Tử vong vì chủ quan với... chó nhà

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục có nhiều người dân ở Kon Tum tử vong vì bị chó dại cắn gây nên không khí tang thương.

Đáng báo động hơn khi nhiều vùng sâu vùng xa ở tỉnh này vẫn chủ quan không tiêm phòng cho chó nuôi, người bị chó cắn cũng không đi tiêm phòng nên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Liên tục tử vong

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, riêng từ đầu năm 2018 đến nay đã có 4 trường hợp tử vong thương tâm vì bệnh dại. Các nạn nhân đều bị chó trong khu vực mình sinh sống cắn nhưng lại không đi tiêm vắc-xin và điều trị dự phòng để tránh nhiễm bệnh.

Nhiều người dân chủ quan không tiêm phòng cho chó nuôi, thả rông chó dẫn đến nhiều cái chết thương tâm do bệnh dại.

Vài tuần đã trôi qua nhưng gia đình A Khơ (ở xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của A Khơ. Ông A Mảnh, chú của A Khơ cho biết: Thường ngày cháu A Khơ rất ngoan, học hành thông minh và chăm chỉ, lần hội làng nào cũng được tuyên dương.

Ai cũng bất ngờ vì chỉ bị chó cắn nhẹ mà cháu đã tử vong do bệnh phát nặng quá, các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng cháu A Khơ vẫn không qua khỏi. Cùng bị chó dại cắn với A Khơ ở xã Ya Chim vào đầu năm 2018 còn có thêm 3 người khác tuy nhiên chỉ có một mình A Khơ không được đưa đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại nên ngày 22/3/2018, Khơ phát bệnh và vài ngày sau thì tử vong.

Sau cái chết của cháu A Đăng (6 tuổi, ở Đăk Glei, Kon Tum) gia đình anh A Hồng cũng trĩu buồn. A Hồng cho biết: Ở vùng nông thôn này các cháu học sinh cứ chơi đùa vô tư, nhiều khi trêu chọc cả chó nuôi nữa, bị chó cắn chảy máu cũng chỉ đắp lá sơ sơ chứ không đưa đi cơ sở y tế. Khi cháu A Đăng kêu đau đầu, bồn chồn rồi la hét, sợ hãi, sốt, gia đình mới đưa cháu đi bệnh viện thì không cứu kịp được nữa. Các nhân viên y tế rất nỗ lực nhưng bệnh dại của cháu đã phát nặng. Cũng như gia đình A Đăng, gia đình các em A Sai, A Môn (ở TP.Kon Tum, Kon Tum) mấy tuần nay vẫn buồn thương trước cái chết của các em vì bị chó cắn nhẹ.

Chủ quan sẽ gây hậu quả nghiêm trọng

Theo ông Đào Duy Khánh, GĐ Sở Y tế Kon Tum thì hầu hết bệnh nhân nhập viện đều đã bị bệnh dại phát nặng do gia đình chủ quan. Đặc biệt, qua một số lần khảo sát y tế ở các địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như; Đăk Môn, Đăk Glei... người dân nuôi chó mèo nhưng không tiêm phòng. Công tác vận động, tuyên truyền tiêm phòng cho vật nuôi chưa được đẩy mạnh. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người dân khi bị chó cắn. Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh vận động tiêm phòng vật nuôi thì khi bất kể ai bị chó cắn hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, tiêm phòng vắc-xin.

Ông A Thảnh ở xã Đắk Choong (huyện Đắk Glei) sau khi được các nhân viên y tế tuyên truyền về bệnh dại và nguy cơ bệnh dại từ việc nuôi chó thả rông mà không tiêm phòng mới vỡ lẽ, cho biết: Xưa nay ở đây ít ai tiêm phòng cho vật nuôi. Giờ thấy tuyên truyền mới biết. Là già làng nên tôi sẽ đi vận động thêm nhiều người dân trong các buôn hãy đăng ký tiêm phòng cho vật nuôi nhà mình. Vả lại, trước đây nhiều người bị bệnh, kể cả bị chó cắn nhưng chủ yếu toàn tìm đến thầy lang để đắp thuốc lá hoặc cúng chứ không đến cơ sở y tế. Nay thấy nhiều người đã tử vong vì bệnh dại nên chúng tôi sẽ vận động người dân không tìm đến thầy lang như trước kia nữa để không xảy ra những cái chết thương tâm.

ĐÔNG HƯNG

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tu-vong-vi-chu-quan-voi-cho-nha-n143107.html