Từ thiện từ bàn tay…phù thủy: Cách làm độc đáo của thầy giáo miền Tây

Không giàu có, không giúp đỡ người khác bằng tiền, quà, hiện vật giá trị, nhưng cách làm độc nhất vô nhị của một thầy giáo ở miền Tây lại làm ấm lòng biết bao mảnh đời bất hạnh. Đó là làm từ thiện bằng ảo thuật.

Bén duyên với ảo thuật

Thầy giáo kiêm ảo thuật gia nói trên là anh Dương Hữu Tài (34 tuổi, giáo viên bộ môn giáo dục quốc phòng trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, Vĩnh Long). Nói về cái duyên đến với môn dạy “bất đắc dĩ” anh Tài cho biết, tốt nghiệp sư phạm toán năm 2006, được nhận về dạy tại trường THPT Mang Thít nhưng lúc đó ở trường đang thiếu giáo viên bộ môn quốc phòng nên anh được cử đi học văn bằng 2 về bộ môn này tại TP Hồ Chí Minh.

Mê ảo thuật từ nhỏ nhưng nhà quá khó khăn nên anh Tài không thể theo đuổi ước mơ và chọn đến với nghề sư phạm. Khi lên Sài Gòn học, anh tình cờ được biết ảo thuật gia Lư Phong. Những màn biểu diễn cuốn hút của ông đã đánh thức đam mê thuở bé trong chàng trai trẻ, rồi từ đó anh theo ảo thuật gia này “tầm sư học đạo”.

“Suốt 18 tháng học ở Sài Gòn được đào tạo trong môi trường quân đội nghiêm khắc. Do đó, thời gian được ra ngoài vô cùng hạn chế. Tuy nhiên, vì mê ảo thuật quá nên tôi thường lén trốn ra khỏi trường để đến học với ảo thuật gia Lư Phong” - anh Tài kể.

Anh Tài dạy cho các học trò của mình trò khéo. Ảnh: Kim Hà

Theo anh, nghề ảo thuật không cần năng khiếu, cũng chẳng cần ngoại hình, chỉ cần có đam mê và sự quyết tâm sẽ làm được. Chính vì vậy hiện nay, anh có thể biểu diễn thuần thục từ những trò khéo tay; cho đến những pha ảo thuật đường phố vui nhộn vừa diễn, vừa nói giao lưu với khán giả; thậm chí cả những màn diễn phức tạp như cưa người, cắt người...

Ở trường là một thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề và đêm về anh lại trở thành một ảo thuật gia điêu luyện. Không khó để gặp anh trong những buổi biểu diễn sôi động, hài hước ở các sân khấu lớn hoặc trong các buổi tiệc và khi ấy không ai biết chàng ảo thuật gia kia chính là một thầy giáo.

Hiện tại trường THPT Mang Thít đã có hẳn một câu lạc bộ ảo thuật do chính thầy giáo kiêm ảo thuật gia này thành lập, thu hút nhiều em học sinh tham gia. Anh Tài chia sẻ: “Ban đầu ở trường không ai biết tôi là ảo thuật gia cả. Rồi trong một buổi biểu diễn từ thiện, có học trò phát hiện ra tôi, rồi tụi nó đòi theo. Có đứa hỏi “Sao thầy đi âm thầm quá thầy không lên tiếng?”, ngẫm lại tôi thấy đúng thật. Thay vì làm từ thiện một mình thì có thêm những người cộng sự công việc sẽ trôi chảy hơn, mình cũng vui mà học trò cũng vui nên từ đó tôi lành lập câu lạc bộ ảo thuật từ thiện”.
Không chỉ có mục đích là thiện nguyện, khi tham gia câu lạc bộ này, ngoài việc được học ảo thuật các em học sinh còn được thầy giáo đa tài trau dồi cả những kĩ năng mà các em không được học trong nhà trường như: Bản lĩnh tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn, khả năng hoạt ngôn ở đám đông, tấm lòng yêu thương sẻ chia với cộng đồng,...

Em Trương Ngọc Anh (học sinh lớp 11 trường THPT Mang Thít) chia sẻ: “Lúc chưa tham gia câu lạc bộ em rất nhút nhát, không dám đứng trước đám đông. Nhưng khi thấy màn biểu diễn ảo thuật rất cuốn hút và thích thú nên em tham gia nhưng vẫn thấy sờ sợ. Ban đầu cũng chỉ tập chơi cho biết thôi, nhưng càng biết nhiều thì càng mê. Hiện nay, em đã học được nhiều trò và theo thầy đi biểu diễn các nơi. Có lúc thì em tự diễn, lúc thì làm MC cho thầy diễn. Em thấy bản thân tự tin hơn rất nhiều”.

Còn em Trịnh Mai Hồng Vân (học sinh lớp 11 trường THPT Mang Thít) cho biết, trong các chuyến đi thiện nguyện, em phụ trách hoạt náo trò chơi ảo thuật mang lại niềm vui, nụ cười cho trẻ em tại trại mồ côi. Qua đó, cô học trò cấp 3 cũng đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh của những đứa trẻ tại đây và thấy được bản thân mình may mắn hơn biết bao người. “Khi em nói tham gia học ảo thuật, ba mẹ em không cho vì cho rằng ảo thuật có tính chất bùa phép, mà em là con gái nữa. Nhưng khi biết được ý nghĩa của câu lạc bộ của thầy Tài thì gia đình mới yên tâm để em theo thầy học” - Hồng Vân trần tình.

Làm từ thiện không giống ai
Anh Tài đã có gần 15 năm làm từ thiện dù tuổi đời chỉ ngoài 30. Mỗi thời điểm anh có cách làm việc thiện khác nhau. Hiện nay, cuộc sống của thầy giáo trẻ vẫn còn nhiều khó khăn, lương giáo viên cũng không đáng là bao. Tuy vậy, những hôm diễn ảo thuật được nhiều tiền anh nghĩ ngay “có tiền đi làm chương trình từ thiện rồi”.

Tích lũy được ít tiền sau mỗi đêm diễn hoặc khi có nhà hảo tâm ủng hộ, thầy giáo trẻ lại lên kế hoạch làm từ thiện bất cứ đâu từ các tỉnh miền Tây cho tới miền Đông. Những nơi anh đến thường là các mái ấm người già neo đơn, trại trẻ mồ côi hoặc các học sinh khó khăn. Ở đâu có những hoàn cảnh kém may mắn anh đều có mặt.

Một tháng anh thường đi làm chương trình từ 1 - 2 lần, tùy theo số tiền có được. Thầy giáo trẻ quan niệm: “Làm từ thiện có nhiều cách, mấy thằng bạn hay nói tôi “Mày nghèo kiết xác mà bày đặt làm từ thiện”. Vì tôi không có tiền chục triệu, trăm triệu để giúp đỡ người ta, nhưng tôi mong muốn mang đến niềm vui tinh thần, sự ngạc nhiên cho những mảnh đời bất hạnh bằng chính cái nghề ảo thuật của mình. Muốn làm và làm vậy thôi chứ không có sự toan tính”.

Đi đến đâu, câu lạc bộ ảo thuật của thầy trò trường THPT Mang Thít lại mang đến tiếng cười tràn ngập. Các hoạt động như: Đập heo đất, văn nghệ, chơi trò chơi ảo thuật và biểu diễn ảo thuật, tặng quà bánh kẹo,... lần lượt diễn ra trong suốt chương trình, đem lại niềm vui cho những cụ già và trẻ em mồ côi.Theo anh, những hoạt động của câu lạc bộ sẽ phần nào giúp họ vơi đi nỗi bất hạnh.

Em Trịnh Mai Hồng Vân thích thú trò ảo thuật khéo với sợi dây và chiếc vòng. Ảnh: Kim Hà

K.H

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tu-thien-tu-ban-tayphu-thuy-cach-lam-doc-dao-cua-thay-giao-mien-tay-1321324.tpo