Tư tưởng và hành động: Minh triết Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của không chỉ đồng bào các dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, bởi Người là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, trí tuệ minh triết cùng phẩm cách sáng ngời.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tất cả là vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân, Di chúc của Bác thể hiện rõ điều này: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cuộc đời hoạt động của Người, tấm gương đạo đức của Người, tư tưởng và hành động của Người là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với phong trào cách mạng, có sức cảm hóa không chỉ với người dân Việt Nam mà cả với loài người tiến bộ và sự kính trọng Người không chỉ ở người Việt, bạn bè mà cả đối phương.

Trong cuốn Một số cảm nhận về Tư tưởng – Hành động của Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2012), tác giả Đoàn Duy Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trí thức yêu nước, hiểu biết sâu rộng và hành động thiết thực, mà hầu hết nhân dân ta nhìn thấy, nghe thấy những hành động cụ thể của Người đã biến thành lý luận đi vào tâm thức của con người Việt Nam. Người luôn luôn nhìn xa trông rộng. Để đảm bảo thắng lợi cách mạng, Người thường xuyên coi trọng việc giáo dục đạo đức. Đạo đức đã trở thành tư tưởng, thành lý luận đặc trưng của Hồ Chí Minh mà chính Người là hiện thân, là tấm gương sáng ngời về đạo đức.

Cụ Hồ đã đề ra khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Khẩu hiệu đó đã biến thành hành động cụ thể và trở thành thói quen từ khi Cụ còn ở nước ngoài. Tâm trí đó, khi con người được rèn luyện để chuyển việc coi trọng lợi ích cá nhân sang động cơ tìm lợi ích cho tập thể, cho cộng đồng thì việc thực hiện khẩu hiệu trên “dễ như trở bàn tay”, ngược lại, chỉ vì lợi ích cá nhân thì khó như “chuyển núi Thái Sơn qua biển Bắc Hải” vậy.

Tám chữ đó, Cụ Hồ làm cho cán bộ hiểu rõ, vì cán bộ là yếu tố quyết định, nhất là cán bộ chủ chốt, đặc biệt là cán bộ đứng đầu một nước, một ngành, một tổ chức quần chúng. Cán bộ phải hiểu và hành động cụ thể, mình làm trước, truyền đạt cho người khác làm, đó là chân thật, không lừa dối quần chúng…”.

Sinh thời, Bác đã liệt kê một loạt các thói tật mà Người đánh giá còn nguy hiểm hơn kẻ thù bên ngoài. Theo Bác, thói tật đó là: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, kéo bè kết cánh, trù dập, dìm người giỏi, quân phiệt, quan liêu, bàn giấy, hẹp hòi thiển cận, kém tri thức, ích kỷ, tha hóa (tha hóa được Người dùng với nghĩa rộng, xa rời lý tưởng), địa vị, tự kiêu, óc lãnh tụ, công thần, vô kỷ luật, tham tiền tài danh vọng, xa xỉ, xu nịnh và ưa xu nịnh… Người cho rằng, để ngăn ngừa và chữa trị những thói hư tật xấu và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải đồng thời làm tốt cả hai việc: Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng trên cơ sở thường xuyên được kiểm tra, giám sát của nhân dân. Hai là, thói hư tật xấu chỉ có thể bị đánh bại bởi cơ chế quản lý, tính khoa học của bộ máy và cơ bản nhất, là bởi nền dân chủ.

Những thói hư tật xấu được Người nhắc đến từ hàng chục năm trước; những giải pháp xây dựng Đảng cầm quyền của Bác giờ vẫn nguyên giá trị.

Kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Bác, khắc họa vài nét về tư tưởng – hành động của Bác để thấy Hồ Chí Minh là nhà lý luận thông qua hành động, lý luận Hồ Chí Minh chính là hành động của Người.

Hy vọng, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về chỉnh đốn Đảng và công tác chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, bất kể ai, kể cả đã nghỉ sẽ tạo nên sức sống mới, sức mạnh mới của Đảng ta.

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tu-tuong-va-hanh-dong-minh-triet-ho-chi-minh-post19390.html