Từ tranh cãi đặt tên phố tại Đà Nẵng: Còn đánh giá khác nhau thì chưa xem xét đặt tên

Mới đây, TP Đà Nẵng đề xuất lấy tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina để đặt tên đường tại địa phương này. Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hai vị này không phải là người sáng tác ra chữ Quốc ngữ…

Alexandre de Rhodes đã được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Alexandre de Rhodes đã được đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Chữ Quốc ngữ có từ bao giờ?

Những ngày gần đây, sự kiện TP.Đà Nẵng đề xuất, lấy ý kiến rồi quyết định dừng việc đưa tên 2 giáo sĩ có công hình thành chữ quốc ngữ là Francisco De Pina (1585-1625, người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (1591 – 1660, người Pháp) vào đề án đặt, đổi tên đường trên địa bàn, thu hút sự quan tâm của dư luận. Chỉ riêng về việc nguồn gốc của chữ Quốc ngữ, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ cho rằng, hai giáo sĩ này không phải là những người sáng tác ra chữ Quốc ngữ, mà họ chỉ là người hoàn thiện mà thôi. Do vậy, đây là một trong những lý do để không nên lấy tên họ đặt tên đường.

Nói về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, chữ Quốc ngữ ra đời đã gần 4 thế kỉ. Nếu lấy mốc cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của A. de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Roma (Ý), chữ Quốc ngữ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Đầu tiên chỉ là sản phẩm sáng tạo của các giáo sĩ châu Âu. Cụ thể như: Gaspa de Amaral, Antonio Barbosa, Marcel Ferreyra (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine (Pháp), Francesco Busomi, Crisforo Borri (Ý) nhằm thực hiện truyền giáo một cách tốt nhất, vì lúc bấy giờ nếu dùng tiếng nước ngoài sẽ mất rất nhiều công sức.

Như vậy, xét về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, hiện nay vẫn chưa thể xác định được ai mới là "cha đẻ" thực sự. Tuy nhiên theo như tư liệu của PGS.TS Phạm Văn Tình cung cấp, các tài liệu hiện nay đều lấy bộ từ điển của A. de Rhodes là cột mốc đáng nhớ cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ và hay được đề cập đến. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra bằng chứng và cho rằng, linh mục Francisco De Pina đến Đàng Trong năm 1617, sau đó học tiếng Việt, ông biên soạn tài liệu "Phương pháp Latin hóa tiếng Việt" và cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt", dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, trong đó có A. de Rhodes (năm 1624).

Dù còn nhiều tranh cãi về người sáng tạo chữ Quốc ngữ, song một điều có thể khẳng định, chữ Quốc ngữ ra đời có một quá trình dài từ năm 1618 cho đến 1625 với sự hợp tác của nhiều người chứ không chỉ một người. Francisco De Pina là người khởi đầu hay A. de Rhodes là người kế thừa và phát huy hay những người khác về sau đều là những người đóng góp cho sự hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ.

Trước khi đặt tên, nên tổ chức hội thảo

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, tên gọi chữ Quốc ngữ (chữ của quốc gia) được dùng lần đầu tiên vào năm 1867 trên tờ Gia Định báo (tờ báo viết bằng chữ Việt lần đầu xuất hiện tại Sài Gòn, ngày 15/4/1865). Sau khi cuốn Từ điển Việt - Latin của Taberd (xuất bản 1838) thì chữ Quốc ngữ cơ bản được định hình và nó đã tồn tại trong xã hội Việt Nam ở trạng thái "tam ngữ bất bình đẳng", bao gồm: chữ Hán của tầng lớp Nho học, chữ Pháp dùng trong hệ thống hành chính nhà nước (do Pháp bảo hộ), chữ Quốc ngữ của dân chúng, dùng để sáng tác thơ văn và bày tỏ cảm xúc...

"Từ lúc ra đời, chữ Quốc ngữ càng phát huy ưu thế của mình. Do đây là lối viết chữ ghi âm (nói thế nào viết thế ấy) dùng hệ chữ Latin để thể hiện. Đó là lối chữ giản tiện, dễ học, dễ đọc, dễ nhớ. Chỉ trong một thời gian không dài, số lượng tác phẩm văn thơ do nhân dân sáng tác đã tăng lên rất nhanh. Sự ra đời của các tờ báo Quốc ngữ cùng các cơ quan xuất bản vào cuộc làm cho sự quảng bá tri thức văn hóa cũng mở rộng không ngừng... Như vậy, chữ Quốc ngữ ra đời đã có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của nó là điều không thể phủ nhận", PGS. Phạm Văn Tình chia sẻ.

Từ nguồn gốc, vai trò và tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ, với vấn đề nên hay không nên lấy tên hai vị giáo sĩ đặt tên cho đường phố, còn có rất nhiều các ý kiến khác nhau. Theo thông tin trên báo chí, PGS.TS Lê Cung (trường Đại học Sư phạm Huế) cho rằng, không nên lấy tên hai vị linh mục này đặt tên đường phố, trường học...Lý do là bởi, A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Hơn nữa, với dân tộc Việt Nam "Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được". Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng chung quan điểm: chữ quốc ngữ tạo ra nhằm mục tiêu xâm lăng, vì vậy không nên lấy tên Francisco De Pina hay A. de Rhodes để đặt tên đường. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, việc lấy tên những nhân vật lịch sử, văn hóa đặt tên đường phải xem xét cẩn trọng, tính đến những công lao đóng góp, nêu gương, bởi việc này có mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, nên lấy tên hai vị giáo sĩ đặt tên đường, bởi "họ xứng đáng được vinh danh". Thậm chí có người còn đề nghị ngoài A. de Rhodes và Francisco De Pina, hãy vinh danh cả những người khác đã góp phần sáng tạo, hoàn thiện chữ Quốc ngữ.

Kết cục câu chuyện này thế nào, chúng ta hãy chờ xem. Nhưng, điều đáng quan tâm hơn, đây sẽ là dịp tốt để nhiều người, nhất là các bạn trẻ hiểu tường tận hơn về sự hình thành, phát triển của chữ Quốc ngữ - thứ văn tự đang giúp chúng ta rất đắc lực trong cuộc sống hằng ngày hiện nay.

Còn đánh giá khác nhau thì chưa xem xét đặt tên

Theo khoản 5, điều 10 nghị định 91/2005/NĐ-CP, việc đặt tên đường, phố ngoài tên danh nhân trong nước, có thể lấy tên danh nhân nước ngoài. Tuy nhiên, danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố; công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tu-tranh-cai-dat-ten-pho-tai-da-nang-con-danh-gia-khac-nhau-thi-chua-xem-xet-dat-ten-20191129202156645.htm