Từ vụ cháy kho sắn lớn nhất Gia Lai đến vụ kiện hơn 5,5 triệu USD

Tối 22-3-2016, vụ cháy kho sắn tại khu vực xã Ia Dêr (H. Ia Grai, Gia Lai) của DNTN Phú Lợi (có trụ sở tại 72-Tăng Bạt Hổ, P. Yên Đỗ, TP Pleiku, Gia Lai) kéo dài hơn 1 tuần đã thiêu rụi hàng chục tấn sắn lát khô. Đây là vụ cháy được dư luận quan tâm khi giá trị thiệt hại được xác định lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn với hơn trăm tỷ đồng. Dư luận càng quan tâm hơn nữa khi chủ DNTN Phú Lợi đã khởi kiện yêu cầu phía ngân hàng bồi thường thiệt hại về tài sản với số tiền hơn 5,5 triệu USD.

Kho chứa hơn 22.000 tấn sắn lát của DNTN Phú Lợi bị hỏa hoạn thiêu rụi.

Kho chứa hơn 22.000 tấn sắn lát của DNTN Phú Lợi bị hỏa hoạn thiêu rụi.

Vụ kiện 5,5 triệu USD

Theo đơn khởi kiện của ông Lê Viết Chín - chủ DNTN Phú Lợi thì DN kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu, trong đó chủ yếu là sắn lát. Đồng thời, DN này cũng là đối tác thường xuyên vay vốn, ký kết các giao dịch mở LC (thư tín dụng) phục vụ cho việc ký kết, thanh toán các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Nam Gia Lai. Tháng 12-2015, DNTN Phú Lợi đã ký Hợp đồng thế chấp với BIDV CN Nam Gia Lai để thế chấp số hàng hóa (sắn lát) chứa trong kho của DN tại xã Ia Dêr (H. Ia Grai) nhằm vay vốn kinh doanh.

Theo tài liệu, số lượng hàng hóa thực tế trong kho tại thời điểm thế chấp là hơn 22,1 nghìn tấn sắn lát khô, giá thị trường tại thời điểm thế chấp là hơn 106,2 tỷ đồng (tương đương hơn 4,7 triệu USD). Về phía BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai đã lập biên bản xác định trọng lượng hàng là 20 nghìn tấn và định giá 88 tỷ đồng làm căn cứ cho DNTN Phú Lợi vay tiền. Để đảm bảo việc quản lý, bảo vệ, giám sát việc nhập, xuất hàng hóa (sắn lát đã thế chấp), phía ngân hàng và DN đã ký hợp đồng thuê Cty CP dịch vụ bảo vệ Thiên Ưng (P. Hội Phú, TP Pleiku). Đồng thời, quá trình thực hiện hợp đồng thế chấp, ngân hàng có giữ chìa khóa kho để thực hiện quyền kiểm kê tài sản thế chấp, giám sát việc sử dụng, thay đổi, chuyển hóa tài sản thế chấp.

Đến tối 22-3-2016, kho hàng bị hỏa hoạn, trong kho thời điểm này có khoảng hơn 22,03 nghìn tấn sắn lát (giá trị hơn 105,7 tỷ đồng). Ngọn lửa đã thiêu rụi hầu hết số hàng hóa cùng cơ sở nhà kho. Phía ông Lê Viết Chín, chủ DNTN Phú Lợi đã có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc phía Ngân hàng BIDV bồi thường thiệt hại cho ông số tiền là 5,57 triệu USD (tương đương số tiền hơn 117,3 tỷ đồng, tính theo giá USD 22.750 đồng) và hơn 364,3 triệu đồng chi phí chữa cháy, cứu hàng với lý do ngân hàng giữ chìa khóa kho, quản lý kho nhưng để kho bị cháy. Trong đó, bao gồm hơn 4,47 triệu USD thiệt hại về hàng hóa, hơn 400,6 nghìn USD thiệt hại về nhà kho và hơn 280,6 nghìn USD tiền lãi phải trả. Tổng cộng số tiền bồi thường là hơn 117,7 tỷ đồng.

Tháng 4-2018, TAND TP Pleiku đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự trên giữa ông Lê Viết Chín và Ngân hàng BIDV. Tại phiên tòa này, TAND TP Pleiku đã xác định Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai phải có trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra tại kho hàng. Đồng thời, buộc ngân hàng BIDV phải bồi thường cho ông Lê Viết Chín tổng số tiền là hơn 115,2 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi bản án dân sự sơ thẩm trên có hiệu lực đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của phía ngân hàng cũng như các đơn vị có liên quan khi cho rằng HĐXX đã thiếu khách quan, không công bằng và không đúng các quy định của pháp luật.

Cả hai đều kháng cáo

Ngay sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực, phía ngân hàng đã có đơn kháng cáo yêu cầu phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku vì cho rằng Tòa sơ thẩm tuyên “không phản ánh đúng bản chất sự việc, không phù hợp với thực tế khách quan của vụ án và quy định của pháp luật, diễn giải quy định của pháp luật theo hướng quy chụp, thiếu cơ sở pháp lý, thể hiện sự thiên vị, thiếu khách quan, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của BIDV”. Đồng thời, phía DNTN Phú Lợi cũng có đơn kháng cáo yêu cầu phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm buộc phía ngân hàng tăng thêm hơn 2,57 tỷ đồng tiền bồi thường.

Ngoài việc kháng cáo của BIDV, trong ngày 15-5-2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi đến TAND Tối cao, Chánh án TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo, Chánh án, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai phản ánh về bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Pleiku. Trong đó, các công văn đều chung quan điểm, bản án sơ thẩm tuyên không đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng BIDV. Đồng thời, hai đơn vị trên đều kiến nghị các đơn vị liên quan xem xét, chỉ đạo xét xử bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Pleiku, giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung. Lý do, Tòa sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong thu thập, xác minh chứng cứ, vi phạm các quy định về tố tụng. Qua đó, phiên Tòa phúc thẩm đã chỉ rõ: Việc xác định Tòa sơ thẩm đã nhận định sai về quan hệ tranh chấp dẫn đến việc áp dụng không đầy đủ pháp luật về nội dung trong quá trình giải quyết vụ án. Đặc biệt, nhiều vấn đề chưa được làm rõ nhưng Tòa sơ thẩm đã “vội vàng” nhận định dẫn đến thiếu sót. Cụ thể, Tòa sơ thẩm chưa thu thập, xác minh đủ tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại, giá trị thiệt hại cũng như ai có lỗi trong việc gây ra thiệt hại và nếu có nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì phải xác định mức độ lỗi của mỗi người. Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ các tài liệu do CQĐT cung cấp để xác định nguyên nhân thiệt hại tài sản thế chấp là do cháy và nguyên nhân là “do bột sắn lát tích tụ lâu ngày, bột ẩm mốc dẫn đến quá trình lên men vi sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng làm phát nhiệt dẫn đến tự cháy”. Điều đó rõ ràng chưa xác định lỗi của bên nào để xảy ra vụ hỏa hoạn.

Bên cạnh đó, Tòa sơ thẩm cũng chưa thu thập đầy đủ, chứng minh các chế độ vệ sinh, chống cháy tại kho hàng như thế nào cũng như việc mâu thuẫn giữa 2 lời khai bên bị đơn và nguyên đơn trong việc giữ chìa khóa kho hàng. Trong khi DNTN Phú Lợi cho rằng phía ngân hàng cầm toàn bộ chìa khóa kho, ngân hàng lại cho rằng phía DNTN cũng có chìa khóa. Một điều khác mà dư luận cũng như phía bị đơn quan tâm là việc trước khi xảy ra vụ cháy, kho chứa sắn đã được một đơn vị khử trùng theo yêu cầu của nguyên đơn từ ngày 15-3-2016. Tuy nhiên, dự kiến sẽ nghiệm thu vào ngày 22-3-2016 thì bất ngờ đây cũng là ngày xảy ra vụ cháy kho hàng chứa hơn 22.000 tấn sắn lát. Việc khử trùng này liệu có góp phần tăng nhiệt độ dẫn đến hỏa hoạn hay không vẫn chưa được Tòa sơ thẩm xác minh, thu thập tài liệu liên quan.

Đồng thời, theo nhận định của Tòa phúc thẩm, quá trình xét xử của Tòa sơ thẩm thiếu sót khi thu thập chứng cứ liên quan, như: Giá trị thiệt hại cụ thể về hàng hóa (sắn lát), nhà kho, đĩa ghi âm... Điều lạ hơn, tại biên bản phiên Tòa sơ thẩm không thể hiện có sự tham gia của ông Phạm Chí Dũng, người tham gia tố tụng tại phiên Tòa sơ thẩm mà BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai ủy quyền và cũng là người có ý kiến quyết định mà Tòa sơ thẩm không nêu rõ lý do dù ông Dũng có mặt, phát biểu ý kiến, tham gia tranh luận tại phiên tòa.

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_195960_tu-vu-chay-kho-san-lon-nhat-gia-lai-den-vu-kien-hon-5-5-trieu-usd.aspx