Tư tưởng đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 45 năm, trước lúc ra đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam bản Di chúc lịch sử. Đây là một văn kiện quý giá với sự kết tinh và hòa quyện những giá trị cao đẹp nhất của văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng để tổng kết thành một phương châm sâu sắc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Dù đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng trước lúc đi xa, Người vẫn trăn trở và căn dặn trong Di chúc: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Tư tưởng đoàn kết của Người biểu hiện nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự minh triết của nhà tổ chức cách mạng luôn đặt yếu tố đoàn kết lên hàng đầu. Theo những di huấn của Người, chỉ có "đoàn kết, đại đoàn kết" mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, mới tạo được sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, đường lối, quan điểm của Đảng thành hiện thực và mới đạt được "đại thành công".

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề "trước hết" - vấn đề tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó chính là ngọn nguồn để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, để Đảng luôn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Nhưng tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ Đảng, trong bộ máy chính quyền Nhà nước và trong toàn dân tộc, mà đã được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết quốc tế.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, của bạn bè khắp thế giới. Vì thế, Người đã bày tỏ mong muốn đến ngày thắng lợi "sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta". Đó là biểu hiện truyền thống đoàn kết, thủy chung của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tua (12-1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh...

Người chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, "giúp bạn là tự giúp mình"; coi trọng thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình thế giới. Ngay đối với Mỹ là nước đưa quân sang xâm lược Việt Nam, Người cũng nhắc nhở mỗi chúng ta phải biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, được biểu hiện thông qua bức thư gửi nhân dân Mỹ tháng 1-1962, trong đó nêu rõ: "Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù oán gì nhau. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn".

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới, với khẩu hiệu nổi tiếng: "Bốn phương vô sản đều là anh em". Tại các diễn đàn quốc tế, Người đã có cảnh báo về sự bất đồng, chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà theo đó, không chỉ làm suy giảm sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội, mà còn chia rẽ sâu sắc khối đoàn kết, thống nhất của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới; tạo điều kiện để các loại kẻ thù của cách mạng gây chiến tranh xâm lược, phá hoại môi trường hòa bình thế giới.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bản Di chúc: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em". Biết rằng không thể tiếp tục làm vị "thiên sứ cách mạng", vì vậy trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: "Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình". Cảm phục về Hồ Chí Minh, Báo Quyền lợi đỏ (Pra-ha, Tiệp Khắc cũ), ngày 9-9-1989, có bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: "Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình".

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, 45 năm qua, Đảng ta luôn phát huy chủ nghĩa quốc tế trong sáng, cao cả, thủy chung, làm hết sức mình để góp phần quan trọng xây dựng tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, tăng cường xây dựng và phát triển các quan hệ quốc tế trong tình hình mới, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã đề ra và thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại "độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Nước ta đã chủ động và tích cực hội nhập vào nền kinh tế quốc tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, các quan hệ chính trị - kinh tế đan xen, nhiều chiều...

Hiện nay, khi những điều kiện quốc tế có sự thay đổi khá nhiều so với 45 năm trước, việc nghiên cứu Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết quốc tế sẽ mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XI của Đảng đề ra. Vì vậy, trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta xác định tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các dân tộc, các tổ chức quốc tế, trên tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng, kết hợp giữa lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế, cùng nhau thực hiện những mục tiêu lớn của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới để tạo sự phát triển bền vững.

Kế thừa và phát huy tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ mới của cách mạng, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta nhất định sẽ tiếp tục tăng cường tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Tư tưởng đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi tỏa sáng, đồng hành cùng dân tộc và thời đại.

Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tu-tuong-doan-ket-quoc-te-trong-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh/