Từ vụ cà phê pin: Bình Phước từng có vụ 'phù phép' tiêu lép thành… tiêu đẹp bằng hóa chất

Cách đây một năm, Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) từng phát hiện vụ 'phù phép' biến tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp bằng hóa chất.

Ngày 23.4, Công an tỉnh Đắc Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam các cá nhân liên quan trong vụ “cà phê pin”. Đặc biệt, lời khai ban đầu của chủ cơ sở thu mua phế liệu cà phê (Nguyễn Thị Thanh Loan) rằng, sở dĩ trộn bột lõi pin với phế phẩm vỏ cà phê, cùng hạt tiêu kém chất lượng và bột đá, nhằm cho ra “hỗn hợp tạp chất” để trộn với sản phẩm hồ tiêu, rồi bán ra thị trường kiếm lời. Bà Loan khai đã bán 3 tấn “hỗn hợp tạp chất” trộn lõi pin trên cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước…

Ngày 24.4, Công an tỉnh Đắc Nông đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước khám xét Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Tại đây, lực lượng công an đã tạm giữ các bao “hỗn hợp tạp chất” liên quan đến “lõi pin”, từ cơ sở của bà Loan.v.v… Đồng thời, lực lượng công an đã bắt giữ bà Phan Thị Dung – Giám đốc Công ty Thảo Dung, để phục vụ cho chuyên án điều tra…

Tiêu lép được trộn với một loại hóa chất màu đỏ không rõ nguồn gốc. Ảnh: H.H

Điều đáng nói, không chỉ hành vi trộn “hỗn hợp tạp chất” có bột lõi pin vào mặt hàng hạt tiêu; cách đây một năm, Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) từng phát hiện vụ “phù phép” biến tiêu lép thành tiêu chắc, đẹp bằng hóa chất… Cơ quan chức năng bắt tại trận hơn 700 kg hạt tiêu đã được “phù phép” xong.

Nồi nấu dung dịch được trộn các loại hóa chất, sau đó dùng để trộn với tiêu lép để cho ra tiêu chắc hạt, đẹp mắt hơn và bán có giá cao hơn tiêu lép. Ảnh: H.H

Thủ phạm trọng vụ “phù phép” này là hộ kinh doanh của bà D. T. T (SN 1983, ngụ xã Đa Kia). Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang hành vi trộn các loại tinh bột màu vàng, trắng và đỏ sẫm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nấu trong hai chiếc nồi lớn thành một loại dung dịch đặc sệt có màu đen nhạt.

Dung dịch tổng hợp này được trộn chung vào đống hạt tiêu lép, để biến tiêu lép biến thành tiêu chắc và có màu đen hơn. Qua làm việc, các cá nhân liên quan khai báo: Họ đã dùng tinh bột bắp và tinh bột gạo nếp nấu thành hợp chất dẻo, sau đó bỏ thêm tinh bột hóa chất màu đỏ sẫm (không rõ xuất xứ và thành phần) để trộn chung với hạt tiêu lép nhằm tạo ra sản phẩm mới là hạt tiêu chắc, có trọng lượng nặng hơn và màu sắc đen hơn.

Bà D.T.T thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình. Bà T khai nhận: Mỗi ngày cơ sở kinh doanh cho nhân công pha trộn trên 3 tạ hạt tiêu lép với tạp chất, qua đó, tạo ra được hơn 3,6 tạ tiêu chắc và bán với giá thành cao hơn. Mỗi tạ tiêu lép sau khi “ra lò” sẽ kiếm lời trên 900 ngàn đồng. Số tiêu này được tung ra bán ở nhiều tỉnh , thành…

Ngay tại hiện trường, hàng đống tiêu lép đã được trộn hóa chất, tạp chất và đang phơi khô. Ảnh: H.H

Sau đó, lực lượng Công an huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước tiếp tục phát hiện một điểm khác cũng pha trộn tạp chất vào hạt tiêu để thu lợi bất chính. Cơ sở pha trộn này đặt tại tại thôn Bình Điền, xã Bình Sơn, do đối tượng L.V.L (trú tại TPHCM) làm chủ. L.V.L khai nhận thu mua hạt tiêu lép rẻ tiền rồi thuê người pha trộn tạp chất và hóa chất, nhằm tăng trọng lượng và màu sắc của hạt tiêu để bán thu tiền chênh lệch cao hơn.

Mỗi ngày, L.V.L cho pha trộn trên 200kg hạt tiêu lép để có được 250kg hạt tiêu có chất lượng cao hơn. Sau khi bán ra thị trường, đối tượng thu được số tiền lãi bất chính trên 2.500.000 đồng.v.v…

Điều đáng nói, cơ sở thu mua hạt tiêu không có giấy phép kinh doanh và chủ cơ sở pha trộn tạp chất này có mối quan hệ họ hàng với cơ sở pha trộn tạp chất vào hạt tiêu của bà D.T.T tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, đã bị lực lượng công an phát hiện bắt quả tang vào đầu tháng 3.2017.

CAO HÙNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tu-vu-ca-phe-pin-binh-phuoc-tung-co-vu-phu-phep-tieu-lep-thanh-tieu-dep-bang-hoa-chat-603451.ldo