Từ thực hiện giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo

Trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương quan tâm và chỉ đạo thực hiện khá nghiêm túc, hiệu quả; nhiều vụ việc được chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.

Chú trọng công tác tiếp dân

Từ thực tiễn cho thấy, chất lượng giải quyết các vụ việc ở một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương chuyển biến tích cực; việc thi thành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo ở một số địa phương tốt hơn trước, đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, công tác tiếp công dân được lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với từng vụ việc.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 4-2015 đến tháng 12-2016, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp tổng cộng 38 lượt công dân đến địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Hiện nay, Tổng cục đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đưa ra khỏi danh sách năm vụ việc, đang tiếp tục, theo dõi, chỉ đạo giải quyết 33 vụ việc. Thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giúp cán bộ, công chức làm công tác này rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên bài học kinh nghiệm từ giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Có thể nêu một vụ việc điển hình. Ông C là người phải thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành, ngày 14-6-1995, chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế số 32/THA và ngày 17-6-1995 tổ chức kê biên tài sản là nhà, đất của gia đình ông C và bà M tại xã V, huyện H, tỉnh K để bảo đảm thi hành án. Sau đó, chấp hành viên tiến hành các trình tự, thủ tục định giá tài sản. Ngày 15-7-1995, bán đấu giá thành tài sản kê biên với giá 15.114.000 đồng, người trúng đấu giá là ông N, trú tại thôn 1, xã V, huyện H, tỉnh T. Nhưng sau đó, ông N không nộp tiền mua tài sản và ông T đề nghị được mua tài sản trên để thi hành án. Ngày 25-8-1995, chấp hành viên đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là ông T.

Như vậy, việc thi hành án dân sự đã kết thúc từ năm 1995. Tuy nhiên, đến tháng 1-2013, ông C, bà M tố cáo ông S - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh K có hành vi vi phạm pháp luật khi ra quyết định thi hành án mà người được thi hành án không yêu cầu và không thực hiện việc ủy thác thi hành án khi người phải thi hành án có tài sản ở nơi khác. Giải quyết tố cáo của ông C, bà M, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K đã thành lập đoàn xác minh nội dung tố cáo. Kết quả xác minh cho thấy, người được thi hành án có làm đơn yêu cầu thi hành án; biên bản xác minh của Chấp hành viên xác định ông C cư trú ở xã V, chỉ có tài sản chung ở xã V, không có tài sản ở nơi khác. Do đó, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K ban hành Kết luận nội dung ông C, bà M tố cáo nêu trên là không có cơ sở.

Không nhất trí với kết luận trên, ông C, bà M tiếp tục đến địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để tố cáo về 14 nội dung, trong đó có những nội dung đã được giải quyết, một số nội dung tố cáo mới.

Để giải quyết tố cáo nêu trên, người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời đối chiếu với quy định pháp luật và nhận thấy: Đối với các nội dung tố cáo đã được giải quyết tại Kết luận nội dung tố cáo và Kết luận nội dung tố cáo của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K và việc ông C, bà M tố cáo tiếp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Thông báo số 75/TB-GQKNTC ngày 2-10-2015 thông báo cho ông C, bà M biết các nội dung tố cáo nêu trên đã được giải quyết đúng pháp luật.

Do đó, căn cứ khoản 2 Điều 27 Luật Tố cáo năm 2011 (trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo) và khoản 3 Điều 7 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30-9-2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ra thông báo cho ông C, bà M, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan về việc không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp và đề nghị ông C, bà M chấm dứt việc tố cáo, việc xem xét, giải quyết tố cáo nếu không có tình tiết mới.

Đối với nội dung tố cáo mới, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chuyển đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh K để giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những nội dung tố cáo mới.

Tránh lợi dụng khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật

Tuy nhiên, ông C, bà M vẫn tiếp tục gửi đơn tố cáo đến Bộ Tư pháp và nhiều lần trực tiếp đến địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp để tố cáo. Giải quyết vụ việc này, hiện nay theo Điều 27 Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 1-2-2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (có hiệu lực kể từ ngày 16-3-2016).

Cụ thể: Đối với việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nếu qua đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục mà người khiếu nại, tố cáo đồng ý với phương án giải quyết thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra thông báo chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Trường hợp đương sự không đồng ý thì ra thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đó, đồng thời, cơ quan ra thông báo sẽ lập hồ sơ trích ngang về nội dung vụ việc và quá trình giải quyết để công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan và thông báo cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương.

Đối với vụ việc trên, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý nhưng công dân vẫn khiếu nại, tố cáo, thì việc thông báo công khai về việc chấm dứt thụ lý xem xét, giải quyết vụ việc là cơ sở để nếu người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì tất cả các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sẽ trả lời người khiếu nại, tố cáo một cách nhất quán và cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, vi phạm pháp luật.

Từ vụ việc trên và qua một số vụ việc khác, có thể thấy qua công tác tiếp dân, kiểm tra để giải quyết việc đương sự khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, Tổng cục đã phát hiện được nhiều sai phạm của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong việc áp dụng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành khi tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, giải quyết bồi thường. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chú trọng, quan tâm đúng mức; chưa tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có khiếu nại, tố cáo, dẫn đến tình trạng công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự cần nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo phải sát dân, lắng nghe, minh bạch, công bằng, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân; nâng cao kỹ năng áp dụng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, tránh để xảy ra sai phạm trong việc tổ chức thi hành án dẫn đến khiếu nại, tố cáo, bồi thường nhà nước. Bên cạnh đó, Tổng cục cần có rà soát; nghiên cứu thực trạng áp dụng Luật Thi hành án dân sự nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự nói riêng và các văn bản quy phạm pháp pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; tìm hiểu nguyên nhân của việc áp dụng pháp luật không đúng, để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

NGUYỄN THỊ THU HẰNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/cai-cach-tu-phap/item/38171502-tu-thuc-hien-giai-quyet-mot-so-vu-viec-khieu-nai-to-cao.html