Từ vụ cựu viện phó VKS sàm sỡ bé gái trong thang máy: Hình phạt nào mới đủ sức răn đe?

Theo các chuyên gia, thông qua đề xuất của người dân có thể thấy nhận thức và ý thức của người dân về xâm hại tình dục đã khác xưa. Thay vì bỏ qua, xoa dịu, người dân đã nhận thức được đây là hành vi tấn công tình dục và coi nhẹ danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ...

Hình ảnh ông Linh và bé gái trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh ông Linh và bé gái trong thang máy. Ảnh cắt từ clip

Ngày 3/4, liên quan đến vụ bé gái bị người đàn ông sàm sỡ trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 (phường 1, quận 4, TP HCM), ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó VKSND TP Đà Nẵng xác nhận, ông chính là người xuất hiện trong clip. Ông Linh cho rằng mình chỉ nựng bé gái và từ chối nói thêm về lý do.

Vụ việc đang được điều tra làm rõ

Trước đó, chiều 2/4, trên Facebook lan truyền clip dài gần 1 phút. Theo hình ảnh từ clip, tối ngày 1/4, bé gái khoảng 5-6 tuổi cầm túi nylon bước vào thang máy. Tiếp đó là ông Linh trong trang phục tối màu, vừa đi vừa bấm điện thoại. Nhân viên bảo vệ chung cư đi sau, quẹt thẻ từ bấm tầng cho bé gái rồi bước ra ngay. Khi bước vào, mỗi người đứng một góc riêng. Nhưng ngay sau khi cửa thang máy đóng lại, người đàn ông liền tiến lại gần ôm hôn bé gái. Không chỉ dừng lại ở đó, người này còn có hành động bị cho sàm sỡ bé gái. Cháu bé vội đến đứng trước cửa thang máy. Tuy nhiên, người này vẫn cố tình kéo về phía mình. Ngay khi cánh cửa thang máy mở, bé gái chạy nhanh ra ngoài.

Vụ việc được xác định xảy ra tại chung cư Galaxy 9, TP HCM. Người liên quan đến clip gây phẫn nộ trên mạng xã hội cũng được Cơ quan Công an TP HCM xác nhận tên Nguyễn Hữu Linh, vào thăm con ở chung cư nêu trên. Lãnh đạo VKSND Đà Nẵng cho biết, ông Linh đã nghỉ hưu từ tháng 6/2018. Sau sự việc trên, ông Linh đã về lại Đà Nẵng từ ngày 2/4. Phía Công an TP HCM cũng chỉ đạo Công an quận 4 khẩn trương, quyết liệt điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Trưa 3/4, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Công an TP Đà Nẵng chủ động phối hợp, xác minh thông tin vụ dâm ô bé gái trong thang máy xảy ra tại TP HCM, báo cáo kết quả về UBND TP.

Đến sáng 3/4, ông Linh từ Đà Nẵng di chuyển vào TP HCM để làm việc với CQĐT. Thượng tá Phạm Xuân Thao, Phó Công an quận 4 cho biết, đơn vị đã làm việc với ông Linh để điều tra dấu hiệu phạm tội của ông này đối với bé gái trong thang máy chung cư.

Ban quản lý chung cư nói trên đã tiến hành họp nội bộ với cư dân để trao đổi sau khi xuất hiện clip người đàn ông sàm sỡ cháu bé. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi nói trên của ông Linh và lo lắng cho các em nhỏ và phụ nữ sinh sống tại chung cư. Phía lãnh đạo UBND TP đã giao các lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các vụ việc tương tự không tái diễn.

Đến nay, Công an quận 4 đang tích cực xác minh lấy lời khai người tình nghi, bị hại, những người có liên quan để nhanh chóng kết luận và đưa ra hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chế tài chưa đủ mạnh?

Liên quan đến vấn đề sàm sỡ, xâm hại trẻ em, dư luận vừa qua nêu ý kiến cần dán ảnh, bêu tên những đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em. Mới đây, cư dân tòa nhà Galaxy 9 (TP HCM) lại nêu ra đề xuất trên sau vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy. Trước đó lời đề nghị này cũng được cư dân tòa nhà Golden Palm ở Hà Nội đưa ra sau khi xảy ra vụ việc gã đàn ông cưỡng hôn cô gái trẻ trong thang máy, làm nạn nhân thương tích nhẹ, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng.

Về đề xuất trên, TS. Khuất Thị Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho việc bêu tên, dán ảnh đối tượng có hành vi sàm sỡ trong thang máy là không nên vì bên cạnh các quy định của luật pháp thì khi mọi người thấy mặt đối tượng ấy, lại nhớ đến nạn nhân và lại đặt câu hỏi, lại bàn tán, nạn nhân lại bị xúc phạm thêm lần nữa.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho rằng bà hiểu động thái phản ứng của xã hội trước những hành vi biến thái. Tuy nhiên, hình phạt bêu tên rất kinh khủng, không phù hợp với văn hóa người Việt.

Theo các chuyên gia, thông qua đề xuất của người dân từ hai vụ việc có thể thấy nhận thức và ý thức của người dân về xâm hại tình dục đã khác xưa. Thay vì bỏ qua, xoa dịu, người dân đã nhận thức được đây là hành vi tấn công tình dục và coi nhẹ danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, trước đây, những câu chuyện tương tự không phải không xảy ra, nhưng người ta thường giữ im lặng. Khi xã hội phát triển, người dân đã ý thức hơn về vấn đề xâm hại tình dục để khi người bị hại lên tiếng là cộng đồng sẽ bảo vệ nạn nhân: “Chính vì thế, những quy định thể hiện sự lạc hậu, vô lý cần được điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội. Đơn cử như hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định pháp luật đầy đủ, hiệu quả về hành vi quấy rối tình dục. Các cơ quan chức năng cần bổ sung, điều chỉnh các điều luật phù hợp, để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực tình dục. Đồng thời cần có chế tài xử lý thích đáng”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Bên lề buổi giám sát về giáo dục nghề nghiệp tại TP HCM ngày 3/4, ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã trả lời báo chí và cho biết, nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em không phải mới xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, báo chí đã nhanh chóng vào cuộc đưa thông tin, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của xã hội, lên án các hành vi này. Chính sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, của dư luận xã hội cũng đặt ra đòi hỏi đối với hệ thống chính trị phải vào cuộc kịp thời, xử lý các vấn đề này. Ông nhìn nhận, các sự việc xảy ra vừa qua là rất đau lòng.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, ông Hùng cho rằng pháp luật cần bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn, để có hình thức chế tài mạnh đủ sức răn đe, thể hiện quyết liệt hơn việc quan tâm chăm sóc trẻ em. Việc thực thi pháp luật ở các địa phương trong các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian qua lại khác nhau. Cùng một sự việc nhưng cấp dưới xử lý nhẹ tay, đến khi cấp trên vào cuộc thì hình thức xử phạt lại cao hơn. Từ đó, ông Hùng nhấn mạnh, cần đặt trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là ở các địa phương khi làm không tốt, không đúng phải chịu xử lý của pháp luật.

G.Nguyễn- X.Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/tu-vu-cuu-vien-pho-vks-sam-so-be-gai-trong-thang-may-hinh-phat-nao-moi-du-suc-ran-de-446326.html