Tử tù được phép kết hôn: Bên Mỹ cũng làm

Quy định tử tù được phép kết hôn thể hiện tính nhân văn và cần thiết phải có để thực thi quyền con người trên thực tế.

Pháp luật không cấm

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự được Bộ Công an kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV năm 2018 đang gây nhiều chú ý.

Dự án luật này sẽ bổ sung các quyền dân sự, quyền kết hôn, ly hôn đối với người đang chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình và quy định thời gian giải quyết đơn xin ân giảm, đơn kêu oan của người bị kết án tử hình.

Đưa ra quan điểm của mình, LS Lê Cao, Đoàn LS TP Đà Nẵng đánh giá, đây không phải là những quy định bổ sung, mà thực tế là những quy định được cụ thể hóa các quyền cơ bản của con người theo Hiến pháp.

Tử tù được phép kết hôn đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa

Theo LS Cao, trước giờ không có quy định nào cho thấy những người đang chấp hành hình phạt tù, hoặc người đang chờ thi hành án tử hình không được ly hôn, không được kết hôn cả. Đó là các quyền con người không bị pháp luật hạn chế mặc dù họ bị các bản án, quyết định của tòa án tuyên là tội phạm và bị thi hành án.

“Theo tôi việc dự thảo luật mới quy định cụ thể các quyền đó của họ là điều cần thiết để thực thi các quyền con người trên thực tế. Đó là quan điểm lập pháp rất đáng hoan nghênh”, LS Cao khẳng định.

Vị Luật sư cũng cho rằng, không có gì quá khó khăn trong câu chuyện quản lý nhà nước khi công nhận các quyền cơ bản của công dân, mặc dù họ là những người đang chấp hành hình phạt do các hành vi tội phạm.

"Nếu không cho họ quyền kết hôn thì rất nhiều phạm nhân hiện nay cũng đang có vợ, có chồng và họ cũng đang ở trong các cuộc hôn nhân của mình. Họ bị giam giữ, bị tử hình thì sau đó các quyền về tài sản, vấn đề thừa kế đều được pháp luật dự liệu và có quy định cách thức xử lý nên không có vấn đề gì phức tạp cả.

Hơn nữa, theo pháp luật hiện hành các phạm nhân không bị hạn chế quyền kết hôn, ly hôn nên đương nhiên cái gì pháp luật không cấm thì công dân có quyền làm. Đó là điều cần thiết để các quy định từ Hiến pháp được cụ thể hóa nhằm bảo vệ những quyền con người cơ bản”, LS Cao nêu quan điểm.

Nhiều nước cũng làm

Đối chiếu các quy định hiện hành, LS Lê Cao khẳng định, ở Việt Nam, các quyền như kết hôn, ly hôn đương nhiên pháp luật không cấm thì được phép làm. Tuy nhiên do luật pháp chưa quy định cụ thể nên thành ra không thực thi được trên thực tế. Do đó nhiều người sẽ thấy lạ lẫm và bất thường.

“Với các quy định mới, chúng ta sẽ có thêm các quy định cụ thể hơn để có được các trình tự thủ tục cho phạm nhân kết hôn, ly hôn thuận lợi chẳng hạn sẽ đảm bảo các quyền của họ được thực thi trên thực tế. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các quy định có tính nhân văn, bảo vệ con người và mong muốn ngày càng có nhiều hơn các quy định tiến bộ như vậy”, LS Lê Cao nói.

Vị LS cũng dẫn chứng thêm một vài trường hợp tại các quốc gia khác để thấy rằng những thay đổi trên đối với tử tù tại Việt Nam là cần thiết và thể hiện sự tiến bộ.

“Những chuyện này trên thế giới là điều bình thường nhưng ở ta lại cho là lạ lùng. Chẳng hạn chuyện bang Chính phủ Mỹ cho phép tù nhân giết người hàng loạt Charles Manson (80 tuổi) kết hôn cùng Afton Elaine Burton (26 tuổi) vào năm 2014.

Hay câu chuyện phạm nhân Anders Behring Breivik (người bị kết án vì tội giết người hàng loạt xảy ra năm 2011, làm 77 người chết và 96 người khác bị thương) đã khởi kiện Chính phủ Na Uy về điều kiện lao tù không đảm bảo và Tòa án Na Uy đã tuyên phạm nhân thắng kiện.

Những câu chuyện mà pháp luật đang hướng tới như trong Dự thảo đang được bàn luận thực chất đang cố gắng đảm bảo quyền con người được thực thi”, LS Cao nêu ví dụ.

Kết hôn để làm gì?

Đưa ra quan điểm khác, LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao thẳng thắn cho rằng quyền được kết hôn dành cho tử tù là khôn cần thiết.

“Cho tử tù kết hôn nhằm mục đích gì?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Theo ông Hùng, đưa ra thêm quyền được kết hôn đối với tử tù là rất khó, thậm chí không thể thực hiện được. Khó khăn này không chỉ đến từ các thủ tục giấy tờ mà còn xuất hiện trong cuộc sống vợ chồng, con cái sau khi kết hôn.

Ông dẫn chứng: “Thủ tục kết hôn thực sự khó khăn vì 2 người phải cùng đến UBND phường, xã để đăng ký. Việc này phải trên tinh thần tự nguyện. Quyền này bị khống chế ở trong trại thì làm sao tử tù ra UBND phường, xã được. Ai sẽ là người đăng ký cho? Đó là vấn đề hết sức phức tạp.

Hơn nữa kết hôn xong mà lại xa nhau thì không có ý nghĩa gì cả. Bởi lẽ với tử tù thì chế độ gặp vợ sẽ khó khăn hơn. Cuộc sống vợ chồng là phải cùng ăn, cùng ở, cùng có con, cùng có tài sản. Đối với việc phân chia tài sản, nếu không kết hôn mà tử tù muốn cho, tặng ai đó thì vẫn làm được. Tất cả những cái đó đều không có thì kết hôn để làm gì?”.

Nguyên thẩm phán TAND Tối cao đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên chú trọng đến quyền được phép ly hôn của những người đang chấp hành án phạt trong tù.

“Tử tù trước khi thi hành án tử hình có những vấn để cần phải thực hiện. Chẳng hạn như giải thoát cho một con người nào đó như người vợ của mình để họ có thể đi tìm hạnh phúc mới. Hoặc giải quyết vấn đề tài sản, định đoạt cho người này, người kia sau ly hôn. Tôi cho rằng đưa ra quy định cho tử tù ly hôn là nhân văn”, ông Hùng nêu quan điểm.

Hoàng Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tu-tu-duoc-phep-ket-hon-ben-my-cung-lam-3328831/