Tư vấn tâm lý học đường: Chính sách không theo kịp thực tế

Tình trạng bạo lực học đường, tự tử, trầm cảm ở học sinh và một số vấn đề khác liên quan đến tâm lý có xu hướng gia tăng. Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường. Trong đó bố trí cán bộ tư vấn chuyên trách và có chế độ, chính sách cho những người làm công việc này.

Học tập và vui chơi rất cần thiết với học sinh, giúp các em giải tỏa áp lực, phát triển kỹ năng. Ảnh: TG

Học tập và vui chơi rất cần thiết với học sinh, giúp các em giải tỏa áp lực, phát triển kỹ năng. Ảnh: TG

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh minh họa: TG

Giải tỏa áp lực cho học sinh

Trăn trở về tỷ lệ học sinh bị trầm cảm, thậm chí là tự tử có xu hướng gia tăng, bà Đinh Thị Ngọc Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương cho rằng, điều này có thể dẫn tới những hệ lụy trong xã hội. Chúng ta vẫn thiếu nhiều mô hình trải nghiệm, lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, gắn kết với tự nhiên và thiếu không gian xanh để giới trẻ vận động ngoài trời.

Bà Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho hay, đã có những hậu quả đáng buồn về bạo lực học đường. Cùng với đó là vấn nạn bắt nạt, bạo lực trên không gian mạng. Theo đại biểu, cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội trong tiếng Anh như một số quốc gia phát triển trên thế giới như Singapore, Mỹ...

Đồng thời nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với việc nâng cao chất lượng dạy - học trong nhà trường. “Tôi tin, nếu chúng ta thật sự coi trọng vấn đề này như kết quả học tập, thi cử… thì dù có khó khăn bao nhiêu cũng sẽ tìm ra cách để triển khai”, đại biểu Hà Ánh Phương nhấn mạnh.

Khẳng định, giáo dục không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn cả xã hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu quan điểm: Cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa áp lực cho học sinh. Việc học tập và vui chơi chung ở cộng đồng rất cần thiết. Điều này giúp các em tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí, tránh được những áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.

Ở góc nhìn khác, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: Từ 2003 đến 2018, ông tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình tư vấn học đường để tham mưu cho Bộ GD&ĐT. Các mô hình tiên tiến trên thế giới được đánh giá tốt nhưng khó áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, do yếu tố văn hóa, điều kiện sống và tâm lý. Trở ngại căn bản trong vận hành mô hình tâm lý ở Việt Nam là nhận thức của học sinh và phụ huynh còn nhiều hạn chế. Nhiều em e ngại, không tìm đến tư vấn tâm lý do có thói quen tự chịu đựng, tự chấp nhận những vấn đề thuộc đời sống tinh thần.

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh minh họa: TG

Nhiều vấn đề cần giải quyết

Đội ngũ giáo viên đang quá tải về công việc. Kiêm nhiệm công việc tư vấn đồng nghĩa thêm việc cho nhà giáo. Bên cạnh đó, các giáo viên làm công việc tư vấn chưa được đào tạo bài bản, ít thực hành nên hiệu quả không cao. Các trường đôi khi chưa quan tâm đúng mức đến công tác tư vấn học đường, do quan niệm kết quả giáo dục chủ yếu được đánh giá bằng điểm số và thành tích học tập của học sinh.

Phòng tâm lý học đường là bộ phận cấu thành ở môi trường giáo dục tiên tiến. Bằng nhiều biện pháp, các chuyên gia tâm lý học đường hỗ trợ thầy cô, ban giám hiệu, cha mẹ học sinh và lực lượng xã hội khác. Họ có thể trực tiếp thực hiện hoạt động phòng ngừa, can thiệp sớm, chuyên sâu, giải quyết những vấn đề tâm lý cho học sinh. Qua đó, giúp các em học tập hiệu quả trong trường học hạnh phúc.

Về mặt pháp lý, Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT đã quy định vai trò, chức năng, cách thức triển khai của phòng tham vấn học đường trong các nhà trường. Hiện tại, giáo viên đang kiêm nhiệm thực hiện chức năng của chuyên gia tâm lý học. Đây là công việc hữu ích nhưng rất khó khăn. Do đó, thầy cô cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ tâm lý học đường để thực hiện có hiệu quả.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – Giảng viên cao cấp, chuyên gia tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục ghi nhận: Những năm gần đây, xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục đã quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Nhưng thực tế, công tác này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Những khó khăn gặp phải là: Năng lực tư vấn cho học sinh của các nhà tư vấn còn hạn chế; công tác tư vấn chủ yếu là do giáo viên kiêm nhiệm. Họ có năng lực dạy học nhưng kỹ năng của nhà tư vấn còn hạn chế. Đồng thời, chế độ đãi ngộ cho những người kiêm nhiệm công tác này chưa thỏa đáng (mặc dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn, xác định, vị trí việc làm và chế độ đối với những người tham gia tư vấn nhà trường).

Trong những năm gần đây số vụ bạo lực học đường ngày càng tăng, tính chất dần phức tạp. Đặc biệt số vụ bạo lực của học sinh nữ tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em. Một trong giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là tăng cường hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Qua đó, giúp các em bước đầu giải quyết những mâu thuẫn, phòng tránh nảy sinh các xung đột. - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng

Sỹ Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tu-van-tam-ly-hoc-duong-chinh-sach-khong-theo-kip-thuc-te-post598549.html