Từ vụ Con Cưng, quy 'trách nhiệm?'

Sau 3 tuần kể từ khi lực lượng Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các cửa hàng của hệ thống Con Cưng tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã công bố kết luận chính thức về vụ việc này, với kết luận Con Cưng chỉ có mắc một số sai phạm nhỏ. Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm thuộc về ai khi vụ việc này được đẩy lên quá mức, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN.

Đại diện Công ty Con Cưng trong trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí liên quan đến các nghi vấn về nhãn mác và nguồn gốc sản phẩm.

Theo kết luận của Bộ Công Thương Công ty Con Cưng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Hồ sơ nhập khẩu của Công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, qua việc kiểm tra của các Chi cục Quản lý thị trường đối với 192 vụ kiểm tra đã phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật của Công ty như: Vi phạm về nhãn hàng hóa; vi phạm về khuyến mại và vi phạm quy định về thương mại điện tử.

Hai ngày sau khi công bố kết luận trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương lại ký quyết định thành lập Tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng của Cục Quản lý thị trường. Trong đó nêu rõ: Tổ rà soát có nhiệm vụ tổ chức rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng.

Sau tất cả ồn ào, vụ việc của Công ty Con Cưng đang dần khép lại sau khi Bộ Công Thương đưa ra kết luận chính thức liên quan đến các nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác của các sản phẩm DN này. Và dù việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng có “vấn đề” hay không thì những thiệt hại mà DN phải gánh chịu trong thời gian qua là không nhỏ.

Hiện nay, đại diện Công ty Con Cưng chưa công bố thông tin chính thức về những thiệt hại này, nhưng DN cũng đã khẳng định DN phải chịu thiệt hại không nhỏ về doanh thu cũng như ảnh hưởng đến tên tuổi, thương hiệu khi bị cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra. Đặc biệt, việc đại diện cơ quan Quản lý thị trường công bố với các cơ quan báo chí về 7 hành vi vi phạm của DN và được các cơ quan báo chí đưa tin rầm rộ trong khi DN vẫn đang bị kiểm tra và chưa nhận được kết luận chính thức từ đoàn kiểm tra đã gây hoang mang cho DN, gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của Công ty, gây thiệt hại đến uy tín, thương hiệu, làm người tiêu dùng thêm phần, tẩy chay hàng hóa của Công ty.

Từ góc độ của một chuyên gia kinh tế và là một luật sư, Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, việc thành lập tổ rà soát đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty CP Con Cưng của Cục Quản lý thị trường cho thấy Bộ Công Thương đã có phản ứng nhanh trong việc xử lý vụ việc của Công ty Con Cưng khi kết luận cuối cùng của Bộ này đưa ra lại khác với kết luận đại diện Cục Quản lý thị trường đưa ra trước đó.

Về trách nhiệm của cơ quan Quản lý thị trường trong vụ việc này, ông Tín cho rằng, việc đưa ra thông tin không thống nhất liên quan đến những vi phạm của Công ty Con Cưng trong khi chưa có kết luận chính thức từ đoàn kiểm tra đã gây thiệt hại lớn cho DN. Đây là bài học lớn cho cơ quan Quản lý thị trường khi chưa có kết luận kiểm tra chính thức thì cần phải hạn chế công bố thông tin. Nếu có sai phạm DN sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan chức năng cần tránh gây “ồn ào” từ việc công bố các thông tin chưa chính xác làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như hình ảnh của DN.

Về phía DN, ông Tín cho rằng, qua vụ việc của Công ty Con Cưng, Công ty Ba Huân gần đây, hay các vụ việc của Tân Hiệp Phát và một số ngân hàng trước đó cho thấy vấn đề quản trị khủng hoảng truyền thông của các DN còn có vấn đề.

Trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông vai trò của DN là rất quan trọng. Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro, các DN cần chủ động về quản trị khủng hoảng truyền thông, phải thực hiện quản trị khủng hoảng truyền thông ngay từ khi vụ việc chưa xảy ra hoặc mới chỉ có các dấu hiệu manh nha, ngay từ bên trong DN, đến bên ngoài và đối với cơ quan báo chí. Khi xảy ra khủng hoảng cần có một bộ phận riêng để xử lý cho tốt tránh để sự việc đi quá xa...

Liên quan đến những thiệt hại mà Con Cưng phải gánh chịu, một chuyên gia cho rằng không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong việc đăng tải các thông tin liên quan. Việc “chay đua” thông tin thậm chí là đưa các thông tin không khách quan, trung thực liên quan đến kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cũng gây hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng nặng nề tới DN.

Do vậy, để hạn chế thiệt hại cho DN, khi đã có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, truyền thông nếu đã đăng tin chưa đúng thì cần phải xóa bỏ hoặc ít nhất bổ sung, cải chính ngay trong bài viết ấy (đối với bản điện tử) hoặc viết lại rõ ràng để minh oan cho DN. Không thể lờ đi, để những bài viết sai sự thật lưu trên hệ thống bởi điều đó sẽ trở thành "bản án chung thân" kết án DN.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vu-con-cung-trach-nhiem-thuoc-ve-ai.aspx