Tư tưởng thân dân trong sáng tác của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh

Sự phát triển của tư tưởng thân dân từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, sau này là Nguyễn Trãi vừa là sự tiếp nối, phát triển của truyền thống gia đình, vừa là sự phát triển mang tính chất thời đại. Nghiên cứu tư tưởng thân dân của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh sẽ thấy được bước phát triển tư tưởng thân dân trong giai đoạn văn học từ TK XIV sang TK XV.

Nguyễn Trãi khóc cha là Nguyễn Phi Khanh tại ải Nam Quan (Ảnh: Vietlist.us).

Nguyễn Trãi khóc cha là Nguyễn Phi Khanh tại ải Nam Quan (Ảnh: Vietlist.us).

1. Tư tưởng thân dân của Trần Nguyên Đán

Trần Nguyên Đán (1325 - 1390) hiệu Băng Hồ, quê ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam hạ, nay thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cha là nhập nội Thái bảo Uy Túc Hầu Trần Văn Bích, cháu 4 đời của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, cháu 5 đời vua Trần Thái Tông. Là con một gia đình quý tộc thuộc dòng dõi vua Trần, từ nhỏ, Trần Nguyên Đán thông minh hơn người, giàu lòng nhân ái, tính cách khiêm nhường, cầu thị, luôn kiên trì học tập, rèn luyện. Đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), ông được bổ nhiệm chức Đại phu Ngự sử đài, chuyên việc can gián. Năm 1369, ông có công dẹp loạn Dương Nhật Lễ, khôi phục cơ nghiệp nhà Trần. Năm 1371, Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính, tước Chương túc Quốc thượng hầu kiêm quân quản trấn Quảng Oai, phụ trách công việc bang giao với các nước. Ở cương vị nào, ông đều dành hết tâm huyết, tài năng, trí tuệ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Trong Chuyện cũ cụ Băng Hồ, Nguyễn Trãi đã viết về ông ngoại mình như sau: “Giữ vững cơn lay động, gỡ mối âu buổi rối ren, trong khoảng mấy năm nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng, dù trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng”.

Bên cạnh đóng góp về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao, Trần Nguyên Đán còn là một nhà văn hóa lớn đời hậu Trần. Ông từng đọc đến Tam vạn quyển thư, thông hiểu kinh sách, nghiên cứu sâu sắc các học thuyết Nho, Phật, Lão. Ông còn là nhà lịch pháp lớn đầu tiên của nước ta quan tâm nghiên cứu nông lịch. Trước tác của ông có Bách thế thông khảo, Băng Hồ ngọc hác tập… hiện còn 51 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Khi triều Trần suy tàn, Hồ Quý Ly tiến cử nhiều ngoại thích vào triều, ông can ngăn nhưng vua không nghe nên xin về nghỉ ở núi Côn Sơn (1385), sống ẩn dật, vui với trúc thông, thơ phú. Ngày 14 - 11 năm Canh Ngọ (1390), Tư đồ Trần Nguyên Đán mất tại Côn Sơn, hưởng thọ 66 tuổi. Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ, Trần Nguyên Đán được bổ nhiệm làm quan từ khi còn trẻ. Ông hăng hái mong được đem hết sức mình phục vụ đất nước, đáp đền ơn vua, sẵn sàng xông vào nơi nguy hiểm vì nhân dân:

Trong số 51 bài thơ của Trần Nguyên Đán trong Toàn Việt thi lục, ngoài những bài thù tạc, ngâm vịnh, phần lớn những bài gan ruột nhất, hay nhất, là những bài ông thao thức, trăn trở nghĩ về thế sự, nghĩ về nỗi khổ của người dân đương thời, thân phận họ chẳng khác gì cá bị nấu trong vạc nước sôi:

Nhân dân muôn nước như cá trong vạc nước sôi

Đất Yên ở phương Bắc, đất Biện ở phương Đông đã thành gò hoang.

Thuyền về chưa yên giấc mộng sông hồ

Mượn ánh đèn chài soi đọc cuốn sách cổ…

(Dạ quy chu trung tác)

Nỗi khổ mà nhân dân cuối đời Trần phải chịu đựng đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong lòng Trần Nguyên Đán. Ông đau cùng nỗi đau mất mùa của dân, cảm thấy dân mất mùa là mình có lỗi:

Năm nay mùa hè bị hạn, mùa thu bị lụt,

Lúa khô, mạ hỏng tổn hại càng nhiều

Đọc ba vạn quyển sách cũng không dùng vào đâu

Bạc đầu luống phụ lòng yêu dân

(Nhâm Dần niên lục nguyệt tác)

Bài thơ là tiếng nói cất lên từ trái tim nhân hậu của Trần Nguyên Đán. Tinh thần nhân đạo, yêu thương nhân dân ấy đã ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm con rể ông là Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi.

Trước thực trạng dân đói, nước loạn, xã hội khủng hoảng, suy vi cuối thời Trần, Trần Nguyên Đán ước mơ xã hội có những người tài năng, có đạo đức để gánh vác sơn hà. Trần Nguyên Đán tin tưởng vào tài năng của những người sau như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Hán Anh. Ông luôn gửi gắm, ủy thác trách nhiệm cứu nước giúp dân đối với họ. Tư đồ viết: “Yên dân, giúp đời sự nghiệp của các người” (Họa Hồng châu Kiểm chính vận). Băng Hồ luôn mơ ước xã hội có nhiều người tài được trọng dụng, hiền sĩ gánh vác trách nhiệm. Thế nhưng giai cấp thống trị lại bảo thủ, cố chấp, không biết sử dụng hiền tài. Điều đó làm cho Trần Nguyên Đán thất vọng, ngậm ngùi, chỉ biết gửi tâm trạng, tư tưởng của mình vào thơ:

Một chén gượng say để đáp lại tiết vui

Chẳng ngại gì lau sậy có móc trắng rơi

(Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tác)

Biết trước cơ nghiệp nhà Trần sắp hết, là một đại thần, hơn nữa, là một tông thất, nhưng Băng Hồ tướng công cũng không thể xoay sở, đành nhắm mắt buông xuôi mà buột những lời than thở:

Thuyền về chưa yên giấc mộng sông hồ

Mượn ánh đèn chài soi đọc cuốn sách cổ…

(Dạ quy chu trung tác)

Rời bỏ triều đình, trở về ẩn dật nhưng Trần Nguyên Đán lúc nào cũng quan tâm đến việc đời, vận nước, lo cho cuộc sống nhân dân, luôn day dứt vì nỗi bất lực của mình: “Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son , Sự đời bối rối, muôn việc khó khăn” (Mậu Thân chính nguyệt tác). Ông thẹn với lòng mình, cố chìm vào giấc ngủ để quên đi tất cả mọi sự trên đời:

Ban ngày bay lên trời còn dễ

Giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó

Sáu mươi năm sống trong cõi trần

Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng

(Đề Huyền Thiên quán)

Với công lao to lớn đóng góp cho lịch sử dân tộc, tư tưởng yêu nước thương dân tiến bộ thể hiện trong những sáng tác văn thơ của mình, Trần Nguyên Đán xứng đáng là một danh nhân văn hóa, một tác giả Hán - Nôm tiêu biểu cuối thời Trần.

2. Tư tưởng thân dân của Nguyễn Phi Khanh

Nguyễn Phi Khanh (1355 - 1428), tên thật là Nguyễn Ứng Long, hiệu Nhị Khê. Ông vốn quê ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, trấn Kinh Bắc (nay là xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương), sau di cư vào Sơn Nam Thượng (nay là xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội). Ông là gia sư sau trở thành con rể quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Hôn nhân giữa Nguyễn Phi Khanh và tiểu thư quan Tư đồ Trần Thị Thái là một điều táo bạo, vượt qua bao rào cản, luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến đương thời. Nếu không có tấm lòng nhân hậu, bao dung, cái nhìn vượt thời đại của Trần Nguyên Đán chắc không thể có một nhân tài kiệt xuất như Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ vào năm Giáp Dần (1374). Nhưng vì không thuộc dòng dõi tôn thất nên ông không được bổ dụng làm quan, chỉ được giữ một chức học quan nhỏ là kiểm chính.

Là một nhân sĩ có tài đức, có chí khí, khi nhà Hồ thay nhà Trần, Nguyễn Phi Khanh được bổ nhiệm nhiều chức quan có vị trí quan trọng dưới triều Hồ. Năm 1407, khi giặc Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt, giải về phương Bắc. Nhiều nguồn tư liệu xác nhận, ông mất ở Kim Lăng (Trung Hoa), thọ 73 tuổi. Về sự nghiệp sáng tác, ông để lại 76 bài thơ chữ Hán.

Tư tưởng thân dân của Nguyễn Phi Khanh trước hết thể hiện ở niềm thương cảm đối với cuộc sống lam lũ, khổ cực của nhân dân. Nguyễn Phi Khanh hướng về nhân dân với một tấm lòng rộng mở, không chỉ xót thương cho thân phận, mảnh đời nhỏ bé mà cho cả “muôn họ”, với một quan niệm đầy tình người vì họ “đều là đồng bào của ta”. Cái đói rét hằn lên trên khuôn mặt đói nghèo của người dân khiến ông day dứt: “Chỉ xót thương cho muôn họ đều là đồng bào của ta, Dưới những mái nhà chen chúc của ai kia, khuôn mặt nào cũng rét buốt” (Thù Đạo Khê Thái học Xuân hàn vận). Xót thương cho nhân dân phải chịu cảnh thiên tai khắc nghiệt, mất mùa, đói kém, nhà thơ ước mong có “một trận mưa của trời gieo khắp ơn sâu”. Càng xót đau hơn khi người dân phải chịu cảnh bóc lột, vơ vét của quan lại. Trong một bài thơ chúc tết đầu năm dành cho vị nhạc phụ đáng kính, Nguyễn Phi Khanh đề cao tài đức cứu dân, cứu nước của cha nhưng cũng gửi gắm tấm lòng thiết tha của mình với muôn dân: “Chúc tụng đây há phải vì tình riêng của kẻ sĩ dưới trướng, mà chỉ vì tấm lòng thắm thiết yêu thương dân” (Nguyên nhật thướng Băng Hồ Tướng Công). Từ nhận thức về hiện thực cuộc sống khổ cực, lam lũ của người dân, Nguyễn Phi Khanh chỉ ra nguyên nhân của những đau khổ ấy. Chính xã hội suy vi cuối thời Trần đã gây nên cuộc sống đói kém, mất mùa, hạn hán. Quan lại tham tàn vơ vét, đã giàu càng giàu, dân chúng đã nghèo lại càng nghèo: “Muôn dân cơm áo chực nhao nhao, Vàng bạc nhà ai sánh núi cao!” (Hồng Châu Kiểm chính dĩ dư vận tác thuật hoài kiến phúc, dụng kỳ vận dĩ tặng).

Phương diện thứ hai trong tư tưởng thân dân của Nguyễn Phi Khanh là nỗi lòng mong ước cuộc sống thái bình, thịnh trị cho người dân. Sống trong hoàn cảnh xã hội tăm tối của triều đình cuối thời Trần nhiều éo le, ngang trái, đảo điên, Nguyễn Phi Khanh vẫn luôn theo đuổi lý tưởng “minh đức tân dân” (làm sáng đức để cải thiện cuộc sống cho người dân). Trong rất nhiều bài thơ, Nguyễn Phi Khanh thể hiện niềm mong ước người dân có cuộc sống yên bình, tương lai tốt đẹp: “Mong sao thân này như cái ống bễ, Thổi ngọn gió hòa vào khắp lòng người chín châu” (Xuân hàn); “Xin nhờ thượng giới đêm trong sáng, Soi thấu nhân gian nỗi khổ sầu” (Trung thu cảm sự). Đó không chỉ là khát vọng thay đổi hoàn cảnh mà còn là tấm lòng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Nguyễn Phi Khanh tự vấn lòng và thấy mình còn mắc nợ dân: “Than ôi! Cuộc đời như vậy, ta biết tính sao đây?, Ba lần vỗ sách cũ mà ngâm thơ Đại Đông” (Thu nhật hiểu khởi hữu cảm). Chính vì câu hỏi đầy day dứt ấy, ông ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người trí thức với đất nước, với nhân dân: “Đời thịnh trị, chúa có đoái trông đến vật bị vứt bỏ còn sót lại, Thì xin nguyện đem tài mọn văn đến tận thôn xóm” (Hạ trung thư thị lang). Trong khoảng thời gian ngắn được đắc dụng dưới triều Hồ, Nguyễn Phi Khanh hăng hái “bàn kế hoạch ra tay giúp nước”. Ông còn đưa ra những lời khuyên quý giá đối với vị vua tài năng Hồ Quý Ly.

Sự phát triển của tư tưởng thân dân từ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, sau này là Nguyễn Trãi vừa là sự tiếp nối, phát triển của truyền thống gia đình, vừa là sự phát triển mang tính chất thời đại. Nghiên cứu tư tưởng thân dân của Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh sẽ thấy được bước phát triển tư tưởng thân dân trong giai đoạn văn học từ TK XIV sang TK XV. Đến Nguyễn Trãi, tư tưởng thân dân đã trở thành một tư tưởng tiến bộ, có hệ thống. Người dân không chỉ là đối tượng cảm thương mà còn có một vai trò, sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

Đinh Thị Phương Thu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tu-tuong-than-dan-trong-sang-tac-cua-tran-nguyen-dan-nguyen-phi-khanh-67197