Từ vụ bé 3 tuổi bị rơi từ tầng cao chung cư: Bài học nào dành cho những người làm cha, làm mẹ?

Sự bất cẩn, chủ quan của người lớn sẽ là mối nguy hiểm đối với con trẻ. Chúng ta không thể lường trước được tất cả mọi chuyện nhưng hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ có thể xảy đến để không ai phải nói 2 từ: Giá như…

Tối 28/2, báo chí và khắp các diễn đàn mạng xã hội đồng loạt đưa tin về vụ việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A (tầng 13) thuộc tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội được cứu sống một cách ngoạn mục. Đây được xem là một điều vô cùng may mắn đối với gia đình cháu bé.

Có được điều kỳ diệu đó là nhờ hành động dũng cảm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh (SN 1990, trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nghề lái xe tải - khi đã nhanh trí, không quản hiểm nguy trèo lên mái tôn để đỡ cháu bé rơi từ trên cao.

Hành động này của anh Mạnh nhận được vô vàn lời khen từ Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, ban ngành đoàn thể và của người dân trên cả nước. Nhiều người không tiếc lời khen gọi chàng thanh niên này là một "anh hùng" khi đã tạo nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Bé 3 tuổi rơi từ tầng cao chung cư được cứu sống một cách thần kỳ. Ảnh TL

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào điều kỳ diệu như câu chuyện trên cũng diễn ra. Ngay ngày 1/3 (theo giờ địa phương), Cảnh sát Hồng Kông cho biết, một bé trai 9 tuổi đã tử vong sau khi rơi từ cửa sổ của căn hộ ở tầng 15 của tòa chung cư Laguna City tại đường South Laguna.

Cậu bé được cho là đã cố mở cửa sổ thông gió trong phòng của mình nhưng bị mất thăng bằng và ngã xuống dưới. Nguồn tin cảnh sát cho biết, cửa sổ này nằm gần tầng trên của chiếc giường tầng nơi cậu bé ngủ.

Nhân viên cấp cứu đã được gọi đến sau khi nhận được tin báo từ mẹ của nạn nhân. Cậu bé bị thương ở nhiều chỗ và rơi vào trạng thái bất tỉnh khi được đưa tới bệnh viện, sau đó đã không qua khỏi.

Sự việc đau lòng trên cho thấy, cùng bối cảnh tương tự nhau, cùng bị rơi từ tầng cao chung cư nhưng đã chẳng có chàng "siêu nhân" hay "anh hùng" nào cứu được cháu bé và điều kỳ diệu đã không đến với cậu bé xấu số này.

Thông qua những câu chuyện này, điều chúng ta cần bàn ở đây là sự an toàn của con trẻ - lứa tuổi chưa tự nhận thức được điều gì nên và không nên làm - không nên trông chờ vào sự may rủi mà cần xuất phát từ chính những hành động của những bậc làm cha, làm mẹ, những người hoàn toàn có thể ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy đến với con em mình.

Do vậy, trẻ nhỏ rất cần sự quan tâm của người lớn và cần được đặt trong tầm mắt của người lớn mọi lúc mọi nơi. Bởi chỉ những bất cẩn, sơ sẩy nhỏ có thể khiến trẻ rơi vào nguy hiểm, thậm chí, phải trả giá bằng cả tính mạng.

Không riêng những vụ trẻ bị rơi từ tầng cao chung cư, thời gian qua, dư luận từng chứng kiến nhiều tai nạn đau xót xảy đến với những đứa trẻ mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của người lớn.

Có lẽ, một em bé 14 tháng tuổi, đang chập chững biết đi sẽ không bị bỏng, phồng rộp khắp người và kêu la đau đớn nếu người lớn để chậu nước sôi pha nước tắm lên cao, không khiến trẻ ngã vào.

Hay giá như 2 anh em mới vài tuổi sẽ không vĩnh viễn ra đi khi bố mẹ không để lọ thuốc chuột màu hồng trông bắt mắt như kẹo ở ngay tầm với của trẻ khiến chúng tò mò ăn thử…

Chúng ta dẫn chứng những câu chuyện, sự việc này không phải nhằm mục đích công kích, lên án bố mẹ, người thân của những đứa trẻ vì suy cho cùng, chẳng ai mong muốn con em mình gặp điều không may và khi con cái họ chẳng may xảy ra điều gì đó, không ai khác, bố mẹ là người chịu tổn thương khủng khiếp nhất với sự hối hận và nỗi dằn vặt suốt đời.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, sự bất cẩn, chủ quan của người lớn sẽ là mối nguy hiểm đối với con trẻ. Chúng ta không thể lường trước được tất cả mọi chuyện nhưng hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ có thể xảy đến để không ai phải nói 2 từ: Giá như…

Để hạn chế những rủi ro có thể đến với trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi gia đình sinh sống ở chung cư hay có nhà riêng cần đặt sự an toàn cho trẻ nhỏ lên hàng đầu, thiết kế lan can, cầu thang cần đảm bảo kích thước an toàn cho trẻ tránh các trường hợp té ngã; có rào chắn cẩn thận không để trẻ có thể chui lọt qua được.

Bên cạnh đó, tối giản không gian sống, tránh sử dụng các đồ đạc có dạng nhọn mức sát thương cao; các đồ đạc màu sắc sặc sỡ, cồng kềnh; các vật dụng điện, đun nấu, chế tạo… cần đặt ở vị trí xa tầm tay và an toàn đối với trẻ.

Ngoài ra, trẻ cũng thường uống nhầm thuốc, hóa chất, do vậy những sản phẩm trên nên được cất trên cao, có khóa cẩn thận, tránh trường hợp trẻ tò mò dẫn đến những tai nạn đau lòng.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tu-vu-be-3-tuoi-bi-roi-tu-tang-cao-chung-cu-bai-hoc-nao-danh-cho-nhung-nguoi-lam-cha-lam-me-20210302161733883.htm