Từ vụ ĐH Đông Đô lộ ra những sơ hở về cấp phôi bằng của Bộ GD - ĐT

Từ vụ ĐH Đông Đô ngang nhiên đào tạo văn bằng 2 dù chưa được phép, chuyên gia giáo dục cho rằng còn nhiều kẽ hở trong việc cấp phôi bằng và thanh tra.

Liên quan đến việc , ngày 17/8 Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ chưa nhận được bất kỳ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường. Do vậy, Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2.

Dù chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của Bộ GD-ĐT, nhưng trường ĐH Đông Đô vẫn ngang nhiên thông báo tuyển sinh một cách công khai. Thậm chí, năm 2017, trường còn ngang nhiên thông báo tuyển sinh 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT. (Ảnh: KT)

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT. (Ảnh: KT)

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

PV: Thưa ông, hàng năm Bộ GD-ĐT vẫn có những đợt kiểm tra, thanh tra, thậm chí Bộ trực tiếp cấp phôi bằng, nhưng lại không hề hay biết trường ĐH Đông Đô đang đào tạo chui. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Việc trường đào tạo sai quy định nhưng lại không được phát hiện là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cho thấy thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận. Việc quản lý lỏng lẻo nên bộ phận tuyển sinh của Vụ Giáo dục đại học không nắm được.

Việc cấp phôi bằng hiện nay vẫn có những kẽ hở. Nếu như trước kia, nếu các trường muốn cấp phôi bằng tốt nghiệp đại học thì phải có chuyên viên của Vụ Giáo dục đại học xác nhận, lãnh đạo Vụ ký rồi mới xuống văn phòng Bộ mua phôi. Nhưng sau này, lại gạt hết vai trò của Vụ Giáo dục Đại học ra, chỉ để Văn phòng Bộ làm những việc này, ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Nếu các bộ phận không ăn nhập với nhau sẽ rất dễ xảy ra sai sót. Như vậy các trường chỉ cần đến Văn phòng Bộ mua phôi bằng là được.

Còn về việc đào tạo ngành nào, chỉ tiêu ra sao thì bộ phận Văn phòng Bộ hoàn toàn không nắm được, họ không biết về giáo dục đại học, muốn hiểu sâu thì phải là chuyên viên của Vụ theo dõi. Ngày tôi còn làm Vụ trưởng, có những trường chưa được mở ngành mới nhưng vẫn làm bậy, Sở cũng tiếp tay làm bậy, khi Bộ phát hiện được xử lý luôn. Trước khi làm công tác tuyển sinh, phải rà soát lại một lượt các trường xem có ngành nào mở mà chưa được phép không, có đúng quy định hay không.

PV: Như vậy, phải chăng không chỉ quá trình cấp phôi bằng, mà ngay cả quá trình thanh tra hiện nay cũng đang có vấn đề, khi năm nào Bộ GD-ĐT cũng có những đợt thanh tra đầu năm học nhưng lại không phát hiện ra sai sót của các trường?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Thanh tra hiện nay vô nghĩa lắm. Không thể thanh tra được hết các trường, rất khó, trừ khi tố cáo và có bằng chứng. Ví dụ như vấn đề các trường tuyển vượt chỉ tiêu, chỉ tiêu ra là 2.000, nhưng lại tuyển hẳn 2.500, khi thanh tra, kiểm tra danh sách lớp học, kế hoạch dạy,... cũng không thể phát hiện được, những cái này đều của trường “tự trồng” được, muốn làm giả không có gì khó.

Tôi vẫn nói với Bộ trưởng Nhạ rằng phải dùng công nghệ thông tin để giám sát, thanh tra không thể phát hiện được hết những sai phạm của các trường. Thậm chí cần tích hợp Công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu thông tin sinh viên từ khi vào trường, đến khi tốt nghiệp, ra trường làm ở đâu, lương bao nhiêu, tiện cho việc thống kê việc làm của Bộ. Còn như hiện nay, cả nước có hàng trăm trường đại học, thì không thể thanh tra hết. Do đó, mới có chuyện vẫn thường xuyên kiểm tra, nhưng lại không thể phát hiện trừ khi có tố cáo. Đó là còn chưa kể đến việc thanh tra phụ thuộc vào cả sự liêm chính của cán bộ thanh, kiểm tra. Có người làm nghiêm thì kết quả lại khác, có người xuê xoa lại khác.

PV: Trường hợp của ĐH Đông Đô đã bị phát hiện đào tạo văn bằng 2 sai quy định, vậy theo ông, cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho những người học?

TS Hoàng Ngọc Vinh: Có nhiều sinh viên khi học không hề biết trường lừa bịp, không thể biết có được cấp phép đào tạo hay không. Nên những sinh viên nào học hành nghiêm chỉnh, đầy đủ, thì vẫn phải công nhận kết quả đó cho họ. Còn những đối tượng chỉ muốn dùng tiền mua bằng, ghi danh nhưng không học, thì cần rà soát kiểm tra để thu hồi bằng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-vu-dh-dong-do-lo-ra-nhung-so-ho-ve-cap-phoi-bang-cua-bo-gd-dt-945972.vov