Tư vấn pháp luật cho người dân vùng sâu, vùng xa

Mặc cho những cơn mưa dầm những ngày đầu tháng 8, các luật gia, luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh vẫn lên đường đến các vùng sâu, vùng xa của huyện Xuân Lộc để tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp lý miễn phí cho người dân, trong đó có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa trái) tư vấn pháp luật cho ông Liềng A Phúc (ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc). Ảnh:Đ.Phú

Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa trái) tư vấn pháp luật cho ông Liềng A Phúc (ngụ xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc). Ảnh:Đ.Phú

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, đây là chương trình phối hợp tuyên truyền pháp luật giữa trung tâm và Ban Dân tộc tỉnh. Dù trời mưa gió nhưng số lượng người dân đến tham dự các buổi tuyên truyền pháp luật tại UBND các xã rất đông.

* “Gỡ rối” giúp dân

Ngoài tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về: an toàn giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, biển đảo, hôn nhân - gia đình..., các luật gia, luật sư Hội Luật gia tỉnh đã đặt bàn tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho hơn 30 trường hợp liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình, chính sách dân tộc, người có công...

Nhiều trường hợp đã được các luật gia, luật sư tư vấn, hướng dẫn các thủ tục để hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Cụ thể như trường hợp của ông Liềng A Phúc (46 tuổi, dân tộc Hoa, ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc). Nhờ các luật sư tư vấn, hướng dẫn, ông Phúc mới biết thủ tục điều chỉnh lại tên cho cha ông trên giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho đúng với tên trong giấy khai sinh và Huân chương Kháng chiến hạng Ba để cha của ông được hưởng chính sách bảo hiểm y tế cho người có công.

“Tôi đã đi một số nơi hỏi làm thủ tục điều chỉnh tên cho cha mình, cán bộ có hướng dẫn nhưng còn chung chung, khó hiểu. Nay được luật sư chỉ cách vừa nhanh, gọn và đơn giản nên tôi sẽ đi làm thủ tục để chỉnh sửa đúng cái tên cho cha của mình” - ông Phúc nói.

Một số trường hợp còn gặp luật sư, luật gia để “gỡ rối” những vướng mắc pháp lý trong cuộc sống. Ông Trần Văn Phú (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) đã gặp riêng luật sư để kể về hoàn cảnh của con gái ông. Chị này thường bị chồng bạo hành, hiện muốn làm thủ tục ly hôn nhưng không được vì chồng giữ hết giấy kết hôn, hộ khẩu, giấy khai sinh của con.

“Luật sư hướng dẫn tôi mới biết thủ tục rất đơn giản, chỉ cần liên hệ với bộ phận tư pháp - hộ tịch, Công an xã để xin trích lục lại bản gốc giấy kết hôn, giấy khai sinh, hộ khẩu của con gái tôi. Sau đó ra tòa án làm thủ tục ly hôn. Nghe vậy tôi như trút được nỗi lo trong lòng” - ông Phú chia sẻ.

* Tăng cường tuyên truyền pháp luật

Từ đầu tháng 8 đến nay, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí cho hơn 1 ngàn người dân tộc thiểu số ở 7 xã của huyện Xuân Lộc là: Xuân Hưng, Xuân Tâm, Xuân Trường, Xuân Thành, Lang Minh, Xuân Thọ, Xuân Phú.

Đặc biệt trong các buổi tuyên truyền pháp luật, cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh còn triển khai chuyên đề về biển đảo. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản bác các nội dung xuyên tạc, phản động, lợi dụng vấn đề biển đảo để chống phá Đảng, Nhà nước.

Ông Nhâm Văn Khải, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, chương trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật này thực sự hữu ích với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định mới của pháp luật, các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, còn giúp dân tháo gỡ những vướng mắc, xung đột pháp luật xảy ra trong cuộc sống. Từ đó họ tìm được các ứng xử phù hợp pháp luật, tránh gây mất đoàn kết nội bộ, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201908/tu-van-phap-luat-cho-nguoi-dan-vung-sau-vung-xa-2959744/