Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chiến thắng Quảng Trị năm 1972

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cùng với Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết sách, tư tưởng chỉ đạo nhạy bén, sáng suốt góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, giáng đòn nặng nề vào chiến lược 'Việt Nam hóa chiến tranh', góp phần buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ký kết Hiệp định Pa-ri (27/1/1973), mở đường tiến tới thống nhất nước nhà vào mùa Xuân năm 1975.

HỒ ĐẠI NAM, UVTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Công viên Lê Duẩn ở thành phố Đông Hà trong mùa xuân mới - Ảnh: PV

Theo dõi sát những chuyển động trên chiến trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới có liên quan tới cuộc chiến Việt Nam, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nhạy bén phát hiện được thời cơ và nắm lấy thời cơ phát động cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam vào năm 1972. Xác định đúng đắn thời cơ chiến lược, sau khi soát xét lại kết quả chuẩn bị trên các chiến trường, ngày 11/3/1972, Bộ Chính trị ra Nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược toàn miền Nam năm 1972 và quyết định chọn các chiến trường: Trị - Thiên (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế); Tây Nguyên và Đông Nam Bộ làm 3 hướng tấn công chính.

Trong đó chiến trường Trị - Thiên (chủ yếu tại tỉnh Quảng Trị) được chọn làm hướng tiến công chủ yếu với quyết tâm giành thắng lợi để cùng với các hướng tiến công khác tạo ra cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho quân ta, tạo thế và lực cho ta, góp phần buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký Hiệp định Pa- ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tiếp nhận mệnh lệnh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân Quảng Trị phối hợp nổi dậy mở cuộc tiến công chiến lược. 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, bộ đội giải phóng nổ súng mở màn cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị - Thiên. Sau mở màn chiến dịch, tại nhiều nơi ở Quảng Trị, với sức tiến công mãnh liệt của quân ta, chỉ sau 2 ngày, tuyến phòng thủ của địch bị đập vỡ. Ngày 2/4/1972, toàn bộ quân địch trên tuyến Cửa Việt - Động Toàn bị quét sạch. Hai huyện Cam Lộ và Gio Linh hoàn toàn được giải phóng.

Giới tuyến quân sự tạm thời sông Bến Hải không còn là nỗi đau chia cắt đất nước, vùng giải phóng Quảng Trị mở rộng lên miền Tây đến vùng biển đã nối Vĩnh Linh với hậu phương lớn miền Bắc. Ngày 28/4 /1972, thị xã Đông Hà hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày, bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực cánh Đông, từ bàn đạp Cửa Việt tổ chức tiến công đột phá hệ thống phòng thủ của địch theo vùng đồng bằng ven biển Triệu - Hải, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thọc sâu, vu hồi, đánh hiểm vào sau lưng địch, giải phóng Triệu Phong, Hải Lăng, tạo điều kiện cùng quân và dân toàn mặt trận kết hợp tiến công nổi dậy, giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972.

Dù không trực tiếp vào chỉ đạo trên các chiến trường, nhưng trăn trở với mặt trận Quảng Trị đầy khốc liệt, đồng chí Lê Duẩn luôn liên lạc, nắm bắt, chỉ đạo sát với tình hình, đồng thời, qua những bức thư gửi cho Khu ủy và Quân khu ủy Trị Thiên - Huế, đồng chí liên tục gửi lời cổ vũ, động viên Đảng bộ Quảng Trị kiên cường vượt qua gian khổ, hy sinh, thi đua lập công.

Quảng Trị được giải phóng đã giáng đòn mạnh mẽ, làm thất bại âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Pa- ri mà giới cầm quyền Mỹ cố tạo ra trên chiến trường miền Nam. Sau thất bại thảm hại trên chiến trường Quảng Trị, tháng 6/1972, đế quốc Mỹ trong một nỗ lực tuyệt vọng, tăng cường ồ ạt lực lượng không quân, hải quân lớn chưa từng có, yểm trợ hỏa lực tối đa cho quân ngụy điên cuồng phản kích, hòng tái chiếm Quảng Trị mà trọng điểm là thị xã Quảng Trị. Một lần nữa, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị chỉ đạo quân và dân Quảng Trị tiếp tục chiến đấu giữ và bảo vệ từng mét đất, chịu mọi hy sinh, gian khổ đánh đuổi kẻ thù, làm nên kỳ tích 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.

Thắng lợi trong cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến bảo vệ vùng giải phóng đã tạo chấn động mạnh đối với nội tình nước Mỹ trong thời điểm cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của Tổng thống Níchxơn. Chiến thắng này đã cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau hiệp định Pa-ri, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Năm tháng qua đi, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Duẩn, những tình cảm, trách nhiệm của đồng chí đối với cách mạng miền Nam, cách mạng cả nước nói chung, quê hương Quảng Trị nói riêng luôn là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166739&title=tu-tuong-chi-dao-cua-tong-bi-thu-le-duan-trong-chien-thang-quang-tri-nam-1972