Từ ứng phó đến hành động sớm

Địa hình chia cắt, hệ thống sông suối dày đặc, tỉnh Tuyên Quang nằm trong khu vực thường xuyên bị tác động từ thiên tai. Đặc biệt, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết bất thường, nhiều loại hình thiên tai xuất hiện. Để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân, tỉnh, các địa phương đã chủ động hành động sớm nhằm giảm thiểu tác động, mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiên tai diễn biến bất thường

Hàng năm, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra 4 loại hình thiên tai chủ yếu: Hạn hán; sét, mưa đá kèm gió lốc; sạt lở đất, lũ quét và ngập úng. Điều đáng lo ngại là các loại hình thiên tai đang có xu hướng diễn biến bất thường, với mức độ, tần suất cao và khó dự đoán.

Cán bộ huyện Sơn Dương diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn .

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, thiên tai, sạt lở đất và lũ quét xảy ra là điều không ai mong muốn, nhất là giai đoạn hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, những trận mưa bão, gió lốc đã tác động nặng nề đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, thiên tai đã làm 1.064 nhà ở của các hộ dân bị đổ sập, tốc mái và hư hỏng; 12 trường học và điểm trường, 4 công trình giao thông, công trình công cộng bị thiệt hại; hơn 2.000ha lúa, 1.000ha cây ăn quả, 1.000ha ngô và cây rau màu… bị đổ gãy, vùi lấp thiệt hại; 92 con trâu, bò, 1.100 con gia cầm bị chết…

Ngay tại thời điểm này, các hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xuất hiện tác động rất xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trận dông lốc rạng sáng 8-5 vừa qua, tại một số địa phương, tuy không thiệt hại về người nhưng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở một số địa phương. Tại huyện Sơn Dương, mưa to, gió lốc gây thiệt hại về nhà ở, công trình phụ, nông nghiệp và tài sản của nhân dân các xã Tân Trào, Trung Yên, Lương Thiện, Tú Thịnh, Minh Thanh. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện 60 nhà bị tốc mái, vỡ mái do cây đổ vào nhà; gần 35 ha cây ngô, lúa, cây lâm nghiệp và cây ven lộ bị gãy đổ. Dông lốc cũng làm 26 nhà dân của xã Bình An (Lâm Bình) bị tốc mái và 1 nhà có nguy cơ đổ sập cùng hàng chục diện tích lúa, ngô của người dân bị hư hại.

Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia nhận định, năm nay sẽ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường. Các đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng khô hạn kèm theo đó là hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá, gió bão, sạt lở đất sẽ diễn ra với tần suất và mức độ lớn hơn, rất khó dự đoán. Do đó, các địa phương cần sớm có kế hoạch chủ động ứng phó với mọi loại hình thiên tai.

Huyện Hàm Yên trồng rừng, phủ xanh đất trống, giảm nhẹ thiên tai.

Hành động sớm

Tăng cường công tác phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ngày 6-5, Tỉnh ủy đã có công văn yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đảm bảo phù hợp hiệu quả với từng tình huống cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể chi tiết với phương châm “4 tại chỗ” “3 sẵn sàng”, đảm bảo ứng phó hiệu quả với các tình huống mưa, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... kịp thời chỉ đạo, khắc phục những thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống, các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tỉnh đã và đang thực hiện giải pháp, hành động sớm, tập trung vào việc di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức diễn tập nhằm chủ động trong mọi tình huống, đồng thời tập trung trồng, phát triển rừng... để phòng, tránh giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ban chỉ huy Quân sự huyện Sơn Dương diễn tập phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, tỉnh rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm cho cả giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đã thực hiện bố trí ổn định nơi ở cho 1.959 hộ, trong đó, ổn định tập trung 311 hộ; xen ghép 694 hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ di dời 79 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tỉnh cũng đã lắp đặt trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo sớm thiên tai vào hệ thống thông tin chung của tỉnh, đồng thời tiến hành sửa chữa, xây dựng công trình phòng chống thiên tai. Tổng hợp sơ bộ đã 61 trạm đo mưa tự động được lắp đặt ở khắp các địa phương. Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh khẳng định, có trạm đo mưa tự động đã giúp ngành tổng hợp chính xác lượng mưa, từ đó đưa ra dự báo để các địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống.

Chủ động trong mọi tình huống, Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai tỉnh yêu cầu lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện... Các cơ quan chuyên môn như Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... thường xuyên kiểm tra rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi, đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Song song với các giải pháp trước mắt, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, duy trì độ che phủ rừng. Đây được coi là giải pháp bền vững nhất, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng mới trên 11.500 ha rừng, duy trì hiệu quả trên 190.000 ha rừng trồng sản xuất, chưa kể hàng trăm nghìn ha rừng phòng hộ được bảo vệ chặt chẽ; tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt trên 65%, đứng TOP đầu trong cả nước.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, với các giải pháp trước mắt và lâu dài tỉnh đã giảm thiểu được tác động cũng như mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tu-ung-pho-den-hanh-dong-som-174950.html