Tử vong do dải phân cách đổ ra đường, ai bồi thường?

Theo luật sư, chủ sở hữu quản lý dải phân cách hoặc người được giao quản lý dải phân cách để bị lật ra đường gây TNGT phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết.

Tử vong do dải phân cách đổ ra đường, ai bồi thường?

Hỏi: Tôi đọc báo và được biết, tại quận Bình Tân (TP.HCM), một người đàn ông đi xe máy AirBlade do va vào dải phân cách bằng sắt bị lật nên ngã xuống đường. Cùng lúc đó, một xe ôm từ phía sau không xử lý kịp đã va phải chiếc xe AirBlade. Hậu quả, người lái xe ôm tử vong. Xin hỏi, trong trường hợp này, người lái xe AirBlade hay ai phải chịu trách nhiệm? Xin nói thêm, người dân cho biết dải phân cách đã bị lật nhiều ngày trước khi xảy ra tai nạn hy hữu nói trên.

Nguyễn Thị Hồng Ngân
(Quận Phú Nhuận, TP HCM)

Trả lời: Đây là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại Khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...”.

Theo quy định tại Điều 605, Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan công an phải xác định được ai là người chủ sở hữu quản lý dải phân cách đó hoặc ai là người được giao quản lý dải phân cách đó để bị lật ra đường gây TNGT, thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết.

Theo nội dung bạn nêu, đã có thiệt hại xảy ra là 1 người chết. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bồi thường theo thiệt hại thực tế và phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Theo quy định, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ở vụ việc này phương thức bồi thường cho gia đình người đã chết (người lái xe ôm) là chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý dải phân cách gây tai nạn sẽ phải bồi thường cho gia đình người lái xe ôm các khoản như sau: Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại
Công ty Luật Hừng Đông - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tu-vong-do-dai-phan-cach-do-ra-duong-ai-boi-thuong-d204810.html