Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc - Giá trị kết tinh từ truyền thống yêu nước Việt Nam

Thấm nhuần sâu sắc các giá trị truyền thống, trước hết là truyền thống yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: 'Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước'.

Người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên

Người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên

Kế thừa và phát triển giá trị đoàn kết, tương thân, tương ái trong truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh của đoàn kết trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu của cách mạng. Khi nói về nguyên nhân chưa thành công của một số cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Vì thế, Người luôn khẳng định: “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đối với người Việt Nam, độc lập, tự do phải gắn với thống nhất đất nước. Không có gì quý hơn độc lập, tự do, nhưng độc lập, tự do phải gắn liền với nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm, đề cao những điểm tương đồng, hạn chế những điểm khác biệt (“cầu đồng, tồn dị”). Điểm tương đồng bao trùm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao để tập hợp lực lượng là “đồng bào” cùng sinh ra từ một bọc, đều là con dân nước Việt, con Lạc, cháu Hồng. Từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”.

Thực hiện nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị” thì không chỉ “cầu đồng”, mà còn phải “tồn dị”, tức là phải chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt, miễn là không tổn hại đến cái chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hòa thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán”.

Những điểm chung ấy luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Đoàn kết rộng rãi và lâu dài: Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ. Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vỹ, BĐBP Hà Giang tặng nhu yếu phẩm và trực tiếp giúp đỡ người dân xây dựng lại nhà cửa bị đổ sập do dông lốc. Ảnh: Bá Vừ

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vỹ, BĐBP Hà Giang tặng nhu yếu phẩm và trực tiếp giúp đỡ người dân xây dựng lại nhà cửa bị đổ sập do dông lốc. Ảnh: Bá Vừ

Người chỉ rõ, chúng ta giành độc lập dân tộc, bắt tay vào xây dựng chế độ mới trong tình trạng hơn 90% dân số mù chữ, vì thế, trí thức đối với nước nào cũng quý, với nước ta càng quý hơn. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần. Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa trí óc và chân tay”. Từ đó, Người kêu gọi công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”.

Truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc đã thấm vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và được biểu hiện nhất quán, xuyên suốt trong mọi suy nghĩ, hành động của Người. Với triết lý sống đề cao đạo đức, mà chuẩn mực cao nhất là yêu thương con người đã chi phối mọi suy nghĩ và hành động của Bác. Người luôn tâm niệm, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Khi nói về lý tưởng sống của mình, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã khẳng định lại: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc cùng với khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây dựng là một di sản vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc còn nhiều nội dung rất phong phú, sâu sắc. Những quan điểm đó chứa đựng những giá trị quan trọng đối với sự nghiệp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Việc đi sâu nghiên cứu tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhằm thực hiện mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dai-doan-ket-toan-dan-toc-gia-tri-ket-tinh-tu-truyen-thong-yeu-nuoc-viet-nam-post475985.html