Tu viện Dòng Mến Thánh giá in dấu bình yên...

Những năm 1963-1964, khi tôi còn học lớp ba lớp tư, ba mẹ thường dẫn gia đình ra bến Bạch Đằng dạo mát. Đám trẻ chúng tôi chạy dọc bức vách uy nghi bằng đá xám của Ngân hàng Quốc gia, rồi ra bờ sông ngồi ghế bố kêu hột vịt lộn với khô mực nướng ép mỏng. Gió chiều sông Sài Gòn mát rượi, nhìn qua bên kia sông quần thể Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm in dấu bình yên...

Bài viết này được gợi ý từ câu hỏi mở của Tòa Lãnh sự Canada tại TP.HCM: “Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?”

Huế với kinh thành, hoàng thành và quần thể lăng tẩm

Bỗng dưng, một liên tưởng nảy ra trong tôi: nếu chúng ta đem một khu phức hợp cao cấp và hiện đại như khu La Défense của Pháp đặt tại Huế, đè lên và xóa bỏ toàn bộ các công trình trong quần thể di tích cố đô Huế như Kinh thành và Hoàng thành, cùng hệ thống những lăng tẩm, Huế có còn là Huế không? Cho dù tất cả các cao ốc của khu La Défense có giá trị vật chất tính bằng EURO cao bao nhiêu đi nữa, nhưng khi các công trình lịch sử của Huế bị xóa đi thì toàn bộ giá trị còn lại của Huế là gì?

Thí dụ giả tưởng nói trên cho thấy các công trình lịch sử có vai trò cực kỳ quan trọng, như những cột mốc mà tâm hồn và tình cảm địa phương neo vào. Như hệ thống rễ cái rễ phụ của một thân cây to, chúng giúp địa phương kết nối mặt đất hiện tại với các địa tầng lịch sử bên dưới. Một phần lớn của xứ Huế là “Núi Ngự bên bờ sông Hương” (thơ Bùi Giáng), là quần thể di tích cố đô.

Nhưng không chỉ có vậy, Huế còn là điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, nhà thờ Phú Cam, là nhà vườn Vỹ Dạ, Kim Long, Nguyệt Biều dọc sông Hương… Mỗi công trình chùa chiền, tháp, đền đài mang một lịch sử, một triết lý, một niềm tin, một nếp sống, một cách giải quyết vấn đề... của cộng đồng dân cư khu vực, của làng xã, hay của một gia tộc... phản ánh quan niệm, tập quán của một thời đại. Tất cả quyện nhau tạo nên tâm hồn và lịch sử địa phương, chính là quan niệm sống và tấm lòng của đời trước chuyển lại đời sau, là nền tảng cho đời sau thụ hưởng, chuyển biến, phát triển về tương lai...

Người nơi khác tới một địa phương mong mỏi được thấy và hiểu cái tâm hồn ấy, cái lịch sử ấy được biểu hiện trên từng công trình cụ thể xây dựng trên một nơi cụ thể vào một thời điểm cụ thể.

“Nhớ về thuở trâu dầm nơi con rạch Bến Nghé đổ ra...”. Ảnh: Cường Trần

Nhớ hồi trước, người viết sống bên Pháp, thường cùng bạn từ các nước đi chơi các vùng như Bretagne, Normandie, khu vực sông Loire, Auvergne, Provence... Tới mỗi vùng cả nhóm du khách thăm các địa điểm nhỏ, dừng chân trước một sàn nước công cộng nơi người xưa giặt quần áo, một di tích chợ cổ, một nhà nguyện, hay thậm chí một nơi người xưa cột ngựa dưới tàn cây...

Một hàng rào, một tảng đá, một bức tường đều được nâng niu giữ gìn và tồn tại tới nay cùng với những người lớn tuổi ra ngồi phơi nắng... các di tích đó có thể ở tận làng mạc xa xôi, cũng có thể là một góc tĩnh lặng giữa thành phố nhộn nhịp. Đó mới là nơi du khách quý yêu, trân trọng, khách sạn sang trọng chỉ là nơi trở về nghỉ ngơi buổi tối.

Quận 2 với tâm hồn Thủ Thiêm

Nói chuyện năm đồng bảy đỗi thật ra cũng để trở về vùng đất xưa kia có tên Sài Gòn. Tôi thực sự lo ngại khi thấy các công trình hằng trăm năm tại thành phố đang lần lượt bị giải tỏa.

Một hàng rào, một tảng đá, một bức tường đều được nâng niu giữ gìn và tồn tại tới nay cùng với những người lớn tuổi ra ngồi phơi nắng... các di tích đó có thể ở tận làng mạc xa xôi, cũng có thể là một góc tĩnh lặng giữa thành phố nhộn nhịp.

Người dân bao thế hệ của thành phố đã chấp nhận và bảo tồn khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Xã Tây, con phố Đồng Khởi, Nguyễn Huệ chạy về phía sông Sài Gòn như là trung tâm khởi phát của thành phố. Nơi đó tâm hồn và cốt cách bao thế hệ thành đô ngửng mặt đón gió ngã ba sông Sài Gòn mà nhớ về thuở trâu dầm nơi con rạch Bến Nghé đổ ra, cảm khái ngâm câu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước”, và thấy còn gần gũi thời những ông công chức Tây và Việt bận quần “sọt” chơi trò thẩy bi sắt dưới chân cầu Mống.

Tuy nhiên, hồn Sài Gòn không phải chỉ ở quần thể kiến trúc kể trên mà phần rất quan trọng còn bàng bạc khắp các quận huyện nội ngoại thành, trên từng di tích ghi dấu nếp sống và suy nghĩ người xưa. Nếu những di tích này bị giải tỏa, cư dân Sài Gòn sẽ mất đi cái hình hài vật chất của lịch sử, chính là cái chung nối mọi người hiện tại với nhau.

Quần thể Ba Son đã biến mất. Hiện nay, nhiều công trình ở Thủ Thiêm có tuổi đời gần bằng nửa tuổi chính thức của Sài Gòn, đang chờ giải tỏa nhường chỗ cho các công trình mới. Có người giải thích rằng những công trình bị giải tỏa hoặc không còn phù hợp với xã hội mới. Thật ra thời đại mới luôn khác thời đại cũ, nhưng con người không thể quên hay chối bỏ nguồn gốc và lịch sử của mình.

Cả nước hiện nay vẫn rung lên niềm tự hào khi từng viên gạch Hoàng thành Thăng Long được phát lộ, và dân ta vẫn yêu quý vẻ đẹp những công trình xây dựng thời Pháp thuộc.

Bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Ảnh TL

Có người nói quận 2 đã được quy hoạch thành một đô thị tân tiến, và quy hoạch đã được duyệt. Thực ra những công trình mang dấu ấn đó chỉ chiếm một diện tích nhỏ bé, việc giữ lại không có gì khó, mà tạo nên nét đẹp lâu dài cho quận 2, nét đẹp mang tính tôn giáo, văn hóa, lịch sử duyên dáng và sâu lắng biết bao! Vậy thì, có nên vì xây dựng quận 2 tân tiến, một cách máy móc bằng sắt thép và xi măng, mà xóa đi tâm hồn Thủ Thiêm? Hay là, tâm hồn Thủ Thiêm được giữ lại mới làm giàu đẹp quận 2 của tương lai? Và, do đó, chúng ta nên “hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng”.

Thành phố chúng ta còn rất nhiều nơi phải xây cất, phải chỉnh trang. Mong sao những công trình bề thế, tân tiến sắp mọc lên, nếu không phải là bất khả kháng, không xóa đi tâm hồn của những Tân Định, Đa Kao, Gia Định, Thị Nghè, Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn... Phải chăng một Sài Gòn như thế mới có đủ tầm vóc lịch sử và tình cảm để thắp hương trước đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh?

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tu-vien-dong-men-thanh-gia-in-dau-binh-yen-8866.html