Từ tỉ phú thế giới đến nghệ nhân làng quê Việt: Chuyện về vải tơ sen - 'viên ngọc cuối cùng trong thế giới vải vóc'

Vào năm 2012, Tỉ phú Pier Luigi Loro Piana, chủ tịch hãng vải và thời trang danh tiếng Loro Piana đã tự hào công bố ra thế giới một chuẩn mực mới về loại sợi tự nhiên tốt nhất lịch sử loài người, có kích thước 0,12 micron (sợi len loại tốt là 12 micron) để dệt ra loại vải được ví như 'Viên ngọc cuối cùng trong thế giới vải vóc'.

Mỗi công đoạn đều cần những bàn tay tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.

1. Sự ám ảnh về việc phải tìm ra loại sợi mềm mịn nhất này kéo dài suốt nhiều thập kỷ và chỉ đạt được sau một thông tin về làng nghề thủ công ít người biết tại vùng hồ Inle ở Myanmar, nơi sợi được se bằng tay từ thân sen và mỗi mẻ được dệt trong vòng 24h trước khi thân bị phân hủy, chỉ để tạo ra 120g vải thô. Ông đã lập tức bay ngay đến, thỏa thuận mua lại toàn bộ sản lượng đầu ra của làng nghề này để chuẩn bị cho một tương lai mà ông hoàn toàn có thể đoán trước được.

Đến năm 2016, Loro Piana chính thức thương mại hóa loại vải này với tên gọi Loro Piana Lotus Flower - A Textile Hidden in The Water, nhưng với số lượng cực khan hiếm, phải đặt hàng trước khi nhận vải 1 năm và chỉ giao dịch ở Flagship store tại Ý. Bất cứ nhà may tên tuổi hay nghệ nhân may đo nào đều khát khao được thử tay nghề trên loại vải kiệt tác của thiên nhiên này.

Và một điều bất ngờ phi thường khi tại Việt Nam, nghệ nhân dệt tơ tằm Phan Thị Thuận đã dệt thành công loại vải từ tơ sen quý hiếm này sau nhiều năm nghiên cứu và thất bại.

Và để được tận mục sở thị thành tựu này, tôi đã lên đường tìm về thôn Hạ, Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội với hy vọng gặp được nghệ nhân Phan Thị Thuận và được chiêm ngưỡng cách bà đã tạo ra loại vải có một không hai này. Có lẽ trước khi được chứng kiến trực tiếp toàn bộ quy trình se sợi - dệt vải, thì ít ai trong nghề có thể tin được Việt Nam là nơi thứ 2 thành công trong việc dệt vải từ tơ sen.

Bà Thuận là thế hệ thứ 3 nối nghiệp trong một gia đình có truyền thông dệt lụa. Cả tuổi thơ của bà gắn liền với việc chăm tằm, ươm tơ. Lên 6 tuổi, bà đã được bố mẹ dạy nghề và thành thạo các công đoạn dệt vải. Có thể nói, dệt tơ tằm đã ngấm vào máu của bà từ khi còn nhỏ và cũng là cái nghiệp mà bà quyết tâm theo đuổi và gìn giữ cho đến tận sau này.

2. Đón tiếp tôi trong căn phòng có hàng chục chiếc cúp lớn nhỏ, dấu ấn trong suốt mấy chục năm qua tìm tòi, nghiên cứu và truyền bá nghệ thuật dệt tơ tằm đến khắp mọi miền Tổ quốc. Bà cũng là người duy nhất đến này phát kiến ra công nghệ điều khiển cho con tằm tự nhả tơ để dệt thành chăn vào năm 2012 và được xuất khẩu ra nước ngoài.

Nổi tiếng với nghề dệt tơ tằm nhưng cơ duyên để đến với dệt vải từ tơ Sen rất tình cờ. Năm 2017, trong một lần đoàn đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ huyện Mỹ Đức tới thăm cơ sở sản xuất, nữ đại biểu Trần Thị Khánh gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu để dệt ra lụa từ tơ sen. Ban đầu bà rất ngạc nhiên vì cũng chưa bao giờ có ý nghĩ tơ sen có thể dệt thành lụa, nhưng sau khi lên mạng tìm hiểu thì bà mới biết hóa ra lụa dệt từ tơ sen đã xuất hiện gần 100 năm nay tại Myanmar. Vậy là bà quyết tâm theo đuổi và thử sức với ý tưởng này.

Từ hôm đó, bà dành nhiều thời gian để nghiên cứu, bà tự bỏ tiền túi, đầu mua 1 đám ruộng để trồng sen thử nghiệm. Tuy nhiên, việc lấy sợi tơ sen khó hơn rất nhiều lần việc lấy sợi tơ tằm truyền thống. Sợi tơ sen rất mảnh, dễ đứt nên khi làm đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ.

Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 giờ đồng hồ, nếu không cuống sen sẽ khô, tơ bị rút sợi, sẽ hỏng hoàn toàn. Chưa kể việc vê tơ thành từng sợi cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Một người thợ lành nghề làm 1 ngày cũng chỉ được tối đa 170m sợi tơ.

Cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Để lấy được tơ, nghệ nhân Thuận phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, sau đó dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo, không cắt quá sâu nếu không sẽ làm đứt luôn sợi tơ bên trong.

Hàng nghìn cuống sen như vậy cũng chỉ đủ để dệt nên 1 chiếc khăn cỡ 1m7.

Để lấy được tơ sen nghệ nhân Thuận phải khéo léo cứa từng khúc của thân cây sen.

Những sợi tơ sau khi được xử lý.

Những sợi tơ sau khi được làm sạch sẽ được đưa lên khung cửi để dệt thành vải.

Những sợi tơ sen thành phẩm.

Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200 - 250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn dài 1m7 cũng phải mất đến một tháng trời.

Do những yêu cầu phức tạp và sự kỳ công trong các công đoạn nên giá thành các sản phẩm lụa tơ sen rất cao. Trung bình một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá trên thị trường vào khoảng trên 8 triệu đồng và có thể cao hơn tùy vào mức độ hoàn thiện.

Cũng vì giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm này chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ các dòng khách cao cấp, khách nước ngoài. Trong năm ngoái, xưởng sản xuất của bà chỉ làm được 12 chiếc khăn lụa tơ sen, người tiêu dùng muốn mua phải đặt trước vài tháng.

Không chỉ thế, khi sen hết mùa, xưởng của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng không thể sản xuất ra loại khăn từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế việc dệt lụa từ tơ sen vẫn chỉ là việc làm thời vụ, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, nhân rộng.

3. Dù đã thành công khi nghiên cứu thành công việc dệt vải từ tơ sen nhưng nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn rất trăn trở đối với tơ tằm. Với bà, đây là công trình mà bà đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu. Bà cũng hy vọng nghề dệt tơ tằm sẽ được bảo tồn và phát triển nhân rộng, tạo công ăn việc làm cho dân làng Mỹ Đức. Đồng thời, bà cũng sẵn lòng truyền lại nghề dệt cho bất cứ ai muốn học, dù ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam để có thể tiếp tục duy trì và phát triển ngành nghề này. Nghe bà thao thao bất tuyệt về khoảng thời gian đi khắp mọi nơi ở Việt Nam để dạy nghề và truyền kinh nghiệm, từ Đồng Tháp tới Đắk Lắk, Nghệ An hay về Hà Nội, từ những người làng, gần quê hay xa xứ nơi đất khách quê người. Chứng kiến bà tự tin về chất lượng sản phẩm của mình không thua kém bất kỳ quốc gia hay bất kỳ thương hiệu xa xỉ nào về chất lượng lụa tơ tằm mới thật sự cảm thấy xúc động

Thật xúc động với tình yêu của một người nông dân với đất nước Việt Nam. Suốt cả cuộc đời cống hiến cho nghề dệt tơ tằm, bà chỉ mong được thấy đất nước khá lên, kỳ vọng có thể làm được điều gì đó tự hào cho dân tộc. Bởi lòng tự hào dân tộc đã luôn ở trong huyết quản.

Thật xúc động về Vải Sen, về sự quý hiếm cũng như ý nghĩa của nó. Trung bình 1 miếng khăn nhỏ cần đến 4.800 thân cây sen để làm. Và điều khó khăn nhất là công nghệ để có thể dệt được những sợi siêu mảnh 0,12 micro mà ko bị đứt hay hỏng thì mới thấy thán phục tài năng và trí tuệ của người Việt không thua bất kì một quốc gia nào.

Chia sẻ trước khi tôi ra về, nghệ nhận Phan Thị Thuận cho biết bà vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng cũng như rút ngắn thời gian sản xuất. Tuy nhiên, đây là việc khó, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Bà cũng rất hy vọng có được sự chung tay của các doanh nghiệp Việt, đảm bảo đầu ra cho lụa tơ tằm, để bà có thể toàn tâm toàn ý phát triển công nghệ dệt vải từ tơ sen. Bởi đầu ra của sản phẩm vẫn luôn là điều quan trọng nhất đối với các làng nghề thủ công truyền thống.

nguyễn giang minh đức (Giovanni Group JSC)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tu-ti-phu-the-gioi-den-nghe-nhan-lang-que-viet-chuyen-ve-vai-to-sen-vien-ngoc-cuoi-cung-trong-the-gioi-vai-voc-630731.ldo