Tử tù và những sáng tạo nghệ thuật trong 72 giờ cuối cùng của cuộc đời

Với những người tù đối diện án tử, nghệ thuật là một cách thể hiện rõ bản thân, đồng thời khẳng định lại sự tồn tại của họ với những người đang sống rất xa bên ngoài ranh giới phòng giam cũng như rất lâu sau khi họ bị hành hình.

Sáng tạo nghệ thuật đôi khi có thể giống như một kiểu giải thoát cho bản thân và rất khó tìm được nơi nào mà người ta khao khát điều đó một cách mạnh mẽ hơn là phòng giam tử tù.

Với những người tù đối diện án tử, nghệ thuật là một cách thể hiện rõ bản thân, đồng thời khẳng định lại sự tồn tại của họ với những người đang sống rất xa bên ngoài ranh giới phòng giam cũng như rất lâu sau khi họ bị hành hình.

Vẽ bằng cảm xúc riêng tư

Vẽ tranh có thể là cách thể hiện những cảm xúc riêng tư cho những tử tù đang chờ ngày ra pháp trường và nhiều tác phẩm có thể đặt ra một loạt câu hỏi về ý nghĩa của sự sống. Gần 2 năm sau khi mang án tử hình, Myuran Sukumaran là tác giả nổi bật nhất trong triển lãm hội họa có tên “Ngày khác trên thiên đường” diễn ra ngay tại quê nhà của ông ở thành phố Sydney (Australia).

Các bức tranh của Sukumaran - phần lớn là chân dung - được sáng tác trong vài năm cuối đời bên trong nhà tù Kerobokan trên đảo Bali của Indonesia, nơi ông thụ án sau khi bị bắt giữ hồi năm 2005 vì có vai trò trong băng nhóm vận chuyển ma túy khét tiếng với tên gọi Bali Nine.

Myuran Sukumaran trong nhà tù Kerobokan trên đảo Bali, ngày 24-2-2012

Mối quan hệ giữa nhà tù và sự theo đuổi sáng tạo rất dài và mạnh mẽ. Trong lịch sử, viết lách thường được các tù nhân chọn có lẽ bởi việc này chỉ cần một số công cụ tối thiểu, đồng thời tác phẩm sau khi hoàn thành dễ che giấu hoặc chuyền tay nhau một cách bí mật bên trong cũng như bên ngoài phòng giam.

Ví dụ như Martin Luther King Jr. - mục sư và nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi - viết “Letter from Birmingham Jail” (tạm dịch: Lá thư từ nhà tù Birmingham) khi đang bị giam ở bang Alabama, miền nam nước Mỹ.

Hiện nay, bên trong những nhà tù ở Mỹ, châu Âu và Australia, các lớp học hội họa hay điêu khắc và công cụ sáng tác được chuẩn bị sẵn cho tù nhân nhiều hơn trước kia. Kết quả cho thấy, những chương trình này tác động tích cực và lâu dài đến hành vi của tù nhân. Tuy nhiên, thường thì các công cụ sáng tác không được phân phát đầy đủ. Khi không có đủ công cụ, tù nhân buộc phải cố gắng sáng tạo - ví dụ như màu sơn được chế biến từ kẹo nghiền nát hoặc từ cà phê bột hòa tan.

Sukumaran vẽ tranh bên trong studio ở nhà tù Kerobokan.

Margot Ravenscroft thường nhận được tác phẩm nghệ thuật từ tù nhân bị án tử hình và bà đánh giá nghệ thuật là một trong những cách tù nhân có thể sử dụng để thể hiện bản thân từ trong tù. Margot Ravenscroft là Giám đốc Amicus, tổ chức hướng đến những phiên tòa xét xử công bằng cũng như các vấn đề pháp lý khác xung quanh án tử hình ở Mỹ. Ravenscroft nhận xét: Sự thể hiện bằng nghệ thuật chính là cách để tử tù xác định bản thân là một cá nhân đồng thời là một thành viên của xã hội”. Chân dung tự họa của Myuran Sukumaran thể hiện chính xác điều đó.

Thông qua các bức tranh, Sukumaran chứng minh một hình ảnh “Myu” khác hẳn - đó là một người đàn ông chân thành, hoàn toàn khác với một chuyên gia võ thuật đáng sợ bổ nhào vào nhóm phóng viên ảnh gia trong ngày bị tuyên án tử hình hồi năm 2006. Sukumaran tiếp xúc với Quilty - một họa sỹ người Australia - năm 2013 để được tư vấn về kỹ thuật vẽ tranh. Hấp dẫn trước sự tò mò của Sukumaran và sự hết mình của anh ta trong thực hành hội họa, Quilty trở thành người thầy hướng dẫn rồi cuối cùng trở thành bạn thân của Sukumaran trong suốt 4 năm cuối đời người tử tù.

Trong 72 giờ cuối cùng của cuộc đời, Sukumaran đã vẽ một cách điên cuồng cho tới khi bị tử hình ngày 29-4-2015.

Theo Ben Quilty, Myuran Sukumaran là người đàn ông khiêm tốn, trầm tư và hoàn toàn tập trung vào thực hành sáng tạo nghệ thuật. Chính sự tận tụy như thế khiến các tác phẩm của Sukumaran được đánh giá là những tác phẩm đẹp, bất chấp chúng xuất thân từ đâu.

Các bức tranh của Sukumaran - hầu hết là vẽ chân dung - được sáng tác trong vài năm cuối đời tại nhà tù Keroboken ở Bali.

Quilty đánh giá: “Tôi cho rằng vào những khoảnh khắc chợt thức giấc, Sukumaran có cảm giác tội lỗi vì những gì ông ta đã làm với gia đình mình. Do đó, hành trình tìm kiếm một xu hướng cho bản thân có thể sẽ khiến ông ta có cơ hội làm gia đình tự hào”. Sukumaran cũng bị cuốn hút vào điều mà Quilty mô tả là “khát vọng nam tính mạnh mẽ” nhằm để lại dấu ấn bản thân. Quilty giải thích: “Myuran Sukumaran ý thức rằng việc tạo ra một tác phẩm sẽ giúp ông vượt xa khỏi cơ thể vật lý của mình”.

Muốn được coi là con người

Tù nhân chờ hành quyết ở Mỹ thường sống trong thế giới bị cô lập suốt nhiều năm dài và tác phẩm nghệ thuật của họ trở thành sợi dây sự sống kết nối với thế giới bên ngoài. Hầu hết các tác phẩm được sáng tác từ phòng giam tử tù cho thấy những khao khát về thế giới bên ngoài - động vật, cảnh quan, không gian rộng mở như liều thuốc chống lại sự cô độc mà hầu hết tử tù phải trải qua mỗi ngày.

Nhưng một số tác phẩm đột phá thể hiện hoàn cảnh khó khăn và những mối bận tâm của người nghệ sĩ. Nghệ thuật và hoạt động thường đi sánh đôi với nhau trong hội họa và tất nhiên nghệ thuật từ phòng giam tử tù cũng thể hiện những vấn đề chính trị - xã hội nhạy cảm.

Kenneth Reams.

Kenneth Reams hiện đang đợi đến ngày hành quyết ở Arkansas vì tham gia vào vụ bắn chết Gary Turner năm 1993 - mặc dù có một điều không thể bác bỏ được là Reams gây án khi chỉ mới 18 tuổi và không phải là tay súng trong vụ án. Trong hơn 2 chục năm chờ thi hành án tử hình, Kenneth Reams đã trở thành một họa sĩ và nhà thơ cho ra đời rất nhiều tác phẩm. Mỗi tác phẩm của Reams đều phản ứng với một vấn đề hoặc vụ án cụ thể liên quan đến án tử hình. Mỗi bức tranh của Reams đều mô tả những chấn song sắt nhà tù dày, dây thòng lọng, những viên đạn và chiếc ghế điện.

Tháng 11-2014, Kemmeth Reams viết cho một người ủng hộ về ý định của ông muốn sử dụng hội họa như một công cụ để giáo dục xã hội về án tử hình ở Mỹ “theo một cách hoàn toàn mới mẻ”. Reams viết: “Tôi đang bị giam trong một phòng giam nhỏ gần như 24 giờ mỗi ngày và một thế giới lớn hơn đang tồn tại bên ngoài cái hộp bé nhỏ của tôi. Tuy nhiên, từ cái hộp bé nhỏ của mình, tôi sẽ tác động đến thế giới nếu tôi có đủ thời gian”.

Nhà tù Nusa Kambangan hay còn gọi là “đảo hành quyết”.

Tại cuộc trưng bày tác phẩm của Myuran Sukumaran ở Sydney, bộ sưu tập tựa đề “72 giờ” lấp đầy một bức tường trong gallery. Trong hơn 10 năm ngồi tù trên đảo Bali ở Indonesia, Sukumaran đã làm hết sức mình để kháng cáo tới mọi nơi có thể nhận đơn dù chỉ có chút hi vọng mong manh. Ngày 5-3-2015, Sukumaran bị chuyển từ nhà tù Kerobokan đến Nusa Kambangan hay còn gọi là “đảo hành quyết”.

Ngày 25-4-2015, nhà chức trách Indonesia gửi cho Sukumaran lệnh hành quyết cưỡng bách trong vòng 72 giờ. Thời gian đó, Sukuraman đã vẽ liên tục trong trạng thái tinh thần điên loạn cho đến những phút cuối cùng. Số lượng và chất lượng các bức tranh Sukumaran vẽ trong 3 ngày cuối đời cho thấy sự thách thức không hề mỏi mệt của ông. Tiêu đề 12 bức tranh trong bộ sưu tập của Sukuraman thể hiện một dòng thác cảm xúc: “72 giờ vừa mới bắt đầu”, “Thời gian đang điểm”, “Tan vỡ”.

Những bức chân dung tự họa của ông rất khó xem vì ông thể hiện cánh tay và chân bị tù túng và móp méo. Quilty nhận định hình ảnh chân tay là dấu ấn ảnh hưởng từ họa sĩ người Ireland Francis Bacon - danh họa có tác phẩm được Sukumaran nghiên cứu vào thời gian đó. Nhưng bố cục cơ thể vặn xoắn trong các tác phẩm của Sukumaran cho thấy một người đàn ông bị nhét chặt trong không gian khung tranh hoặc có lẽ tuyệt vọng muốn cuộn mình để quay trở vào lòng mẹ.

Trong bất cứ trường hợp nào, hành động khác thường của ông trong 72 giờ cuối đời cho thấy sự lạc quan và tham vọng thường thấy trong tác phẩm của Sukumaran từ khi lần đầu tiên cầm cọ vào năm 2013.

Quilty phát biểu: “Tôi chưa từng thấy ai tiến bộ như Myuran. Ông ấy làm việc cật lực toàn thời gian, nhưng sau đó trong 72 giờ cuối đời ông đã tạo ra những tác phẩm này”. Trong cuộc điện thoại cuối cùng Sukumaran gọi cho Quilty, ông cho biết đã nỗ lực sáng tác tạo nghệ thuật đẹp nhất trong 3 ngày cuối đời và đặt câu hỏi “Thử tưởng tượng nếu tôi có thêm một vài năm nữa?”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/tu-tu-va-nhung-sang-tao-nghe-thuattrong-72-gio-cuoi-cung-cua-cuoc-doi-892516.html