'Tứ trụ' thị trường bia Trung Quốc liệu có đổi ngôi?

Thị phần khống chế thị trường bia Trung Quốc vẫn nằm trong tay những công ty nội địa, nhưng trật tự của nhóm dẫn đầu rất có thể sẽ thay đổi bởi các thương hiệu ngoại đang mạnh tay giành phần lớn hơn của miếng bánh khổng lồ trong bối cảnh chi tiêu cho bia vẫn trên đà tăng.

Thị trường lớn nhất thế giới

Trung Quốc là thị trường bia lớn nhất thế giới về sản lượng tiêu thụ, với 38,3 tỉ lít trong năm 2019, vượt xa các thị trường phát triển khác như Mỹ (21,9 tỉ lít) hay Đức (8 tỉ lít), một báo cáo của công ty giải pháp thị trường Fitch Solutions cho biết. Chi tiêu cho đồ uống có cồn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng được ghi nhận là tăng mạnh nhất toàn cầu, với dự báo mức bình quân đầu người tăng 54% trong giai đoạn trung hạn (2018-2022), đạt 46,4 USD vào năm 2022 (trong khi lượng tiêu thụ tính bằng lít/đầu người sẽ tăng 7% trong giai đoạn này).

Thị trường bia Việt Nam với các sản phẩm được biết tới như Heineken, Tiger, Bivina, Larue (Ảnh Internet)

Thị trường bia Việt Nam với các sản phẩm được biết tới như Heineken, Tiger, Bivina, Larue (Ảnh Internet)

Báo cáo của Fitch Solutions còn chỉ ra xu hướng tiêu dùng cao cấp trên thị trường bia Trung Quốc ngày càng mạnh, người tiêu dùng thích chi tiêu cho các loại bia thủ công chất lượng cao và các thương hiệu nhập khẩu hơn. Do đó, thị trường này đang trải qua quá trình chuyển đổi đáng lưu ý, với các nhà sản xuất bia lớn đang tìm cách thu hẹp quy mô sản xuất các nhãn hiệu truyền thống, đồng thời tăng cường tiếp xúc với bia cao cấp thông qua đầu tư vào bia thủ công và hợp tác với các thương hiệu nước ngoài.

Điều gì thúc đẩy tiến trình này? Fitch Solution cho rằng nhu cầu ngày càng tăng đối với bia cao cấp ở Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi phân khúc người tiêu dùng trẻ ở tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân, cũng như số lượng lớn các quán bar và nhà hàng phân phối các sản phẩm bia ngoại.

Bảng xếp hạng liệu có thay đổi?

Trung tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu tại Trung Quốc (EUSME Center) nhận định, kim ngạch nhập khẩu bia của Trung Quốc đã tăng 2 chữ số trong suốt 5 năm giai đoạn 2012-2017, đạt 750 triệu USD vào năm 2017. Có tới ¾ lượng nhập khẩu đến từ châu Âu (Đức xếp thứ nhất, Bỉ thứ 3, thứ 4 Hà Lan và thứ 5 Bồ Đào Nha).

Nhưng các nhà sản xuất bia ngoại không thỏa mãn với vị thế đứng từ bên ngoài để hưởng lợi. Nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev (sở hữu thương hiệu bia Budweiser) tuyên bố vào tháng 7/2019 rằng sẽ mở rộng thị trường ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc – nơi hãng đã có 16% thị phần (theo Euromonitor). Carlsberg, một tay chơi hiện diện tại thị trường này từ cuối những năm 1970 và đang đứng thứ 5 về thị phần tuyên bố mua cổ phần tại thương hiệu bia thủ công Jing-A vào tháng 3/2019 mà không tiết lộ giá trị thương vụ.

Đáng chú ý nhất là thương vụ hãng Heineken rót 3,1 tỉ USD để nắm 40% cổ phần của China Resources Beer Holdings Co. (CR), công ty bia lớn nhất Trung Quốc. Được công bố vào tháng 8/2018, nhưng phải tới cuối tháng 4/2019, quan hệ đối tác chiến lược này mới chính thức hoàn tất. Về phía Heineken, đầu tư vào CR sẽ cho phép nhà sản xuất bia Hà Lan sử dụng mạng lưới phân phối địa phương của tập đoàn Trung Quốc để mở rộng dấu ấn của mình tại thị trường này. Hiện tại Heineken, ngoài thương hiệu cùng tên, còn bán các sản phẩm bia dãn nhãn hiệu quốc tế Tiger và Sol, cùng với các nhãn hiệu bình dân hơn là Anchor và Hải Nam.

Heineken rót 3,1 tỉ USD để nắm 40% cổ phần của China Resources Beer Holdings Co. (CR)

Heineken rót 3,1 tỉ USD để nắm 40% cổ phần của China Resources Beer Holdings Co. (CR)

Thống kê trong năm 2019 cho thấy 4 vị trí dẫn đầu về thị phần bia Trung Quốc đang lần lượt nằm trong tay của CR, Tsingtao Brewery, Anheuser-Busch InBev, Beijing Yanjing Brewery (theo MarketWatch). Hiện tại Heineken không góp mặt vào danh sách này, tuy nhiên, sau thỏa thuận chiến lược với CR, trật tự vừa nêu sẽ có thay đổi về bản chất. Thậm chí trên phạm vi toàn cầu, Anheuser-Busch InBev mặc dù đang vững vàng ở vị trí số 1 nhưng cũng có thể cảm thấy hơi nóng phả vào gáy bởi “số 2” đã bắt tay với “số 3” (thống kê của JPMorgan).

Ở chiều ngược lại, thương vụ vừa nêu cũng biến CR thành cổ đông của Heineken qua việc hãng bia Hà Lan nhượng lại mảng kinh doanh của mình tại Trung Quốc và nhượng quyền thương hiệu Heineken. Quan hệ đối tác với Heineken sẽ cho phép CR bổ sung một thương hiệu bia cao cấp quốc tế vào danh mục đầu tư hiện tại, đồng thời “có thể tận dụng mạng lưới phân phối toàn cầu của Heineken để mở rộng sự hiện diện của thương hiệu bia Tuyết (Snow) sang thị trường nước ngoài”, báo cáo của Fitch Solutions đánh giá.

Tại Việt Nam, thị trường bia lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản, Heineken cũng đang là tay chơi mạnh với vị trí thứ 2 về thị phần, chiếm 21,8% (báo cáo của công ty chứng khoán Bản Việt) với các sản phẩm được biết tới như Heineken, Tiger, Bivina, Larue. “Chúng tôi đặt mục tiêu chiếm lĩnh vị trí số 1 (tại Việt Nam – P.V), cả về lợi nhuận và sản lượng tiêu thụ”, ông Leo Evers – Tổng Giám đốc điều hành Heineken Việt Nam nói với Reuter vào giữa năm 2019. Sau thương vụ của Heineken với CR, người tiêu dùng Việt Nam có quyền được kỳ vọng sự xuất hiện của Tuyết (Snow) tại một thị trường bia có mức tăng trưởng tiêu thụ trung bình lên tới 6,6% trong suốt 6 năm qua.

Công Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-tru-thi-truong-bia-trung-quoc-lieu-co-doi-ngoi-131178.html