Từ văn học đến điện ảnh

Trong khuôn khổ tuần lễ văn học Pháp vừa diễn ra, Idecaf và Viện Pháp tại TPHCM đã tổ chức buổi giao lưu 'Từ văn học đến điện ảnh' giữa đạo diễn nổi tiếng David Foenkinos và công chúng Việt Nam.

Trong khuôn khổ tuần lễ văn học Pháp vừa diễn ra, Idecaf và Viện Pháp tại TPHCM đã tổ chức buổi giao lưu “Từ văn học đến điện ảnh” giữa đạo diễn nổi tiếng David Foenkinos và công chúng Việt Nam.

Phải có sự sáng tạo

David Foenkinos được biết đến trước tiên qua vai trò là một nhà văn. Ông được xem như là một trong những nhà văn đương đại có sức ảnh hưởng lớn đến văn học Pháp. Độc giả Việt Nam đã từng biết đến ông qua các tiểu thuyết Mối tình Paris, Chỉ vì vợ tôi gợi tình. Tác phẩm Chỉ vì vợ tôi gợi tình đã được giải thưởng Roger – Nimier còn Mối tình Paris giúp ông ghi tên mình vào hàng ngũ những nhà văn nổi tiếng thế giới. Ngày 14/11 vừa qua, tiểu thuyết Charlotte của ông cũng chính thức được phát hành tại Việt Nam.

Tiểu thuyết Mối tình Paris của tác giả David Foenkinos rất thành công khi chuyển thể thành phim.

Foenkinos không chỉ là một nhà văn mà còn là một nhà biên kịch điện ảnh, sân khấu và đạo diễn tài năng. Ông cũng là người tự mình chuyển thể tác phẩm Mối tình Paris sang kịch bản điện ảnh và chính ông đảm nhiệm luôn vai trò đạo diễn của bộ phim. Phim đã gặt hái được sự thành công lớn tại Pháp, nhận được đề cử giải César dành cho phim đầu tay và kịch bản chuyển thể xuất sắc vào năm 2009.

Dù đã đạt được sự thành công đặc biệt trong công việc chuyển thể, nhưng tại buổi giao lưu vừa rồi, Foenkinos cho rằng việc một tác phẩm văn học hay chưa chắc sẽ thành công khi được chuyển thể sang kịch bản phim. Vì thế, nhà văn một khi đã chấp nhận bán bản quyền tác phẩm của mình để chuyển sang kịch bản điện ảnh thì hãy chấp nhận khả năng thất bại và đừng buồn phiền về điều đó.

Bản thân Foenkinos biết rõ biên kịch khi chuyển thể tác phẩm văn học sẽ sáng tạo thêm một lần nữa sao cho kịch bản phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh vì ông cũng đã viết lại một kịch bản mới hoàn toàn khi chuyển thể tác phẩm văn học của mình. Nói một cách khác, một tác phẩm văn học sau khi được chuyển thể không còn thuộc về nhà văn và nếu biên kịch điện ảnh kém thì danh tiếng của tác phẩm văn học không đủ sức để giúp cho bộ phim thành công.

Có một sự ngẫu nhiên khi buổi giao lưu “Từ văn học đến điện ảnh” diễn ra thì đạo diễn Victor Vũ đang tiến hành tuyển diễn viên cho bộ phim Mắt biếc được chuyển thể từ kịch bản văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Victor Vũ cho biết: “Nhiều năm trước, khi nhận được kịch bản chuyển thể Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đọc xong thì tôi thấy có quá nhiều tuyến nhân vật nên tạm gác lại một thời gian vì chưa biết sẽ kể theo tuyến nhân vật nào. Về sau, tôi tìm mua và đọc nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, cảm xúc trỗi dậy nên tôi cùng Đoàn Nhật Nam viết lại kịch bản lần thứ hai, tập trung vào tình cảm anh em”.
Phim thành công ngoài dự kiến, tạo thêm động lực cho vị đạo diễn này chuyển thể một tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh là Mắt biếc.

Các yếu tố thành công

Nhiều người cho rằng thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là minh chứng phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng sẽ tận dụng được lợi thế có sẵn và dễ thành công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng người đọc sách văn học luôn ít hơn số lượng người xem phim hoặc theo dõi các loại hình nghe nhìn khác. Vì vậy, khi một bộ phim được chuyển thể và cuốn hút được khán giả thì tự thân nó phải hay chứ không thể chỉ dựa vào danh tiếng của tác phẩm văn học. Ngoài ra, phim thành công về doanh thu còn phải nhờ vào nhiều lý do khác. Theo Victor Vũ, nguyên nhân chính giúp cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thành công là nhờ đánh trúng xu hướng hoài niệm các giá trị cũ, mà cụ thể là những gì thuộc thập niên 1980. Vào thời điểm phim phát hành, các quán cà phê hay quán ăn với phong cách của thập niên 1980, rồi các kỷ vật trưng bày của thập niên này rất thu hút giới trẻ. Bộ phim mang hình ảnh mộc mạc, giản dị của thập niên 1980 vô tình ra đời ngay thời điểm này đã như một thỏi nam châm thu hút khán giả.

Một cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ.

Do đó, nói phim chuyển thể đang là gu thưởng thức của công chúng trong thời điểm hiện tại có lẽ chưa chính xác. Điều quan trọng là câu chuyện và hình ảnh phim có đánh trúng tâm lý người xem hay không. Với Mắt biếc chuẩn bị bấm máy, Victor Vũ vẫn bám sát vào những vấn đề gần với tâm lý người xem chứ không tiên đoán chắc chắn công chúng thích gì. Mắt biếc là tập hợp rất nhiều truyện ngắn, sau nhiều năm nghiền ngẫm tác phẩm văn học này, Victor Vũ chọn lọc lại một vài nhân vật và nén các câu chuyện khác nhau thành một câu chuyện xuyên suốt. Đây là một thách thức rất lớn và nó cho thấy biên kịch và đạo diễn phải sáng tạo không khác một kịch bản phim không thuộc dạng chuyển thể. Phim hay hoặc dở cũng xuất phát từ đây chứ không thuộc về tác phẩm văn học nữa.

Đạo diễn của phim chuyển thể thường gặp áp lực so sánh với danh tiếng của tác phẩm văn học. Nếu phim hay sẽ bị đánh giá là nhờ ăn theo nội dung của tác phẩm văn học vốn đã hay sẵn nhưng nếu phim dở thì sẽ bị chê là bất tài bởi vì có cốt truyện hay mà không biết cách làm cho phim hay. Tuy nhiên, ít ai hiểu rằng ngôn ngữ viết của văn học rất khác ngôn ngữ hình ảnh của điện ảnh. Có khi tình huống trong văn học rất hay nhưng không thể diễn tả bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Nguyễn Huy

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tu-van-hoc-den-dien-anh/