Tư tưởng Hồ Chí Minh về 'Thi đua ái quốc' - Giá trị và sức mạnh lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua yêu nước (TĐYN), Người đã khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào TĐYN, góp phần quan trọng tạo nên những thắng lợi to lớn, mang ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Cách đây 73 năm, giữa những năm tháng gian khổ, ác liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về đẩy mạnh phong trào TĐYN để động viên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc “nhằm mục đích giữ nước, thắng địch”. Để chỉ thị nhanh chóng đi vào đời sống “kháng chiến, kiến quốc”, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, thiết thực.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài nói, bài viết sâu sắc về những vấn đề liên quan đến TĐYN. Mỗi tác phẩm của Người đều toát lên những quan điểm, tư tưởng lớn về TĐYN, đồng thời có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi tính thiết thực, dễ hiểu, dễ đi sâu vào cuộc sống, lại vừa sâu sắc, toàn diện.

Mỗi chúng ta đều tìm thấy trong di sản tư tưởng của Người về TĐYN những giá trị văn hóa từ mục đích, ý nghĩa của thi đua, bản chất thi đua, nội dung và cách thức thi đua, chủ thể thi đua, động lực thi đua… Bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương mẫu mực, sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập trong phong trào TĐYN.

 Từ các phong trào TĐYN, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.

Từ các phong trào TĐYN, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, biểu dương, khen thưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua ái quốc là nhằm: “Chiến thắng giặc thực dân, chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói, chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” làm cho nước nhà mau giành được độc lập, tự do, tiến lên giàu mạnh, phồn vinh, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, theo Người, phong trào TĐYN cần phát huy sức mạnh toàn dân, được sự tham gia tích cực của nhân dân, trở thành phong trào hành động cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực tiễn lịch sử luôn khẳng định, lực lượng có sức mạnh vô địch trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc đó chính là nhân dân. TĐYN có trở thành phong trào cách mạng hay không, có mang lại lợi ích thiết thực hay không phụ thuộc vào quần chúng nhân dân. Nếu không có sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, không được nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia thì phong trào TĐYN không thể tồn tại và phát triển.

Quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong phong TĐYN, soi sáng cho phong trào, đưa phong trào tiến lên ngang tầm đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử qua các thời kỳ cách mạng.

Thực hiện lời giáo huấn đó của Người, phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp các vùng miền và thu hút mọi giai tầng tham gia. Phong trào TĐYN luôn được dẫn đường, thúc đẩy bằng những tấm gương điển hình, mang lý tưởng chính trị tốt đẹp, đạo đức trong sáng, bằng khát vọng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người chỉ dạy: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau chóng thành công”. Cán bộ, chiến sỹ thi đua phải là người kiểu mẫu, là đầu tàu, giàu tinh thần trách nhiệm, “là những con người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”.

Thực hiện chỉ dẫn của Người, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã xuất hiện hàng triệu tấm gương sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn và chiến tranh ác liệt, hình ảnh người cán bộ, đảng viên, những anh hùng, chiến sỹ thi đua là niềm tin, nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến.

Hơn 70 năm đã đi qua, càng khẳng định giá trị lịch sử to lớn và sức sống mãnh liệt, trường tồn của “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giáo huấn của Người về TĐYN vẫn là ngọn hải đăng cho phong trào TĐYN, cho sự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các giai tầng xã hội để tạo nên những vườn hoa thi đua ái quốc, tiếp tục tạo ra động lực tinh thần quý báu, tạo thành sức mạnh tổng hợp, là yếu tố quan trọng để toàn dân tộc đoàn kết, chung sức thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức lớn đan xen, TĐYN càng có vị trí quan trọng. TĐYN đã có tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh. Phong trào TĐYN đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, bám sát thực tiễn. Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng (TĐ-KT) từng bước được hoàn thiện. Công tác TĐ-KT đã động viên, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn.

Tuy nhiên, phong trào TĐYN, công tác TĐ-KT vẫn có mặt, nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị khóa IX đã chỉ rõ: “Công tác TĐ-KT và phong trào TĐYN đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém… Vai trò của các tổ chức trong công tác thi đua ở cơ sở chưa được phát huy mạnh mẽ. Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến…”.

Để góp phần khắc phục những hạn chế của công tác TĐ-KT và phong trào TĐYN hiện nay, rất cần sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc. Đồng thời, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện thực tiễn phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT qua các giai đoạn cách mạng, trong đó quan tâm thực hiện một số giải pháp chủ yếu:

Tiếp tục phát động các phong trào TĐYN sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Đề cao trách nhiệm tập thể, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các phong trào thi đua.

Tổ chức xác định các nội dung thi đua phù hợp và phát động các phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, gắn việc coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các nội quy, quy chế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong các phong trào thi đua.

Đổi mới công tác thi đua trên cả ba mặt: tổ chức, phong trào và các giải pháp, làm cho phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy mọi tập thể, cá nhân trong toàn xã hội thực hiện tốt mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.

Trong tổ chức phong trào thi đua, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực; sâu sát, cụ thể từng khâu, từng địa bàn, đối tượng nhằm quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với phương châm hành động của Chính phủ đã đề ra “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Coi trọng sức mạnh của sự nêu gương trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong phong trào TĐYN, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn truyên truyền”. Bởi vậy, trong TĐYN, phải “lấy gương người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc ngày nay đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hưởng ứng và làm sâu sắc hơn, được cụ thể hóa trong các cương lĩnh, chương trình hành động xây dựng đất nước. Giá trị và sức lan tỏa về tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào TĐYN hiện nay là vô cùng to lớn. Tư tưởng thi đua ái quốc của Người đang thúc giục các thế hệ hôm nay hãy mang trong mình một khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên chinh phục thế giới, vì một Việt Nam hùng cường.

Mai Xuân Toàn

Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202106/ky-niem-73-nam-ngay-bac-ho-ra-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-11-6-1948-11-6-2021-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-thi-dua-ai-quoc-gia-tri-va-suc-manh-lan-toa-trong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-hien-nay-2190103/