng 8.000 ngôi nhà. Có thể nói, đây là một nơi ở lý tưởng cho tầng lớp trung lưu bậc trên với những căn hộ hết sức rộng rãi, nhiều sân golf, trung tâm thương mại cao cấp… Tuy nhiên, thành phố có khả năng tiếp nhận 300.000 dân này hiện tại vẫn là một đô thị “ma”. Theo ABC News, có khoảng 50 thành phố kiểu như Kinh Tân khắp Trung Quốc. Vậy nhưng, việc xây dựng những thành phố mới vẫn chưa dừng lại. Được thiết kế cho hàng trăm ngàn cư dân, những đại dự án bao gồm các tòa tháp chung cư cao tầng, trung tâm mua sắm lớn, quảng trường và cả những công trình nhái các thành phố châu Âu.

Lý giải về những dự án xây dựng “dường như không cho ai”, Dinny McMahon, tác giả cuốn sách China’s Great Wall of Debt (tạm dịch Trường thành nợ nần của Trung Quốc), cho hay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền các địa phương cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích thị trường bất động sản. Chính vì điều này mà các công ty tư nhân, công ty nhà nước đua nhau rót tiền vào các dự án xây dựng mục đích sử dụng thấp, gây lãng phí. Ngoài ra, việc xây dựng ồ ạt các khu đô thị còn đến từ tâm lý quá lạc quan của nhà đầu tư khi họ tin rằng thị trường bất động sản chỉ có tăng trưởng, đi lên.

Thông tin về các căn hộ bỏ trống, không có người ở, khá nhạy cảm, hiếm khi được công khai. Tuy nhiên, tờ Bưu điện buổi sáng Bắc Kinh từng cho biết số căn hộ không có người ở tại Trung Quốc vào khoảng 64,5 triệu đơn vị. Tờ báo đưa ra con số ước lượng trên dựa vào thông tin của Tổng công ty Điện lực quốc gia Trung Quốc rằng các căn hộ không sử dụng điện liên tiếp trong 6 tháng vào năm 2010. Vài ngày sau, công ty trên bác bỏ thông tin này.

Nhưng một số ý kiến cũng cho rằng những đô thị bị gọi là “thành phố ma” thực chất không phải là bỏ trống. Wade Sherpard, tác giả cuốn Ghost Cities of China (tạm dịch Các thành phố ma của Trung Quốc), cho rằng những gì thấy ở các thành phố vắng bóng người này đơn giản chỉ là “giai đoạn giữa xây dựng và sinh sống, cư ngụ”. “Rất nhiều “thành phố ma” bắt đầu xây dựng vào giai đoạn 2000-2003 và bây giờ, khi đến, bạn không còn nhận ra đó là những thành phố mới xây”, ông Sherpard nói và dẫn chứng một số ví dụ, trong đó có những thành phố được xem là các trung tâm kinh tế hiện nay của Trung Quốc. Theo ông Sherpard, giai đoạn xây dựng tương tự ở Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện trong chiều dài lịch sử phát triển toàn cầu khi những quốc gia phát triển mở rộng quy mô. Ông Sherpard ca ngợi Trung Quốc luôn “đi trước một bước” trong phát triển và mở rộng khi cho xây dựng các thành phố mới, không để rơi vào tình trạng của nhiều nơi khác trên thế giới với cơ sở hạ tầng luôn đi sau tăng trưởng dân số. Hay như cách nói của thị trưởng một thành phố ở Trung Quốc rằng họ mua bộ vest size lớn cho một chàng trai đang ở độ tuổi phát triển.

Báo động “núi” nợ

Công ty tư vấn J Capital Research có nhiệm vụ ghi chép dữ liệu về các “thành phố ma”, thống kê số căn hộ bị bỏ trống trên toàn Trung Quốc. Tim Murray, Quản lý đối tác của J Capital Research, cho biết rất nhiều thành phố phát triển thịnh vượng của Trung Quốc hiện nay như Thâm Quyến, được xây dựng theo kiểu “thành phố ma”. Một thành công khác có thể kể đến là Phố Đông, một quận của thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính và thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Murray lưu ý đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ, không phải là quy luật. “Hiện có quá nhiều thành phố xây mới trên khắp Trung Quốc nhưng không đem lại hiệu quả. Đây thật sự không phải là một ý tưởng tốt”, ông Murray nói.

Trong khi đó, ông McMahon lấy trường hợp của “thành phố ma” Zhengdong ở thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam làm ví dụ. Chính quyền thành phố Trịnh Châu đã dành các ưu đãi trị giá hàng chục triệu USD cho Foxconn, nhà sản xuất điện thoại iPhone của lãnh thổ Đài Loan, để công ty này đồng ý mở nhà máy tại Zhengdong. Foxconn thuê 200.000 lao động và biến Zhengdong từ một “thành phố ma” thành trung tâm công nghiệp. “Hầu hết các “thành phố ma” không có các nguồn lực, không thể đi theo cách của Zhengdong đã làm”, ông McMahon cho hay.

Còn ở Kinh Tân, cô Fan, nhân viên Công ty bất động sản Thành phố mới Kinh Tân, cho biết hiện thành phố chỉ có vài cửa hiệu nhỏ hoạt động; hầu hết chủ nhà chỉ ghé qua vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Theo ông McMahon, rất nhiều người mua bất động sản để đầu tư, không có ý định chuyển đến sinh sống nên tình trạng cung vượt quá cầu rất lớn đang diễn ra. “Thị trường bất động sản của Trung Quốc là một quả bong bóng”, ông McMahon nói và tin rằng những “thành phố ma” là biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề khi mà tăng trưởng dựa trên những khoản nợ. “Kinh tế Trung Quốc đang ở thời điểm có rất nhiều khoản nợ tích lũy từ những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lãng phí ở những thành phố mà địa phương không có khả năng trả nợ. Không thể tiếp tục vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế theo kiểu này”, ông McMahon nhấn mạnh.

Cũng theo ông McMahon, chính quyền trung ương Trung Quốc đang cố gắng vừa đưa kinh tế thoát khỏi nợ nần, vừa tìm động lực mới cho tăng trưởng. Họ nhắc rất nhiều đến việc cần thiết phải nâng chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp tiên tiến và đó là tương lai cho kinh tế Trung Quốc. “Nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với một thách thức rất lớn bởi tăng trưởng phụ thuộc vào những khoản nợ tích tụ dùng cho xây dựng và nó không còn bền vững nữa”, ông McMahon nói.

Thời gian gần đây, câu chuyện về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cuộc đọ sức với Mỹ không lo lắng bằng “núi” nợ mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt. Hơn 1 thập kỷ trước, nợ của Trung Quốc chiếm khoảng 160% GDP, nhưng con số này hiện nay vào khoảng 280%-300%. “Khi một nền kinh tế tích tụ nợ quá nhanh, gần như khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính. Kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan, trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính lần lượt các năm 2008 và 1997, đã cho thấy điều này”, ông McMahon phân tích.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tu-thanh-pho-ma-den-nui-no-538997.html