Từ trường hợp em Phạm Song Toàn: Học sinh còn nhiều điều 'khó nói' về thầy cô

Việc em Phạm Song Toàn (trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TPHCM) đứng lên phản ánh việc giáo viên dạy Toán 'im lặng' suốt một học kỳ đã gây chấn động ngành giáo dục, khi học sinh dũng cảm đứng lên 'tố' sai phạm của thầy cô dạy mình.

Em Phạm Song Toàn đã dũng cảm phản ánh sai phạm của GV. Ảnh: FB nhân vật

Một số người bị đụng chạm lợi ích trách móc em Phạm Song Toàn, không ghi nhận mặt tích cực của vấn đề. Cả tập thể lớp mấy chục em phải chịu “bạo hành tinh thần”, kết quả học tập bị ảnh hưởng, uy tín ngành giáo dục giảm sút, giáo viên (GV) vi phạm nghiêm trọng không ai xử lý.

Điều em Phạm Song Toàn phản ánh, đối với nhiều người còn cảm thấy “sốc”, lạ, xuất phát từ quan niệm “tôn sư trọng đạo”. Thầy cô dù có nhiều hành vi không đúng, nhưng nếu học sinh phản ánh thì bị coi là thiếu tôn trọng, là “trái đạo lý”… Đây là cái “vòng kim cô” khiến nhiều học sinh, kể cả phụ huynh ngại, không phản ánh hay phản ứng về những vi phạm, sai phạm của GV, dẫn đến nhiều vi phạm kéo dài, gây hệ lụy xấu.

Trong khi nhiều nước phương Tây, mối quan hệ GV - học sinh cởi mở, “thoáng” hơn, việc học sinh phản ánh những bất cập trong công tác của GV là bình thường. Chính điều này tạo ra nguồn thông tin hai chiều liên tục, thông suốt, để hai bên hiểu nhau hơn, cùng điều chỉnh để hướng tới mục đích chung.

Thực tiễn giáo dục cho thấy, nếu không tạo ra được mối quan hệ dân chủ, cởi mở giữa GV - học sinh, sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy, hậu quả, mà trường hợp cô giáo “im lặng” trong nhiều tháng là ví dụ. Nhiều trường hợp khác, học sinh thấy cách truyền đạt, phương pháp, nội dung giáo dục của GV không hợp lý, nhưng vì ngại không dám phản ánh, nên đành cam chịu.

Hiện nay, vẫn còn nhiều GV yếu kém, ít trau dồi về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, giảng dạy kiểu “đọc-chép”, truyền thụ một chiều, gây ức chế cho học sinh, làm giảm hứng thú học tập và sau sút kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, nhiều người ứng xử thiếu chuẩn mực, vi phạm các quy định của đạo đức nhà giáo ở mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, vì chưa được “cởi trói”, còn vướng quan niệm về đạo lý truyền thống như đã phân tích ở trên, đa số học sinh cam chịu, một số có điều kiện thì xin chuyển lớp. Chỉ trong trường hợp quá mức, một số lớp mới kiến nghị thay đổi GV. Tuy nhiên, hầu như các kiến nghị này không được giải quyết, vì lãnh đạo nhà trường không biết chuyển những GV “có vấn đề” đó đi đâu.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/tu-truong-hop-em-pham-song-toan-hoc-sinh-con-nhieu-dieu-kho-noi-ve-thay-co-601005.ldo